Rắn cạp nia nổi bật với khoang màu đen, trắng xen kẽ, là một trong những loài rắn độc nhất ở Việt Nam, bên cạnh chàm quạp, hổ mang, cạp nong... Ảnh: flickr. |
Đáng chú ý, nhiều trường hợp bị rắn độc rắn thực hiện sơ cứu không đúng cách, tự đắp thuốc tại nhà mà không đến bệnh viện sớm. Điều này khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, nhiễm trùng, liệt cơ hô hấp, thân thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Nguy kịch sau một phát cắn
Chỉ trong hai ngày liên tiếp, hai người ở Tây Ninh phải nhập viện do bị rắn lục đuôi đỏ tấn công khi đang làm vườn.
Bà L., 75 tuổi, đang chăm sóc vườn cây sau nhà vào buổi sáng thì bất ngờ bị rắn cắn vào ngón cái tay phải. Sau khi bị cắn, bà đã thấy sưng đau nhiều, dần dần ra xa vị trí từ vết cắn, kèm theo chảy máu.
Rắn lục đuôi đỏ bị người dân đập chết, mang theo cùng người bệnh đến bệnh viện. Ảnh: BVCC. |
Sau đó, bà L. tự đắp thuốc ở nhà. Đến khi tình trạng nặng hơn, sưng và đau nhiều từ ngón tay lan đến cẳng tay, bà mới đến bệnh viện. Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra và xác định đây là rắn lục đuổi đỏ cắn, có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân cao.
Bà L. được chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc (ICU), Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, điều trị tích cực, ngăn chặn sự lan rộng của nọc độc. Lúc này, tình trạng sưng đau mới được kiểm soát. Sau một ngày điều trị, người bệnh qua cơn nguy kịch và xuất viện.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân K., 70 tuổi, ngụ Tây Ninh, bị cắn vào ngón cái tay trái. Nhờ phản ứng sớm, bà K. thông báo với người nhà và được đưa đến bệnh viện sớm. Tại đây, bà K. được các bác sĩ tiêm huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ, đồng thời theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn.
Bàn tay sưng vù của người bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ảnh: BVCC. |
Ngày 23/8, một lãnh đạo UBND thị trấn Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, cho biết một người đàn ông 37 tuổi, trú tại địa phương, không qua khỏi do bị rắn cạp nia cắn. Sự việc xảy ra từ hôm 9/8, khi nghe tiếng con trai la hét vì có rắn bò bào nhà, người đàn ông tỉnh dậy đuổi con rắn đi thì bị cắn vào cổ chân.
Mặc dù đã được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, sau đó chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân không thể qua khỏi do độc tố rắn cạp nia quá mạnh và nguy hiểm.
Những điều "sống còn" cần lưu ý khi bị rắn cắn
Mùa mưa hàng năm cũng là thời điểm phát triển và hoạt động mạnh của rất nhiều loài rắn độc. Những tháng này, các bệnh viện trên cả nước cũng tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì rắn độc cắn, kể cả người lớn và trẻ em.
Trong đó, các loài rắn độc dễ gây nguy hiểm tính mạng có thể chia thành 2 loại:
- Họ rắn hổ: Thường gặp nhất là các loại rắn hổ đất, hổ chúa, hổ mèo, cạp nong, cạp nia.
- Họ rắn lục: Các loại rắn họ lục thường là gặp lục đuôi đỏ, rắn lục xanh, chàm quạp.
Tùy theo từng loại rắn cắn, nạn nhân sẽ có những biểu hiện đặc trưng khác nhau. Với nhóm rắn hổ, tại vết cắn, nạn nhân sẽ bị đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn, nhiễm khuẩn, sưng đỏ, sốt, có mủ...
Với nhóm rắn cạp nia, cạp nong thì ở dấu hiệu tại chỗ thường ít, khó nhận biết. Triệu chứng toàn thân thường thấy là nạn nhân đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở do liệt cơ hô hấp, yếu liệt chi, loạn nhịp tim, tiểu ít…
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, hướng dẫn bất cứ trường hợp bị rắn cắn nào cũng cần được theo dõi sát, ít nhất là trong 6 giờ đầu.
Đặc biệt, khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế. Cách sơ cứu như sau:
- Cho nạn nhân nằm yên, trấn an họ
- Đặt bộ phận cơ thể bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc
- Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước
- Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng
- Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương
- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và dùng huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Những việc nên tránh
- Không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi
- Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do có thể gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc
- Không đắp lá cây không rõ nguồn gốc lên vết thương vì có thể gây nhiễm trùng, hoại tử.
Sau khi sơ cứu thì nạn nhân phải được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế. Việc tự điều trị tại nhà có thể khiến người bị cắn trì hoãn đến bệnh viện, dẫn đến việc mất thời gian quý báu để điều trị hiệu quả. Điều này khiến nọc độc có cơ hội gây ra những tổn thương không thể phục hồi.
Khi bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, mọi người đều cần xử trí và được theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu muộn sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.
Được sống thật với chính mình luôn là một hạnh phúc. Trong cuốn sách "Sống thật để thật sự sống", người đọc được khuyến khích mở rộng tâm trí đón chào tiềm năng hiểu biết và yêu thương, đồng thời đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và thực tế để sống dựa trên sự tử tế đó.