N
gày 22/2, nhà cụ bà 87 tuổi Huỳnh Thị Nía ở xã Định Môn, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) tiếp tục đón nhiều khách đến thăm. Hàng chục người họ hàng đến chúc mừng sự đoàn viên tưởng chừng như một giấc mơ bởi con trai bà Nía là ông Trương Văn Chóng trở về sau 33 năm "hy sinh" ở chiến trường Campuchia.
Sống như vợ chồng với ân nhân
Bên tách trà đầu năm, ông Chóng chậm rãi kể từng mẩu chuyện nhỏ để mọi người xung quanh góp nhặt và xâu chuỗi, bởi trí nhớ của "liệt sĩ" này không còn tốt.
Theo ông Chóng, 2 năm nhập ngũ và sang chiến trường Campuchia, đơn vị của ông ít nhất 6 lần đối đầu với địch. Một ngày giữa năm 1985, khi cả tiểu đoàn tìm chỗ nghỉ trưa trên đường hành quân, một số chiến sĩ múc nước nấu cơm thì bị đối phương bắn bị thương. Ông Chóng cùng đồng đội ôm súng bắn trả thì gặp phải hỏa lực mạnh hơn từ bên kia.
Ông Chóng bên mẹ. Ảnh: Nhật Tân. |
"Bắn nhau loạn xạ khoảng nửa tiếng thì súng hết đạn, tôi bị thương tay trái nên bỏ chạy vào rừng. Chạy nửa ngày mới biết mình lạc đường, may là được một phụ nữ Khmer cứu giúp. Bà ấy thấy mình bị thương nên kéo vào nhà băng bó, dặn đừng nói gì hết", người đàn ông có chiếc răng bọc vàng vừa cười vừa kể.
Sống như vợ chồng với ân nhân được vài năm nhưng không có con, ông Chóng được người "đầu ấp tay gối" tạo điều kiện kiếm con để nối dõi tông đường. Vậy là ông đi xuống Biển Hồ, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống và gặp được góa phụ đang nuôi 5 con, sống bằng nghề mua bán cá.
"Bà vợ người Khmer thấy tôi bỏ đi cũng không nói gì. Khi gặp bà vợ Việt kiều quê Tây Ninh, tụi tôi có với nhau 3 con và mấy đứa nó nay đã có chồng, vợ hết rồi. Gần chục năm trước vợ chồng tôi với tám đứa con về Tây Ninh, các con làm thuê nhưng không cho tôi làm gì, chỉ ở nhà đưa rước cháu nội, ngoại đi học", liệt sĩ trở về sau 33 năm "hy sinh" chia sẻ với Zing.vn.
Gặp lại con trai 35 tuổi với người vợ đầu
Trong niềm vui ngày trở về, ông Chóng không chỉ gặp lại mẹ và các anh, chị, em ruột, "liệt sĩ" Chóng còn được ôm lấy con trai ngoài 35 tuổi. Đây là con lớn nhất của "liệt sĩ" Chóng với người vợ đầu trước khi nhập ngũ.
Ông Tư Cao (anh ông Chóng) cho biết sau khi hay tin chồng "hy sinh", vợ ông Chóng thờ chồng, làm thuê nuôi con gần 20 năm. Đến khi con trai trưởng thành, người mẹ này mới về quê ở xã Đông Bình thuê đất trồng mía, rồi đi thêm bước nữa với người đàn ông làm ở lò đường.
Ông Tư Cao (đứng) cho biết đã nhận ra em trai từ lúc mới gặp lại ông Chóng vào rạng sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất. Ảnh: Nhật Tân. |
"Thằng Chóng nó quên nhiều thứ, chứ tôi nhớ nó sinh năm Sửu, năm nay 58 tuổi. Nhà tôi ở cạnh má, lúc thằng Chóng mới về, tôi nghe kêu 'anh Tư Cao ơi' thì một lúc sau tôi đi ra. Vừa thấy nó là tôi nhận ra thằng Chóng liền, bởi nó có mũi và miệng giống thằng em thứ năm", ông Tư Cao nói về lúc trùng phùng với người em trai thứ sáu.
Trước ngày đón xe từ Tây Ninh về Cần Thơ, ông Chóng được người vợ thứ ba động viên, khích lệ tinh thần. Sau khi về đến quê nhà, ông Chóng gọi điện cho vợ và mẹ của 8 người con khuyên chồng nên ở lâu bên bà Nía để chăm sóc cụ bà.
"Tôi tính ở bên má 3-4 tháng rồi trở lại Tây Ninh đón vợ về đây chơi. Nếu cuộc sống ở đây tốt thì vợ chồng với mấy đứa con của tôi có thể về Cần Thơ ở lâu dài", ông Chóng chia sẻ.
Rạng sáng mùng 5 Tết, ông Chóng đập cửa nhà bà Nía và lớn tiếng gọi tên anh ruột là Tư Cao. Người em thứ tám của "liệt sĩ" tưởng hàng xóm say rượu đến quậy phá nên đuổi ông Chóng đi. Khi hai người đang cự cãi thì người mẹ xuất hiện. Ông Tư Cao sau đó chạy qua và chị ông Chóng cũng nhận ra người em mà gia đình lập bàn thờ từ năm 1985.