Căn hộ Bắc Âu của An Kha với điểm nhấn là cây xanh và đồ gỗ sơn màu trắng bệt. |
Zing chia sẻ quá trình thiết kế căn hộ 91 m2 theo phong cách Scandinavian (Bắc Âu) hiện đại kết hợp với Minimalist (tối giản) của Ngô An Kha (nhà văn, sinh sống tại Hà Nội).
Sau khoảng thời gian thường xuyên làm việc ở nhà, tôi nhận ra không gian sống đóng vai trò rất quan trọng đối với bản thân. Đây là nơi giúp tôi khơi nguồn cảm hứng và tạo động lực giúp để sáng tạo hơn trong công việc. Tôi nhen nhóm ý tưởng cải tạo nhà, sau đó quyết định đầu tư công sức, tâm huyết và tài chính để thiết kế căn hộ của mình trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Lên ý tưởng
Trong quá trình lên ý tưởng, tôi đã tham khảo rất nhiều phong cách nội thất khác nhau như Indochine (Đông Dương), Industrial (công nghiệp), Japandi (Nhật Bản)... Tuy nhiên, kết hợp tất cả các phong cách này vào một căn nhà là điều không thể.
Sau rất nhiều đắn đo, tôi chọn phong cách Scandinavian (Bắc Âu) kết hợp với một chút Minimalist (tối giản). Hai phong cách này giúp tôi hướng tới lối sống "biết đủ thường vui". Ngoài ra, tôi thấy một ngôi nhà càng tinh giản càng khó lỗi mốt.
An Kha lựa chọn tông màu chủ đạo trắng, đen và ghi cho căn hộ của mình. |
Làm việc với 10 đơn vị thiết kế
Sau khi chọn được phong cách ưa thích, tôi lại trăn trở với việc tìm một đơn vị thiết kế hợp gu thẩm mỹ, đủ năng lực chuyên môn và có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Tôi liên hệ với khoảng 10 công ty, chọn ra 3 đối tác tiềm năng, cuối cùng gặp mặt trực tiếp để chọn ra một đơn vị sẽ đồng hành với mình.
Trong quá trình thiết kế - thi công, tôi lo lắng, nhưng cũng rất hào hứng. Ban ngày, tôi cố gắng cùng nhóm thợ hoàn thành các hạng mục chính, cồng kềnh. Đến buổi tối, khi mọi người về hết, tôi lại mày mò, nâng lên đặt xuống, chỉnh sửa từng chi tiết để đảm bảo căn hộ đủ cả công năng lẫn thẩm mỹ.
Tôi và đơn vị thiết kế thống nhất cách làm việc hiệu quả nhất với cả hai. Cụ thể, vừa thi công, mỗi bên sẽ tự liệt kê, thẩm định các vấn đề cần chỉnh sửa - coi như là bước "làm bài tập về nhà".
Sau đó, chúng tôi gặp gỡ hoặc gọi video để bàn bạc, coi đây là bước "trả bài trên lớp". Thời gian đó cũng giúp tôi cải thiện được kỹ năng làm việc nhóm, biết lắng nghe người khác, biết bảo vệ ý kiến cá nhân, đồng thời giảm thiểu cái tôi để hướng tới mục tiêu chung.
Chủ nhà bài trí cây xanh ở nhiều góc để tạo cảm giác mềm mại, tránh sự trống trải. |
Tùy chỉnh theo khí hậu Việt Nam
Phong cách Bắc Âu vốn gắn liền với các đất nước có khí hậu lạnh. Vì vậy, khi áp dụng tại Việt Nam với kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa, tôi đã tùy chỉnh theo 4 yếu tố sau đây:
Đầu tiên, tôi chủ yếu sử dụng chủ yếu các màu trung tính: trắng - đen - ghi. Mặt khác, vì các nước Bắc Âu có ngày ngắn đêm dài, còn Việt Nam thường chan hòa ánh nắng, nên tôi hạn chế màu trắng toàn bộ để tránh cảm giác lạnh lẽo. Ngoài ra, tôi tạo thêm điểm nhấn bằng một số tông màu nóng của đồ trang trí kích thước nhỏ.
Điểm nhấn của ngôi nhà là góc tủ sách bên cửa sổ. Đây là nơi tôi thường ngồi đón nắng vào buổi sáng, nghiền ngẫm những cuốn sách hay và nuôi dưỡng nhiều cảm xúc để phục vụ cho công việc viết lách của mình.
Nội thất được lựa chọn theo tiêu chí đơn giản, tiện dụng. |
Thứ hai, một căn nhà Bắc Âu không thể thiếu chi tiết gỗ. Tôi chọn chất liệu gỗ MDF chống ẩm, sơn bệt trắng. Khác với sơn bóng, đồ gỗ sơn bệt tạo cảm giác mộc mạc, gần gũi. Đây chính là điểm cốt lõi để tạo nên sự tinh tế cho căn nhà.
Yếu tố thứ ba là những cây xanh để giúp ngôi nhà có thêm sức sống. Với những cây lớn, tôi chọn bàng Singapore, Monstera (trầu bà Nam Mỹ). Cây bé gồm trầu bà sữa, đuôi công tím, lưỡi hổ… Cây ban công gồm một số loại như chuối pháo, bạch mã hoàng tử, lan ý...
Cuối cùng, tôi áp dụng tiêu chí tối giản, chỉ sử dụng những đồ dùng cần thiết, không bài trí quá nhiều đồ đạc dư thừa, ít công năng. Điều này cũng giúp tôi hình thành lối sống "biết đủ" trong nếp sinh hoạt và suy nghĩ như người Bắc Âu.