Bộ phim kể về nguồn gốc gã hề xiếc điên loạn của thành phố Gotham hiện gây ra sự chia rẽ lớn trong chính giới truyền thông và trên mạng xã hội quốc tế. Vấn đề được xoáy sâu vào Joker khiến bộ phim của đạo diễn Todd Phillips bị lên án nặng nề, nỗi lo sợ về việc kích động bạo lực và dẫn lối cho những hành vi tội ác.
Nhiều người quan ngại rằng hành trình từ một người đàn ông khó khăn của Arthur Fleck trở thành kẻ sát nhân sẽ truyền cảm hứng cho hành vi bạo lực ngoài đời thực.
Từ câu chuyện của Joker, chúng ta - những khán giả của ngành công nghiệp điện ảnh với sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới, hoàn toàn có lý do để lo lắng và sợ hãi. Bởi lẽ, điện ảnh chắc chắn có đủ sức mạnh để thay đổi con người và không phải lúc nào cũng theo hướng tích cực.
Joker ra mắt và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của điện ảnh trong việc ảnh hưởng và định hướng công chúng. |
Điện ảnh vừa có thể xoa dịu vừa làm méo mó tâm hồn
Ra đời như là sự kết hợp hài hòa giữa năng lực sáng tạo nghệ thuật với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, điện ảnh đã trở thành một loại hình nghệ thuật có sức lôi cuốn công chúng mãnh liệt.
Trong suốt lịch sử, nhiều nhà cầm quyền đã sử dụng sức mạnh của phim để giúp đạt được mục tiêu chính trị. Các nhà lãnh đạo cho rằng điện ảnh có thể dễ dàng thay đổi suy nghĩ của người dân và quan điểm của họ về cuộc sống. Một trong những cách mà phim ảnh hưởng đến xã hội là khả năng mở rộng kiến thức về lịch sử và văn hóa của chúng ta.
Từ thế kỷ 20 đến nay, sức ảnh hưởng của điện ảnh ngày càng được nhân rộng nhờ vào số lượng phim ngày càng ồ ạt và mức độ tiếp cận ngày càng dễ dàng. Nói cách khác, điện ảnh đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của con người hiện đại.
Điện ảnh với những tính năng nghệ thuật đẹp đẽ của mình có thể xem là liều thuốc chữa lành cho nhiều tâm hồn lạc lối hay trái tim vụn vỡ đau thương. Có vô số bộ phim mang những thông điệp tích cực, dịu dàng và bao dung trong cuộc sống để cảm hoá trái tim của khán giả. Nhiều người cảm thấy được đồng cảm, thấu hiểu và được khích lệ khi tìm thấy chính mình trong những câu chuyện trên phim.
Ngược lại, nhiều người cho rằng các tác phẩm đẫm tính bạo lực, nhuốm màu tội ác và đầy tiêu cực dù muốn hay không đều gieo cấy vào tâm hồn của khán giả những "hạt giống" nguy hiểm mà họ không hề biết.
Khi “hạt giống" này được gieo và càng được tưới tắm thì sẽ nảy mầm, dần dà bám rễ vào tiềm thức của người xem, biến họ thành nạn nhân tiếp tay cho tội ác. Từ đó, trong vô thức, họ sẽ chủ động bắt chước hành vi bạo lực trong phim để chứng tỏ bản thân và được công nhận.
Phim hành động, kinh dị từ lâu đã trở thành món ăn thường xuyên của các nhà làm phim dành cho công chúng. |
Trong một bài báo năm 2005 của SC Noah Uhrig - Đại học Essex, Anh, việc thụ hưởng cảm giác kinh dị, bạo lực của khán giả sẽ được dẫn dắt từ tâm trạng háo hức, tò mò lúc ban đầu tới việc thúc đẩy về mặt tâm lý, xuất hiện cảm giác hưng phấn khi thực hiện hành vi bạo lực ngoài đời thật.
Tờ Our Movie Life lấy ví dụ với bộ phim Sói già phố Wall – câu chuyện có thật về gã triệu phú đầy tội lỗi Jordan Belfort. Khác với nhiều bộ phim khác, nhân vật hoàn toàn không hề cảm thấy hối hận về hành động của mình.
Jordan không hề nhận ra những sai lầm của mình và không hề có bất kỳ lời xin lỗi nào về lòng tham của anh ta. “Điều đáng nói ở chỗ là nhìn vào cách anh ta được hưởng thụ cuộc sống xa hoa khiến nhiều người có nhận thức sai về con đường làm giàu”, tờ này nhận xét.
Cây bút Vikas Shah Mbe của tờ Though Economics đúc kết : “Khi chúng ta thực sự thích một nhân vật nào đó trên màn hình, chúng ta luôn cố gắng trở nên giống họ hơn trong tiềm thức bằng nhiều cách. Rõ ràng điều này có cả kết quả tiêu cực và tích cực. Chúng ta có thể tốt hơn hoặc xấu đi. Vì vậy các cá nhân phải tỉnh táo và cẩn thận khi chọn nhân vật hoặc diễn viên mà mình ngưỡng mộ”.
Nhân vật Jordan Belfort trong Sói già phố Wall không đem lại khuynh hướng tích cực cho khán giả. |
Điện ảnh có đủ sức hình thành tội ác?
Hẳn chưa ai quên thảm kịch 7 năm về trước khi gã James Holmes tiến vào một suất chiếu của The Dark Knight Rises (2012) rồi xả súng giết hại 12 người và làm 70 người khác bị thương. Hắn được coi là “người hùng” trong cộng đồng incel. Khi bị bắt, James Holmes nhận mình là Joker.
Incel là cụm từ chỉ những người độc thân không tự nguyện, có xu hướng bạo lực, thù ghét phụ nữ, liều mạng và nguy hiểm. Và nay không ai dám chắc tội ác không xảy ra thêm lần nữa, nhất là với một kịch bản bạo lực như Joker.
Dĩ nhiên, khó có thể đánh đồng fan cuồng độc hại của Joker là các “incel” nhưng không ai dám chắc tội ác không xảy ra thêm lần nữa, nhất là với một kịch bản bạo lực, phủ quanh là tội ác như Joker.
Trước đó vào năm 1971, khi bộ phim kinh điển A Clockwork Orrange ra mắt thì cùng với đó là tỷ lệ tội phạm ở Mỹ tăng cao bất thường. Truyền thông Mỹ lúc ấy suy đoán rằng nhiều người bị ảnh hưởng bởi những kẻ biến thái nhân cách trong phim và cố gắng bắt chước hành vi của các nhân vật yêu thích trong phim.
Chừng ấy hành vi tiêu cực song hành xuyên suốt lịch sử điện ảnh đủ để chứng minh điện ảnh không thể đứng ngoài trong câu chuyện hình thành tội ác trong xã hội loài người. Thế giới ảo của điện ảnh bạo lực có thể đi vào thế giới thực và biến thế giới thực thành thế giới bạo lực nếu người xem không tỉnh táo.
Các nhân vật biến thái trong bộ phim A Clockwork Orrange. |
Không chỉ vậy, việc những khán giả khi chưa được trang bị đầy đủ nhận thức chịu tác động từ điện ảnh một cách thụ động cũng là câu chuyện đáng cân nhắc.
Năm 2012, hai bé gái 11 tuổi ở Trung Quốc đã tự tử vì nghĩ rằng chúng có thể du lịch ngược thời gian, trở về thời cổ đại như nội dung các bộ phim khoa học viễn tưởng mà chúng xem.
Nhận thấy những chuyện không tốt liên quan đến những bộ phim xuyên không đang xuất hiện ngày càng nhiều nên Cục Quản lý Đài phát thanh, phim truyện và truyền hình Trung Quốc đã cấm phát sóng những bộ phim thuộc thể loại này trong giờ cao điểm từ 19 tới 21h.
Ngoài khía cạnh trên, trong nhiều trường hợp thì ngay chính trong quá trình hình thành nên một bộ phim đã chứa đựng những tội ác khó có thể tha thứ. Hàng trăm câu chuyện gây phẫn nộ của các diễn viên, đạo diễn hay các nhân viên trong đoàn phim lần lượt được khui ra sau khi bộ phim được công chiếu.
Nữ diễn viên bị lạm dụng, gạ gẫm, diễn viên đóng thế bị xem thường mạng sống, nhân viên hậu đài không được trả tiền đúng công sức…là hàng loạt các bi kịch thường xuyên được nhắc tới.
Nữ diễn viên bị hiếp thật trước ống kinh khi đóng phim Last Tango in Paris. |
Ví dụ có thể kể đến là hậu trường khắc nghiệt đến phi đạo đức của Phù thủy xứ Oz với việc huỷ hoại cả cuộc đời của sao nữ 12 tuổi cùng hàng loạt tai nạn phim trường vô trách nhiệm hay việc bắt ép nữ diễn viên bị cưỡng hiếp thật trong Last Tango in Paris để rồi cô phải mang ám ảnh tâm lý cả đời.
Vậy câu hỏi đặt ra rằng ngay trong chính quá trình tạo nên nghệ thuật, con người đã nhúng tay vào những hành vi độc ác, bạo lực, phân biệt thì lấy gì đảm bảo sau khi thành hình sẽ không là những tác phẩm độc hại?
Đặc quyền và trách nhiệm của điện ảnh?
Đứng trước những lời chỉ trích dành cho Joker về tính nhân văn trong tác phẩm, nam chính Joaquin Phoenix nói rằng khán giả đủ trưởng thành để phân biệt được đúng và sai. Còn đạo diễn Todd Phillips khẳng định mình đã hành động trách nghiệm, thông qua sáng tạo để khán giả thấy ý nghĩa thực sự của bạo lực, nguyên nhân và cách tạo ra nó.
Nam diễn viên Josh Brolin, một trong những người lên tiếng bảo vệ Joker cho rằng: “Chúng ta thường có thói quen căm ghét, tẩy chay, chia rẽ và giấu giếm mọi vấn đề dưới tấm thảm. Joker, chỉ đơn giản là nâng tấm thảm lên, nhìn thẳng vào bên dưới đó. Chỉ bấy nhiêu. Không hơn, không kém”.
Nhưng liệu việc đẩy trách nhiệm cho khán giả như vậy có thật sự thoả đáng khi việc định hướng cho công chúng là một phần trách nhiệm của nghệ thuật?
Joker luôn là nhân vật phản diện được yêu thích hàng đầu lịch sử điện ảnh. |
Tom Sherak, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nhận định rằng: “Phim là sự phản ánh của xã hội, cả hiện tại và quá khứ. Tôi nghĩ rằng bộ phim và những đổi mới của nó đôi khi phải bắt kịp xã hội nhưng đôi khi nó cũng mang trọng trách dẫn dắt xã hội. Tuy nhiên, mỗi bộ phim đều khác nhau dưới góc độ tiếp cận khác nhau của mỗi người”.
Cụ thể theo Tom Sherak, bên cạnh việc là hình thức giải trí, phim ảnh có thể dễ dàng trở thành một công cụ mang tính giáo dục. Các giá trị đạo đức được truyền tải qua phương tiện điện ảnh có ảnh hưởng lâu dài đến khán giả.
Chính vì thế, nhiều người vẫn một mực bảo vệ quan điểm cho rằng điện ảnh là một phương tiện nghệ thuật giúp con người đến với chân thiện mỹ. Một số khác lại đứng ở phía ngược lại và nhận định điện ảnh thực tế chỉ nên là tấm gương phản chiếu những giá trị chân thật của đời sống với đầy đủ hỷ nộ ái ố.
Forrest Gump thường là bộ phim được nhắc tới khi ví dụ cho câu chuyện truyền cảm hứng của điện ảnh. |
“Bạn có thể trốn thoát khỏi thế giới thực và quên đi những lo lắng của mình trong vài giờ xem phim ngắn ngủi. Bạn có thể vui, buồn, tức giận thậm chí là bị sốc trước những cảnh khủng bố, giết người đẫm máu. Nhưng cái đáng sợ nhất là chúng khiến bạn bắt đầu bận tâm suy nghĩ đến nó”, tờ Though Economics nhận định.
Hiện nay, phim ảnh là hình thức nghệ thuật có tiếng nói mạnh mẽ nhất. Hầu hết công chúng không theo dõi sát sao các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc hoặc kiến trúc vì chúng thường chỉ xuất hiện ở các viện bảo tàng, các hội thảo, triển lãm còn phim ảnh có mặt ở khắp mọi nơi.
Phim ảnh đi sâu vào từng ngóc ngách trong xã hội con người và gửi đi những thông điệp có sức ảnh hưởng. Đó được xem là quyền năng của điện ảnh. Nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm, trách nhiệm với xã hội, với con người và với từng cá thể khán giả của họ. Các nhà làm phim phải cẩn thận với những gì họ đưa vào sản phẩm của mình, vì ngay cả những điều nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến rất đông khán giả.