'Life of Pi': Biến điều không thể thành có thể
Không chỉ là một trong những bộ phim được trông đợi nhất trong năm, "Life of Pi" còn được kỳ vọng trở thành một kiệt tác của lịch sử điện ảnh.
Một hình ảnh của Life of Pi. |
Năm 1982, con tàu Napoleon Solo do chính tay Steven Callahan thiết kế và đóng đã bị cơn bão đánh tan tành ở vùng biển bên ngoài hòn đảo Canary. Callahan đành bỏ rơi con tàu và trốn thoát bằng một chiếc bè nổi. Sau 76 ngày trôi giạt trên biển, cầm hơi bằng cá, chim trời và nước mưa, anh đã được cứu sống khi đến được hòn đảo du lịch Marie-Galante, nằm ở phía nam quần đảo Guadeloupe trên biển Caribe.
Cùng với Life of Pi - cuốn tiểu thuyết từng đoạt giải Man Booker của Yann Martel - câu chuyện sống sót thần kỳ của Callahan là một trong những gia vị chính tạo nên bộ phim rất được kỳ vọng của đạo diễn Lý An vào cuối năm nay.
Life of Pi là cuốn tiểu thuyết kể về một cậu bé người Ấn Độ, tên Pi, lên thuyền cùng với cả gia đình và vườn thú của họ. Không may là mọi người đều bị chết và con thuyền cũng bị phá hủy hoàn toàn khi gặp bão, chỉ còn lại Pi sống sót trên một chiếc bè cùng đười ươi, ngựa vằn, linh cẩu và chú hổ Bengal tên Richard Parker.
Nhiều người cho rằng việc chuyển thể cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này lên màn ảnh bạc là điều không tưởng. Bởi lẽ, đó là một câu chuyện có "dính" tới nước, động vật, trẻ em, hy vọng, niềm tin và triết học - những yếu tố vẫn được cho là "khó nhằn" nhất của điện ảnh.
"Nếu đưa tất cả các yếu tố này vào trong một bộ phim, đơn giản là quá đắt để làm nên bộ phim đó. Nó giống như số Pi vậy, vô tận và phi lý. Cho đến thời điểm này, đây là bộ phim khó nhất mà tôi thực hiện" - đạo diễn Lý An phát biểu.
Một yếu tố phiêu lưu khác của Lý An với Life of Pi chính là việc ông chọn Suraj Sharma - người chưa từng qua đào tạo và cũng không hề có kinh nghiệm diễn xuất - cho vai chính Pi. Tuy nhiên, đạo diễn người Đài Loan khẳng định: "Cậu bé là một tài năng hiếm hoi. Suraj như một tiểu phật sống và đang cần được đánh thức".
Đạo diễn Lý An và Suraj Sharma. |
Sinh năm 1993, Suraj Sharma là một chàng sinh viên bình thường ở New Delhi, Ấn Độ. Anh đồng ý "hộ tống" cậu em trai đến buổi thử vai của Life of Pi để đổi lại có được một bữa ăn miễn phí. Điều bất ngờ là chính anh chàng ngơ ngác và xuất hiện không có chủ đích này lại là người vượt qua được hơn 3.000 thí sinh khác sau nhiều vòng tuyển chọn để có được vai diễn đáng mơ ước.
Trong quá trình hóa thân thành Pi, Suraj Sharma đã phải vừa tăng và vừa giảm khoảng 14 kg. Lý An thực hiện bộ phim theo thứ tự thời gian để có thể thể hiện được sự sút cân của Pi trên màn ảnh. Đầu tiên, anh chàng người Ấn Độ đã phải tăng cân bằng chế độ ăn đặc biệt với bánh bao, mỳ và chocolate. Dẫu vậy, giảm cân mới là điều khắc nghiệt.
"Giảm cân là phần khó nhất. Tôi phải ăn rau diếp, cá và tập luyện gay gắt" - Suraj cho biết.
Trong suốt quá trình quay phim ở Đài Trung, điều an ủi với Suraj là luôn có bố ở bên chăm sóc, động viên.
Một hình ảnh của Suraj Sharma trong phim. |
Một trong những yếu tố khác hứa hẹn hấp dẫn của Life of Pi chính là hiệu ứng hình ảnh thị giác. Bộ phim có nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ, chẳng hạn như hình ảnh đàn sứa và cá voi rực sáng, bầu trời đầy sao và hình bóng phản chiếu dưới đại dương... Tất cả sẽ đem đến cho khán giả một thế giới đẹp như mơ. Phần lớn hình ảnh của Richard Parker - chú hổ Bengal sống sót sau vụ đắm tàu cùng với Pi - cũng là sản phẩm của máy vi tính và công nghệ.
Lý An cho biết sự mâu thuẫn giữa tính thương mại và nghệ thuật của phim cũng là một trong những điều khiến ông phải đau đầu khi thực hiện Life of Pi. Cuốn tiểu thuyết gốc mang trong mình nhiều lớp nghĩa triết học và nổi tiếng khắp thế giới, chính vì thế, để làm nên một bộ phim thành công, nhiệm vụ của Lý An là vừa phải đảm bảo tính nghệ thuật vừa phải dễ hiểu để phần lớn người xem có thể thẩm thấu bộ phim.
Life of Pi được kỳ vọng sẽ là một trong những ứng cử viên nặng ký cho giải Oscar năm sau và là một trong những tác phẩm "để đời" của Lý An sau Ngọa hổ tàng long và Brokeback Mountain.
Câu chuyện về cuộc đấu tranh sinh tồn của một con người và một con vật suốt hơn 200 ngày lênh đênh trên biển trong Life of Pi sẽ ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 14/12.
Câu chuyện sống sót sau 76 ngày lênh đênh trên biển của Steven Callahan. |
Hậu trường cảnh quay Life of Pi. |
Phần lớn hình ảnh của Richard Parker - chú hổ Bengal sống sót sau vụ đắm tàu cùng với Pi - là sản phẩm của máy vi tính và công nghệ. |
Trong suốt quá trình quay phim ở Đài Trung, Suraj luôn có bố ở bên chăm sóc, động viên. |
Nhà sản xuất Gil Netter từng nhận xét: "Lý An là con người 24/8. Tôi chưa từng gặp ai làm việc chăm chỉ hơn anh ấy". Thế nhưng với Life of Pi, vị đạo diễn gốc Á này cũng phải thốt lên rằng "đây là bộ phim khó nhất". |
Life of Pi hứa hẹn sẽ là một kiệt tác về thị giác. |
Life of Pi được kỳ vọng sẽ là một trong những ứng cử viên nặng ký cho giải Oscar năm sau và là một trong những tác phẩm "để đời" của Lý An sau Ngọa hổ tàng long và Brokeback Mountain. |
Câu chuyện về cuộc đấu tranh sinh tồn của một con người và một con vật suốt hơn 200 ngày lênh đênh trên biển trong Life of Pi sẽ ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 14/12. |
Hồng Giang
Theo Infonet