Nguyễn Phước Thanh Tuyền (11 tuổi, sống ở TP.HCM) là cháu nội đời thứ 4 của vua Thành Thái. Bé không may bị bại não bẩm sinh và phải đối mặt với cuộc sống tật nguyền suốt đời. Tuy nhiên, sau khi điều trị bằng liệu pháp ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, căn bệnh của bé đã có nhiều chuyển biến tích cực.
"Phép màu" tế bào gốc
Dù còn mệt sau ca ghép tế bào gốc tự thân lần thứ ba, Thanh Tuyền vẫn cười rạng rỡ khi được mọi người trêu đùa.
Nụ cười rạng rỡ của Thanh Tuyền khi được xuất viện sau đợt điều trị ghép tế bào gốc lần 3. |
Nhìn Tuyền bây giờ, không ai tưởng tượng được gần một năm trước em không thể ngồi vững, nói chuyện hay tự mình làm bất cứ việc gì, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào bố mẹ. “Bây giờ, đi làm về đã thấy con tự tắm rửa sạch sẽ, thậm chí bé còn rửa bát giúp bố mẹ. Với tôi, đó thực sự là một phép màu”, chị Nguyễn Bích Thủy, mẹ của Tuyền cho biết.
Thanh Tuyền có thể tự chơi và làm những việc đơn giản khác.
|
ThS. BS Vũ Duy Chinh, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao điều trị bại não và tự kỷ (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) - người trực tiếp thăm khám và điều trị cho Thanh Tuyền đánh giá: “Thanh Tuyền là một trong những bệnh nhân thích ứng tốt với phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bại não. Sau 2 lần ghép, em đã có thay đổi rõ rệt như: ngồi vững, tự đi 10-15 bước hay xúc cơm ăm”.
“Đặc biệt, nhận thức, tư duy, ngôn ngữ của Tuyền cũng tiến bộ nhanh chóng. Bé có thể nói được những câu ngắn, khả năng trao đổi và tương tác với người khác tốt, làm được những phép tính đơn giản, phân biệt được màu sắc…”, bác sĩ Vũ Duy Chinh cho biết thêm.
Thanh Tuyền đã có thể vận động tay khéo léo khi lắp chữ, ghép mô hình.
|
Ngay khi trở về nhà sau lần ghép tế bào gốc thứ hai vào tháng 10/2016, Thanh Tuyền được đến trường. Hiện em theo học chương trình tương đương lớp 2. Nhờ Tuyền được đi học, cả bố và mẹ em mới có thể đi làm trở lại, thu nhập cũng được cải thiện.
“Cứu cánh” của trẻ bại não
Trước khi được giới thiệu đến Vinmec Times City để ghép tế bào gốc, bố mẹ Thanh Tuyền đã đưa bé đi khắp nơi với hy vọng một phép màu nào đó sẽ giúp cô con gái duy nhất của mình khỏi bệnh. Nhưng ròng rã suốt 2 năm, Thanh Tuyền hầu như vẫn không có biến chuyển gì. Chỉ đến khi được ghép tế bào gốc tự thân tại Vinmec với sự hỗ trợ chi phí từ Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup), cô bé mới thực sự có thể sinh hoạt bình thường trở lại.
Thanh Tuyền chào Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm trước khi xuất viện. |
“Nhiều bệnh nhân bị bại não nói riêng và tổn thương não nói chung không thể tìm được phương pháp điều trị hiệu quả. Chỉ đến khi được ghép tế bào gốc, những bệnh nhân này mới có chuyển biến”, GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gene Vinmec cho biết.
Cũng theo giáo sư Liêm, với những bệnh nhân bị tổn thương não, tế bào gốc khi được ghép sẽ di chuyển đến não và bằng nhiều cơ chế khác nhau giúp phục hồi các tế bào não bị tổn thương.
Theo nhiều nghiên cứu, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh bại não chiếm 0,06-0,19%. Căn bệnh này gây ra gánh nặng cho cộng đồng và mỗi gia đình, cướp đi tương lai của hàng trăm nghìn trẻ em. Liệu pháp ghép tế bào gốc đã giúp nhiều bệnh nhân bị bại não hồi phục được ví như một “phép màu” đối với các gia đình có con bị bại não.
“Liệu pháp ghép tế bào gốc đang được thực hiện tại Vinmec theo quy trình chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn quốc tế nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Trong tương lai, phương pháp này có thể mở rộng để điều trị nhiều bệnh khác như: tự kỷ, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, Parkinson…”, GS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.
Những trường hợp bại não được điều trị bằng liệu pháp ghép tế bào gốc trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân điều trị bại não ở trẻ em” do GS Nguyễn Thanh Liêm chủ trì tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này.
Hiện nay, bệnh viện đang xin phép Bộ Y tế triển khai, ứng dụng rộng rãi phương pháp này với những bệnh nhân khác trong cộng đồng. Những trường hợp này sẽ được Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ 30-100% tùy hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình.