Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liệu Marvel Studios có mất thiêng sau 'Người Kiến'?

Khởi chiếu tại Bắc Mỹ từ hôm 17/7, “Ant-Man” thu 58 triệu USD sau ba ngày đầu ngoài rạp, mức thấp nhất kể từ “The Incredible Hulk” cách đây bảy năm.

Trên thực tế, con số 58 triệu USD sẽ được coi là thành công đối với nhiều studio khác. Song, với Marvel Studios, nó không tương xứng với những gì họ làm được trong mấy năm gần đây. Hay nói đơn giản hơn, đó là một sự thất vọng.

Thành tích ra quân của Ant-Man thua kém Iron Man (2008), Thor (2011), Captain America: The First Avenger (2011), tức những tác phẩm riêng về một nhân vật thuộc Kỷ nguyên Anh hùng đầu tiên của Marvel Studios. Năm ngoái, nhóm siêu anh hùng “hạng B” Vệ binh dải ngân hà bất ngờ mở màn với thành tích 94,3 triệu USD tại Bắc Mỹ. Còn lúc này, Ant-Man thậm chí còn chẳng đạt mức 60-65 triệu USD như giới quan sát dự đoán.

Người ta có lẽ đã kỳ vọng quá nhiều ở Người Kiến. Trên thực tế, đây chỉ được coi là nhân vật "hạng C" trong nguyên tác truyện tranh.

Song, có nhiều điểm khác biệt giữa Người Kiến với các siêu anh hùng được Marvel Studios khai thác trong suốt bảy năm qua. Ở nguyên tác truyện tranh, nhân vật thường chỉ được coi là kép phụ chứ không phải là một ngôi sao thu hút độc giả. Nếu như quyền chuyển thể các thành viên nhóm Avengers lên màn ảnh nằm trong tay một studio khác, Người Kiến hẳn rất khó được động tới và có một bộ phim riêng.

10 điều cần biết về bom tấn siêu anh hùng ‘Người Kiến’

Trước giờ bộ phim “Ant-Man” ra mắt, thử cùng tìm hiểu về nhân vật siêu anh hùng mới toanh được Marvel Studios trình làng trong mùa hè 2015.

Một nhà phân tích tại Exhibitor Relations cho rằng: “Giới truyền thông có lẽ đã kỳ vọng quá nhiều ở các bộ phim của Marvel. Đây không phải là một nhân vật hạng B, có lẽ chỉ là hạng C thôi. Không có mấy người sưu tập loạt truyện tranh Ant-Man”.

Hãng Disney, công ty mẹ của Marvel Studios, thú nhận rằng họ đã hy vọng bộ phim có thể làm được nhiều hơn thế, nhưng vẫn nhấn mạnh vào mặt tích cực mà tác phẩm đạt được, nhất là khi Người Kiến là một “nhân vật không có mấy tiếng tăm”.

Giám đốc phát hành của Disney, ngài Dave Hollis, cho rằng: “Chúng tôi đã giới thiệu thành công một nhân vật mới, đồng thời mở rộng đối tượng khán giả cho thế giới phim siêu anh hùng. Đó là giá trị mà phải về lâu về dài mới có thể thấy được”.

Lời bình luận của Hollis nhằm giải thích cho việc Ant-Man mang nặng yếu tố hài hước và nhẹ nhàng hơn so với các tác phẩm khác cùng thể loại. Mục tiêu của Disney chính là thu hút nhiều hơn nữa đối tượng khán giả gia đình tới rạp xem các siêu anh hùng trổ tài trong tương lai.

Song, nhắm đến đối tượng gia đình, bộ phim phải đối đầu với hai bom tấn hoạt hình là Inside Out Minions. Trên thực tế, tập khán giả ấy của Ant-Man cũng chẳng cao hơn Avengers: Age of Ultron (2015) hay Guardians of the Galaxy (2014) là bao. Dẫu sao, phản hồi tích cực từ giới phê bình và những người xem phim cũng là một điều khích lệ không nhỏ đối với đội ngũ sản xuất.

Trong năm sau, Marvel Studios sẽ tiếp tục trình làng một siêu anh hùng mới: thầy phù thủy quyền pháp Doctor Strange.

Điều đáng lo ngại hơn từ thành tích ra quân của Ant-Man chính là việc khán giả không sẵn sàng móc hầu bao để theo dõi một siêu anh hùng còn ít tiếng tăm, cho dù phim có được hậu thuẫn bởi một studio lớn đi chăng nữa.

Marvel Studios có thể thành công với Guardians of the Galaxy, nhưng đó là công lớn của đạo diễn James Gunn. Ông dám tạo ra sự khác biệt trong dòng phim siêu anh hùng, còn Ant-Man lại chẳng có điều gì quá đặc biệt khi bị đem ra so sánh với các tác phẩm cùng thể loại.

Thế nên, thách thức dành cho Marvel Studios trong những năm tới đây là rất lớn, khi họ tiếp tục trình làng hai nhân vật siêu anh hùng mới, còn xa lạ với đại chúng là Doctor Strange và Black Panther.

Cùng lúc đó, 20th Century Fox đang nhăm nhe kết hợp hai thương hiệu X-MenFantastic Four. Warner Bros. và DC thì toan tính gây bão với nhóm Justice League - Liên minh Công lý với bước đệm quan trọng mang tên Batman v Superman: Dawn of Justice vào mùa hè 2016. Chưa kể, đối thủ lớn nhất của Marvel Studios còn có nhóm siêu ác nhân Biệt đội Tự sát trong Suicide Squad...

Hàng loạt những tựa phim siêu anh hùng ấy hẳn kéo theo vô số các tác phẩm phần tiếp theo, tiền truyện, ăn theo. Không sớm thì muộn, khán giả sẽ dễ trở nên bội thực với những câu chuyện xoay quanh các siêu anh hùng cứ na ná nhau. Và đó là điều mà Marvel Studios cần cân nhắc nếu như không muốn trở nên “mất thiêng” tại các phòng vé khi trình làng một nhân vật mới toanh nào đó.

 

Tuấn Lương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm