Mới nhất, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố đối với Phan Thị Nhiệm (39 tuổi, ngụ huyện Hồng Dân) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ năm 2009, bà Nhiệm làm chủ hụi, thu hút đông đảo người dân ở địa phương tham gia. Thời gian đầu, Nhiệm chung chi tiền hụi đầy đủ, tạo được lòng tin của các hụi viên. Sau đó, do một số hụi viên hốt hụi nhưng không đóng tiền, dẫn đến Nhiệm mất cân đối tài chính không còn khả năng chi trả.
Để có tiền lấp hụi, bà Nhiệm liên tục mở ra nhiều dây hụi mới. Người phụ nữ này lợi dụng việc hụi viên không yêu cầu cung cấp danh sách, tìm hiểu về hụi viên tham gia chung… nên đã mạo danh hụi viên để hốt nhằm “lấy đầu này, lấp đầu kia”. Đến tháng 9/2023, Nhiệm tuyên bố vỡ hụi; chiếm đoạt của hụi viên gần 1 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Bích Thủy (áo đỏ). Ảnh: Công an Kiên Giang. |
Công an huyện Cầu Kè (Trà Vinh) bắt tạm giam Trần Thị Út Năm (45 tuổi) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 5/2022-8/2023, bà Năm mở nhiều dây hụi ngày, tháng cho các hụi viên tham gia.
Bà Năm khai khống nhiều chân hụi mà người tham gia không có, đồng thời kêu bán hụi khống để chiếm đoạt tài sản. Tại thời điểm vỡ hụi, cơ quan điều tra đã xác định có 9 dây hụi do bà Năm làm chủ chưa kết thúc.
Vừa qua, Công an tỉnhKiên Giang bắt giam bà Nguyễn Thị Bích Thủy (51 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thuận). Từ năm 2007, bà Thủy làm chủ hụi và tổ chức cho nhiều người tham gia chơi.
Ban đầu, bà Thủy giao hụi đầy đủ, đúng thời gian quy định nên các hụi viên tin tưởng, số lượng người chơi ngày càng nhiều.
Tháng 4/2020, lợi dụng các hụi viên tham gia không biết nhau, không đi bỏ thăm khui hụi nên bà Thủy tự ý lấy tên họ để hốt hụi, nhằm chiếm đoạt tiền. Các hụi viên không biết hành vi của Thủy, vẫn đóng tiền hụi cho người phụ nữ này như bình thường…
Tháng 3/2023, Thủy tuyên bố bể hụi, thời điểm này bà ta đang làm chủ 27 dây hụi tháng và hụi 15 ngày (chưa kết thúc).
Công an đọc lệnh khởi tố bà Quách Ngọc Bích. Ảnh: Công an Bạc Liêu. |
Công an cho biết tháng 4/2020-7/2022, bà Thủy đã bán hàng chục phần hụi khống cho nhiều hụi viên, chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng.
Công an TP Cần Thơ cho biết đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức chơi hụi có quy mô hàng tỷ đồng. Từ năm 2010, bà Nguyễn Thị Tuyết (57 tuổi, ngụ quận Ô Môn) làm đầu thảo cho nhiều người dân tham gia chơi hụi.
Đến năm 2023, để có tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ, bà Tuyết đã mạo danh hụi viên hốt 26 dây hụi với hơn 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Tuyết mạo danh hụi viên để bán hụi, chiếm đoạt tài sản hơn 1,5 tỷ đồng.
Tại An Giang, từ tháng 7/2023, Lê Cẩm Tú (28 tuổi, ngụ thị xã Tân Châu) tổ chức chơi hụi cho nhiều người tham gia. Tú tạo ra nhiều nick ảo lấy tên nhiều người là hụi viên không có tên thực, không tham gia trên các dây hụi và nhập khống tên hụi viên… để hốt hụi.
Bằng thủ đoạn trên, Tú đã chiếm đoạt tổng gần 620 triệu đồng của 35 hụi viên. Tháng 9 vừa qua, Tú tuyên bố vỡ hụi.
Đáng nói trong số chủ hụi bị vỡ nợ, có người là cán bộ, viên chức…
Đơn cử, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt giam Quách Ngọc Bích (43 tuổi, ngụ huyện Hòa Bình) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước khi bị bắt, bà Bích giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Bình.
Bà Bích làm chủ hụi từ năm 2014, càng về sau người phụ nữ này mở càng nhiều dây hụi mới, mạo danh các hụi viên để hốt hụi. Đến khi mất khả năng thanh toán, bị can Bích tuyên bố bể hụi; tổng tiền nợ gần 4 tỷ đồng.
“Chơi hụi - vỡ hụi” - điệp khúc lặp đi, lặp lại nhưng vẫn không ít người mắc phải, chủ yếu do quá tin tưởng vào chủ hụi.
Cơ quan công an cho biết, chơi hụi là hình thức cho vay, góp vốn mang nhiều rủi ro, vì vậy người dân nên chọn lựa các hình thức đầu tư, tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn.
Nếu chọn hình thức chơi hụi, phải cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn chủ hụi; nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, góp vốn.
Công an khuyến cáo, để tự bảo vệ quyền lợi cho mình và tránh rủi ro khi chơi hụi, người dân cần tìm hiểu rõ những quy định của pháp luật về hụi tại Nghị định 19 ngày 19/2/2019 của Chính phủ.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.