Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LHQ kêu gọi Ấn Độ, Pakistan kiềm chế sau vụ tấn công ở Kashmir

Ngày 25/4, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan thể hiện “sự kiềm chế tối đa”, trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau vụ xả súng khiến 26 dân thường thiệt mạng tại khu vực Pahalgam, Kashmir.

Lực lượng an ninh Ấn Độ được triển khai tại hiện trường vụ tấn công nhằm vào khách du lịch ở thị trấn Pahalgam thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 22/4/2025. Ảnh: ANI/TTXVN.

Phát biểu với các phóng viên tại New York, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric kêu gọi chính phủ hai nước kiềm chế tối đa để tình hình không bị đẩy đi quá xa. Ông cũng cho rằng mọi vấn đề giữa hai nước cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại có ý nghĩa.

Quan hệ hai nước đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, với việc Ấn Độ cáo buộc Pakistan ủng hộ "khủng bố xuyên biên giới" sau khi các tay súng thực hiện vụ tấn công nhằm vào dân thường tồi tệ nhất trong hơn 25 năm qua tại vùng tranh chấp Kashmir đa số theo đạo Hồi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 24/4 cam kết sẽ truy lùng những tay súng tham gia vụ sát hại 26 người tại khu du lịch nổi tiếng Pahalgam, sau khi cảnh sát Ấn Độ xác định 2 trong số 3 tay súng đang bỏ trốn là người Pakistan và là thành viên của tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba.

Lực lượng an ninh Ấn Độ đang tiến hành chiến dịch truy quét quy mô lớn, với hàng loạt vụ bắt giữ được ghi nhận. Chính phủ treo thưởng 2 triệu rupee (23.500 USD) cho mỗi nghi phạm bị bắt.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã áp dụng hàng loạt biện pháp cứng rắn, chẳng hạn như đình chỉ hiệp ước chia sẻ nguồn nước, đóng cửa biên giới đất liền chính, hạ cấp quan hệ ngoại giao và thu hồi thị thực của công dân Pakistan.

Về phần mình, phía Pakistan bác bỏ mọi cáo buộc, gọi việc liên hệ nước này với vụ tấn công là “vô căn cứ”, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành động gây hấn nào từ phía Ấn Độ.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã triệu tập một phiên họp Ủy ban An ninh Quốc gia hiếm hoi với sự tham dự của các chỉ huy quân sự cấp cao, đồng thời cảnh báo mọi mối đe dọa đến chủ quyền và an ninh quốc gia sẽ phải đối mặt với phản ứng quyết liệt.

Đáp trả các biện pháp của New Delhi, Islamabad cũng ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao và cố vấn quân sự Ấn Độ, hủy thị thực đối với công dân Ấn Độ (ngoại trừ những người hành hương đạo Sikh) và đóng cửa biên giới chính từ phía mình.

Ngoài ra, Pakistan cảnh báo rằng mọi hành động của Ấn Độ nhằm cắt nguồn cung cấp nước từ Sông Indus sẽ bị coi là “hành động chiến tranh”.

Sau vụ việc, làn sóng phẫn nộ lan rộng tại Ấn Độ. Các nhóm dân tộc chủ nghĩa Hindu biểu tình mạnh mẽ, trong khi sinh viên Kashmir ở nhiều bang cho biết họ bị quấy rối và đe dọa.

Giới quan sát cho rằng một phản ứng quân sự của Ấn Độ là hoàn toàn có thể xảy ra, tương tự vụ không kích Pakistan vào năm 2019 sau vụ tấn công ở Pulwama khiến 41 binh sĩ thiệt mạng.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

TT Trump thừa nhận chấm dứt xung đột Nga - Ukraine khó hơn ông nghĩ

Trong các cuộc trao đổi riêng với đội ngũ cố vấn, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận rằng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine khó khăn hơn ông nghĩ.

https://baotintuc.vn/the-gioi/lien-hop-quoc-keu-goi-an-do-pakistan-kiem-che-sau-vu-tan-cong-o-kashmir-20250425141459649.htm

Linh Tô / Báo Tin tức

Bạn có thể quan tâm