Học sinh 21 trường THCS ở TP Pleiku (Gia Lai) vừa phải thi lại môn Ngữ văn vì đề kiểm tra học kỳ II bị lộ. Phòng GD&ĐT TP này khẳng định, đề được in sao bảo mật, việc giao nhận bài, bảo quản, mở đề thi, tổ chức coi thi thực hiện đúng quy trình, quy chế và có biên bản đầy đủ.
Công an và các lực lượng bảo vệ trước một điểm sao in đề thi ở Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong. |
Hàng loạt vụ lọt đề, lộ đề
Sau đó, đơn vị này cũng đã phải triệu tập 21 hiệu trưởng các trường để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Tuy nhiên, sự việc đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân, ai là người làm lộ, lọt đề ra ngoài. Được biết, đề được in sao ở nhiều đầu mối, địa phương này đã phải sử dụng đề dự phòng để cho học sinh kiểm tra lại.
Ngày 3/7, trường THCS Trần Hưng Đạo (Quảng Ngãi) cũng phải cho hàng trăm học sinh kiểm tra lại bài môn Vật lý do đề kiểm tra bị lộ. Sự việc được phát hiện khi đề bài phát ra chừng 10-15 phút, nhiều học sinh đã nộp bài ra về.
Trường này sau đó nắm được thông tin, nhiều học sinh đã có sẵn đề kiểm tra các môn. Trả lời báo chí, Ban giám hiệu trường THCS Trần Hưng Đạo nói rằng họ rất bất ngờ trước sự việc đề bị lộ ra ngoài, vì trước khi kiểm tra tất cả đề được quản lý nghiêm ngặt tại phòng hiệu trưởng.
Sau khi xảy ra sự việc kể trên, các địa phương đều mời công an vào làm việc, tìm hiểu nguyên nhân, người phát tán đề kiểm tra, đánh giá ra ngoài.
Thậm chí Chủ tịch UBND TP Pleiku ông Nguyễn Hữu Quế sau đó đã phải gửi công văn xin lỗi phụ huynh, học sinh trên địa bàn vì sự cố kể trên.
Điều đáng nói, những sự việc này liên tục xảy ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, năm đầu tiên Chính phủ giao hoàn toàn quyền tổ chức, chịu trách nhiệm cho các địa phương. Phía Bộ GD&ĐT cũng lần đầu tiên có những điều chỉnh, thay đổi giao toàn quyền coi thi, chấm thi cho địa phương tổ chức.
Tăng cường thanh tra đến từng điểm sao in đề
Thời điểm này, các địa phương đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT như: Tập huấn cán bộ coi thi, làm thi; chuẩn bị điểm thi, cán bộ coi thi, in sao đề thi, cử cán bộ chấm thi, làm phách...
Trước đó, tại cuộc họp giao ban trực tuyến với 63 sở GD&ĐT về chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng, dù kỳ thi giao cho các địa phương nhưng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT rất lớn.
“Kỳ thi đã được tổ chức nhiều năm và bài học của kỳ thi 2018 đắt giá vẫn còn, địa phương phải nâng cao trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo từng khâu, tập huấn kỹ quy chế thi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông cũng yêu cầu, tất cả cán bộ, giáo viên được các sở cử đi tập huấn đều phải thực hiện bài kiểm tra để xem nắm được đến đâu, tránh chuyện cán bộ đi tập huấn cho có nhưng không nắm được nhiệm vụ.
Lãnh đạo Bộ cũng lưu ý các địa phương trong việc lựa chọn nhân sự chủ chốt tham gia những khâu trọng yếu tham gia làm thi. Những năm trước, một số địa phương đã nhờ đến lực lượng công an điều tra hồ sơ, lý lịch cán bộ làm thi.
Bộ GD&ĐT sẽ không khoán trắng cho các địa phương mà sẽ tăng cường thanh tra nhằm phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra ở tất cả các khâu.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra (Bộ GD&ĐT) cho rằng vấn đề lộ lọt đề kiểm tra học kỳ ở một số địa phương không đáng lo lắng bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT có quy định bảo mật nghiêm ngặt.
Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tăng cường lực lượng thanh tra bộ giám sát độc lập ở 63 điểm in sao đề thi của các địa phương từ vòng 2.
Lực lượng này sẽ giám sát từ khi in sao đề thi đến khi kết thúc nhiệm vụ thay vì những năm trước chỉ có 2 lực lượng giám sát gồm công an và thanh tra Sở GD&ĐT.