Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên tục đi trekking

Khoảng một tháng nay, chị Minh Huyền trekking 3 chuyến trong 3 tuần. Có thể lực tốt và tập luyện đều đặn trong dịch, chị không gặp khó khăn gì khi đi liên tục.

Sau hành trình chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San (2.965 m) hồi đầu năm, chị Minh Huyền (Hà Nội) lần lượt có chuyến trekking Sơn Đoòng, Putaleng và Tà Năng - Phan Dũng trong vòng một tháng nay.

Chia sẻ với Zing, chị cho hay: “Tôi vốn là người ghét vận động. 10 năm trước, sau khi leo đỉnh Fansipan, tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ leo núi lần nữa. Khoảng 3 năm gần đây, khi không thể ra nước ngoài 1-2 chuyến mỗi năm như trước, tôi quyết định trekking trở lại để kiểm tra thể lực. Từ đó, tôi có cảm giác ‘nghiện’ leo núi và đã chinh phục 7-8 đỉnh nằm top 15 của Việt Nam, Sơn Đoòng và vài cung dễ khác”.

Trong các cung trekking từng thực hiện, chị Huyền ấn tượng nhất với chuyến đi Sơn Đoòng gần đây. Trước đó, chị book tour và phải chờ đợi một năm mới có suất.

“Với chi phí 3.000 USD, mọi người nói có thể đi Mỹ, châu Âu nhưng tôi thấy hành trình vừa qua rất xứng đáng. Không chỉ mang lại giá trị về cảm xúc, thử thách bản thân, thể lực hay gần gũi thiên nhiên, tôi còn thấy ý nghĩa khi một phần chi phí được trích ra để đóng góp cho việc bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng”, chị kể.

Tranh thủ chưa bước vào mùa mưa (tháng 5-9), vốn là thử thách với dân trekking vì các cung đường trở nên khó leo gấp 4-5 lần, chị Huyền tiếp tục thêm vào checklist của mình một số điểm đến. Chị thường đi ghép đoàn từ 5 người trở lên và thuê porter hỗ trợ.

Với chị Huyền, trekking là du lịch về mặt thể lực và phù hợp khi còn trẻ. Khi leo núi, điều quan trọng nhất là giữ nhịp tim và hơi thở. Chân, tay chỉ cần có chút kỹ thuật sẽ bớt bị mỏi.

Mỗi tháng leo một đỉnh núi

Không chỉ là đi du lịch nghỉ dưỡng như trước kia, chị Nguyễn Ngân, làm việc trong lĩnh vực digital marketing tại Hà Nội, quyết định leo núi Bạch Mộc Lương Tử (3.046 m) vào những ngày chuyển giao giữa năm 2021 và 2022.

Dù là lần đầu tiên trekking, chị chọn đỉnh có độ khó thuộc top 3 tại Việt Nam để được trải nghiệm, chinh phục và thử thách bản thân nhiều hơn.

“Mọi người thường bắt đầu leo các đỉnh từ dễ đến khó nhưng tôi thì ngược lại. Tôi nghĩ một khi đã vượt qua cái khó thì những thứ dễ hơn sẽ không còn là vấn đề. Lần đầu trekking, tôi không chỉ bất ngờ về địa hình phức tạp mà còn choáng ngợp bởi thiên nhiên đẹp và hùng vĩ”, chị nhớ lại.

Kết thúc chuyến đi, chị Ngân có cảm giác “nghiện” leo núi. Sau đó, mỗi tháng chị lại chinh phục một đỉnh. Đó là Nam Kang Ho Tao (2.881 m), có độ khó được đánh giá thuộc top Việt Nam, vào tháng 2 và đỉnh Putaleng (3.049 m) cuối tháng 3.


Chị Ngân thường đăng ký đi tour ghép để đảm bảo an toàn đồng thời kết thêm nhiều bạn. Theo chị, leo núi chủ yếu phụ thuộc vào sức khỏe, sức bền và sự kiên trì.

“Tôi nghĩ mỗi tháng leo một đỉnh là vừa sức với mình và không quá khó khăn để thực hiện. Tôi thấy rất nhiều anh chị khác còn leo 3-4 đỉnh trong nhiều ngày liên tiếp. Đó cũng là ý tưởng mà tôi dự định thực hiện trong thời gian tới. Tôi muốn tăng độ khó, bền để giúp tiết kiệm thời gian di chuyển”, chị nói.

Trước khi đi leo núi, chị Ngân chủ yếu tập luyện tại nhà bằng cách đi bộ, luyện cho cơ dẻo dai, đặc biệt là vùng hông, eo và chân. Trải qua vài cung trekking, chị cảm thấy đây là bộ môn bổ ích và thú vị.

“Không chỉ rèn luyện sức khỏe, khả năng chịu đựng, tính kiên trì, trekking còn bổ trợ các kỹ năng xử lý tình huống, địa hình. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để mở rộng các mối quan hệ bạn bè”, chị cho hay.

Hiện tại, khi dần kết thúc mùa leo núi, chị Ngân tạm dừng đến tháng 10-11 mới tiếp tục chinh phục các đỉnh còn lại. Trong khoảng thời gian giữa năm, chị sẽ dành thời gian đi du lịch biển, nghỉ dưỡng hoặc phượt.

Cho con đi trekking từ nhỏ

Đầu tháng 4, bé Nguyễn Bảo Khanh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đón sinh nhật 6 tuổi đáng nhớ trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cùng mẹ. Đây là chuyến trekking thứ 3 của hai mẹ con trong năm nay.

Chị Ninh Thúy Hà (38 tuổi), giảng viên tiếng Anh, cho biết từ khi Bảo Khanh 4 tháng tuổi, vợ chồng chị đã cho bé đi du lịch từ Bắc vào Nam. 5 tuổi, cô bé quay lại Fansipan, leo 600 bậc lên đỉnh núi sau khi đi cáp treo.

Dịp Tết Dương lịch năm nay, chị Hà quyết định cho con gái leo đỉnh Lảo Thẩn (2.860 m) để có khoảnh khắc ý nghĩa trước thềm năm mới. Trong hành trình trekking đầu tiên, người bố không thể tham gia vì chấn thương.

“Trước khi lên đường, hai mẹ con tôi chưa hề chuẩn bị tâm lý hay thể lực mà chỉ có đầy đủ vật dụng leo núi. Tuy nhiên, con không gặp bất cứ khó khăn gì, thậm chí xuống núi còn kéo tay chú porter chạy băng băng, bỏ xa mẹ ở phía sau. Vì chưa có kinh nghiệm, không bó gối khi xuống núi, tôi bị chùn cơ, đau gối trái sau chuyến đi”, chị kể.

Do 2 dịp Tết gần nhau, sau khi leo núi về, gia đình chị Hà trở lại Y Tý (Lào Cai) để mang quà cho các bạn nhỏ ở đây. Trước thềm Tết Âm lịch, hai mẹ con quyết định leo tiếp đỉnh Nhìu Cồ San 2 tuần sau chuyến đi Lảo Thẩn.

“Đây là chuyến trekking đáng nhớ vì những ngày đó mưa bão, sấm chớp, mưa đá đủ cả. Không ai trekking nên cả ngọn núi chỉ có hai mẹ con và bạn porter. Chúng tôi mắc kẹt, không thể lên đỉnh cũng không xuống núi được, đồ ăn thì không mang dư. Khi trời ngớt mưa, 3 người quyết định đi tiếp trong thời tiết lạnh và đường trơn trượt. Mẹ thấy khổ nhưng con lại cho đó là trải nghiệm đáng nhớ, đến bây giờ vẫn nhắc lại mãi”, chị cười nói.

Theo chị Hà, hai mẹ con chị không gặp khó khăn khi liên tiếp leo các đỉnh núi. Sau chuyến trekking Lảo Thẩn, họ duy trì tập thể lực hàng ngày.

Chị Hà cũng trang bị cho con gái kiến thức và kỹ năng cần thiết nếu gặp sự cố. Tình hình dịch phức tạp cộng thêm việc mắc Covid-19 khiến hai mẹ con chị “hụt” leo 3 đỉnh núi.

Với chị Hà, trekking là bộ môn đòi hỏi thể lực và sức bền lớn nhưng rèn được sự kiên trì, cố gắng và lòng dũng cảm đối mặt với thử thách. Tuy nhiên, theo chị, nếu để trẻ em tham gia bộ môn này, phụ huynh phải quan sát thể lực của trẻ.

Theo đó, bố mẹ có thể cho trẻ tập thể lực từ trước bằng cách đi bộ đường dài, chạy, leo cầu thang, bơi, đá bóng; tìm hiểu xem trẻ có yêu thích thiên nhiên, ưa khám phá, thích vận động hay không. Ngoài ra, người lớn phải trang bị cho con những kỹ năng cần thiết khi gặp sự cố như côn trùng cắn, bị lạc, bị thương, tự bảo vệ bản thân thế nào khi gặp mưa, gió lớn hay nắng gắt.

Phụ huynh phải nghiêm túc yêu cầu con biết cẩn thận, tập trung, làm theo người lớn khi di chuyển, hiểu được an toàn quan trọng như thế nào vì trekking là môn thể thao mạo hiểm ngay cả với người trưởng thành.

“Tôi hy vọng truyền cảm hứng tới các bậc cha mẹ muốn cho con đi trekking, cũng như các bạn trẻ thích nhưng chưa dám thực hiện. Đôi chân bé 6 tuổi còn chạm đỉnh được thì lý do gì cản bước chúng ta?”, chị nhắn nhủ.

Dân trekking đuối sức hậu Covid-19

Vài tháng trước, chị Kata Trần leo một ngọn núi mỗi tuần. Hậu Covid-19, chị gặp nhiều di chứng nên chưa thể đi trekking trở lại. Nhiều công ty cũng phải hủy tour do khách là F0.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm