Một ca nâng mũi ở TP.HCM. Ảnh minh hoạ: Duy Hiệu. |
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, chỉ trong 4 ngày, đơn vị này đã nhận báo cáo về 3 ca tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng, trong đó một người tử vong.
Điểm chung là cả 3 trường hợp đều thẩm mỹ tại cơ sở tư nhân, với các kỹ thuật phổ biến như nâng mũi, hút và cấy mỡ, tiêm chất làm đầy (filler).
Trong 3 tháng, ít nhất 3 ca tử vong
Ngày 4/6, chị N.T.T.H., 33 tuổi, đến Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ Quốc tế Thailand Hospital (địa chỉ số 86-88, đường Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1) làm dịch vụ nâng mũi bằng silicon và sụn vành tai.
Sau khi được tiêm thuốc gây tê Lidocain 2% khoảng 5-7 phút, chị H. có triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ và huyết áp tụt.
Bác sĩ phòng khám nghi ngờ bị sốc phản vệ nên hồi sức chống sốc và chuyển người bệnh đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM). Tuy nhiên, chị H. đã tử vong.
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã xảy ra nhiều trường hợp tai biến thẩm mỹ lớn nhỏ, chỉ trong ba tháng, ít nhất 3 ca tử vong được báo cáo lên Sở Y tế.
Trước chị H., ngày 27/3, nữ Việt kiều 64 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nhiều cơ quan như: cắt da thừa mí mắt, hút mỡ bụng toàn phần, hút mỡ eo, đùi, cánh tay, tái tạo thành bụng phức tạp, cấy mỡ vùng mông và thay túi độn ngực hai bên. Đến 29/3, người bệnh có dấu hiệu mệt, khó thở, huyết áp tụt.
Tại Bệnh viện Quân y 175, bà được chẩn đoán suy đa cơ quan nghi do phản vệ độ 3/ nhồi máu cơ tim/ thuyên tắc phổi do huyết khối. Sau một tháng điều trị, người phụ nữ tử vong.
Một trường hợp khác là phụ nữ 70 tuổi tử vong sau khi căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn (quận 1, TP.HCM). Theo báo cáo của bệnh viện gửi Thanh tra Sở Y tế TP HCM, người phụ nữ đến điều trị tình trạng chảy xệ da mặt và thừa da mi dưới vào ngày 13/3.
Sau mổ, bệnh nhân lơ mơ, ngưng thở, nhịp tim rời rạc, được các bác sĩ hồi sức, tiêm truyền tổng cộng 11 ống adrenalin, sốc điện. Khi bệnh nhân có nhịp tim trở lại, được hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, chuyển sang Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng hôn mê sâu.
Ca hút mỡ được thực hiện tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh minh hoạ: Duy Hiệu. |
Lúc nhập viện, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái nguy kịch, được các bác sĩ tích cực cứu chữa, can thiệp ECMO nhưng tình trạng quá nặng, nữ Việt kiều tử vong ngày 15/3.
Dấu hỏi lớn
Nhận định về tình trạng liên tiếp xảy ra những sự cố nghiêm trọng trong thẩm mỹ, khiến nhiều người tử vong, PGS.TS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ với Tri thức - Znews rằng nguyên nhân cụ thể vẫn là một câu hỏi cần được trả lời bởi các cơ quan quản lý.
Theo PGS Hùng, trong báo cáo của bệnh viện thường để lý do tử vong là sốc phản vệ, tai biến y khoa nhưng chưa bóc tách rõ được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong quá trình làm phẫu thuật thẩm mỹ, cơ sở đã sử dụng những loại thuốc nào cho người bệnh, kỹ thuật ra sao hay khi xử lý sự cố, họ thực hiện các bước hồi sức tích cực ra sao.
Để hạn chế xảy ra những tình huống đáng tiếc, cơ quan quản lý cần đưa rõ thông tin về những ca biến chứng thẩm mỹ gây tử vong, cụ thể nguyên nhân và quá trình diễn ra. Từ đó, các bác sĩ khác rút ra được bài học kinh nghiệm, giảm thiểu sai sót.
"Phẫu thuật thẩm mỹ rất khó xảy ra tai biến nặng để dẫn đến tử vong, nhưng xuất hiện liên tiếp các ca tử vong thì các bác sĩ đang hành nghề ở lĩnh vực này cần nhìn nhận nghiêm túc đây là một vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành", PGS Hùng nói.
Về đào tạo bác sĩ thẩm mỹ, PGS.TS Đỗ Quang Hùng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp cứng rắn hơn, phạt nặng những cơ sở đào tạo "chui", kém chất lượng.
Tình trạng đào tạo bác sĩ thẩm mỹ ở TP.HCM đang diễn ra tràn lan, ai cũng có thể tự xưng là" bác sĩ" sau khi tham gia một vài khoá học ở những trung tâm không có giấy phép.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM và báo chí thời gian qua đã đề cập đến rất nhiều về vấn đề người dân không nên tin vào quảng cáo trên mạng xã hội, khi lựa chọn cơ sở thẩm mỹ cần dựa vào uy tín và tay nghề của bác sĩ. Tuy nhiên, vẫn có người "nhắm mắt đưa chân" lựa chọn những cơ sở không uy tín, không có giấy phép, thậm chí không biết người sẽ phẫu thuật có phải là bác sĩ hay không.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.