Chuyện Barcelona vắng Lionel Messi sa sút ra sao, thì vài thống kê đơn giản sau sẽ chứng minh. Từ mùa 2006/07 đến nay, khi có Messi trong đội hình, Barcelona đạt tỷ lệ thắng 70%, ghi trung bình 2,65 bàn mỗi trận và thủng lưới 0,8 bàn mỗi trận. Khi không có Messi trong đội hình, tỷ lệ thắng của Barca giảm xuống còn 66%, số bàn thắng mỗi trận giảm xuống 2,3 bàn.
Những thống kê trên chứng minh 2 điều. Barcelona thi đấu tệ đi khi không có Messi trong đội hình. Tuy nhiên, điều thứ 2 mới quan trọng: Khác biệt đường dài khi có và không có Messi thực tế không quá đáng sợ như nhiều người hình dung (tỷ lệ thắng chỉ giảm từ 70% xuống 66%).
Nếu tập thể Barca làm quen với điều này và mỗi cầu thủ cố gắng hơn so với khả năng của bản thân họ, lỗ hổng mà Messi để lại hoàn toàn có thể được lấp đầy.
Barca đá tệ hơn khi vắng Messi, nhưng thực tế là không quá tệ |
Truyền thông có xu hướng phân tích về tầm ảnh hưởng của Messi lên thành tích và lối chơi của Barca, điều đó dẫn tới những sự mất mát của Barca mỗi khi vắng Messi.
Có nhiều cầu thủ chỉ đến sau khi rời Barca mới dám lên tiếng nói về việc họ không được chơi bóng một cách thoải mái, mà sự tồn tại chỉ đơn giản là phục vụ Messi. Alexis Sanchez là ví dụ nổi tiếng nhất. Ngôi sao người Chile từng thừa nhận anh bị Messi quát tháo vì “anh được mua về để phục vụ tôi”.
Chưa ai lên tiếng nói về điều này vì lẽ đơn giản: Cách chơi phụ thuộc Messi vẫn phát huy hiệu quả. Đúng là Barca đá hay hơn, ghi bàn tốt hơn khi bóng liên tục được chuyền cho Messi. Về lý thuyết, nếu Messi có thể mang chiến thắng về cho Barca, tại sao phải dùng cách khác?
Yaya Toure sau khi rời Barca đã chơi tuyệt hay trong màu áo Man City |
Tuy nhiên, có 3 vấn đề phát sinh từ cách chơi bóng này. Thứ nhất, Barca đang phải hứng chịu hậu quả của sự phụ thuộc kéo dài vào Messi. Messi gãy tay, phải vắng mặt ở cả Champions League lẫn El Clasico mà Barca lo lắng đến tái mặt. Từ huấn luyện viên (HLV), cầu thủ cho tới Chủ tịch Josep Maria Bartomeu phải lên báo trấn an người hâm mộ rằng: "Chúng tôi vẫn ổn khi thiếu Messi", dùng một cách rất không ổn để nói mình vẫn ổn.
Thứ hai, Messi càng sáng thì những ngôi sao xung quanh anh càng dễ bị lu mờ. Yaya Toure tiếp tục là ví dụ điển hình. Cựu đội trưởng của Man City sang Premier League chơi bóng như một vị thần. Anh chuyền bóng tốt, sút phạt tốt, điều tiết trận đấu tuyệt vời, thậm chí còn là một trong những tiền vệ box-to-box (tiền vệ hoạt động rộng từ khu vực cấm địa của đội nhà đến khu vực cấm địa của đối phương) điển hình bậc nhất trong lịch sử Premier League. Toure hay là thế, nhưng trong màu áo Barca thì chìm nghỉm. Vì anh tồn tại ở đó chỉ để “cướp bóng rồi chuyền cho Messi” mà thôi.
Hệ quả thứ 3 là sự xuất sắc của Messi gián tiếp tạo ra những HLV lười suy nghĩ. Việc của họ đơn giản chỉ là xếp Messi vào đội hình chính rồi chờ anh làm tất cả. Thế rồi khi Messi vắng mặt, HLV chẳng biết phải làm gì với phần còn lại của đội bóng.
Barca không thiếu ngôi sao để lấp lỗ hổng mà Messi để lại mỗi khi anh vắng mặt |
Lịch sử bóng đá chỉ ra 2 hình mẫu “đội bóng 1 người”. Hình mẫu thông dụng nhất chính là kiểu Messi cùng những người bạn. Nhưng có một hình mẫu ưu việt hơn từng xuất hiện ở Man United. Đó là khi Eric Cantona chơi bóng ở đây. Anh là ngôi sao lớn, nhưng Cantona không làm hết mọi việc, mà chủ động san sẻ trọng trách cho các đồng đội.
Chơi bóng bên cạnh Cantona, nhiều cầu thủ tầm thường cũng có thể trở thành ngôi sao. Chơi bóng như Cantona mới thật sự là vĩ đại. Anh vừa khẳng định được giá trị của bản thân, giúp những vệ tinh quanh mình cũng bước lên các nấc thang đẳng cấp mới.
Tất nhiên, quá đỗi vô lý khi một cầu thủ bị chỉ trích chỉ vì anh ta quá giỏi. Tuy nhiên, nếu Messi bớt ôm đồm đi một chút, có lẽ Barca cũng không đến nỗi lo sốt vó khi anh phải vắng mặt vì chấn thương. Và quan trọng hơn: Có lẽ đội tuyển Argentina đã chấm dứt được cơn khát danh hiệu.
Rất bất ngờ khi biết tỷ lệ thắng của Barca tại Champions League khi vắng Messi còn cao hơn cả khi có anh trong đội hình |
Ở Barca, Messi may mắn vì những ngôi sao lừng lẫy như Iniesta, Xavi, Busquets quá giỏi để phải sống dưới cái bóng của anh. Nhưng ở Argentina, tầm ảnh hưởng của Messi bao trùm tới mức che mờ ánh nắng của tất cả những cây nhỏ mọc xung quanh mình, khiến chúng không thể đón ánh nắng và lớn lên được. Barca cần lớn lên khi không có Messi trong đội hình.
Quá trình ấy cần được khẳng định từ đêm nay, khi Barca chạm trán Inter tại Champions League. Trận đấu sẽ diễn ra lúc 2h ngày 25/10.