Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Like Father, Like Son’: Câu chuyện trao nhầm con của người Nhật Bản

Đề tài bệnh viện trao nhầm con thực tế không xa lạ trên màn ảnh. Nhưng hiếm ai tiếp cận nó thành công như đạo diễn Hirokazu Kore-eda người Nhật Bản với “Like Father, Like Son”.

Trailer bộ phim 'Cha nào, con nấy' "Like Father, Like Son" là bộ phim Nhật Bản với câu chuyện về hai gia đình bị trao nhầm con và phát hiện sự thật sau 6 năm.

Thể loại: Tâm lý, gia đình
Đạo diễn: Hirokazu Kore-eda
Diễn viên chính: Masaharu Fukuyama, Maichiko Ono, Keita Ninomiya, Lily Franky, Yōko Maki, Shôgen Hwang
Zing.vn đánh giá: 9/10

phim Nhat trao nham con anh 1
Like Father, Like Son là bộ phim xoay quanh câu chuyện hai gia đình bị trao nhầm con trai từ lúc chúng mới chào đời do đạo diễn nổi tiếng Hirokazu Kore-eda thực hiện.

Để đánh giá mức độ thành đạt của một người đàn ông, có lẽ người ta thường nhắc tới một số phẩm chất tiêu biểu như vợ đẹp, con khôn, nhà lớn, xe sang, sự nghiệp thành đạt.

Xét theo loạt khía cạnh ấy, có lẽ Ryota Nonomiya (Masaharu Fukuyama) chẳng có gì phải phàn nàn.

Bởi tuy phải bận bịu tối ngày tại công ty xây dựng, nhưng khi trở về căn nhà sang trọng giữa lòng thành phố, anh luôn được đón chờ bởi cô vợ hiền dịu Midori (Machiko Ono) và cậu con trai Keita (Keita Ninomiya) ngoan ngoãn có cặp mắt tròn đen láy.

Cách xa gia đình nhà Nonomiya nhiều tiếng đi tàu, ông chủ tiệm tạp hoá Yudai Saiki (Lily Franky) chẳng có được cuộc sống mơ ước như của Ryota.

Bởi chỉ vài chiếc bóng đèn bán qua ngày giữa chốn đồng quê không thể đủ giúp nhà Saiki nuôi nấng ba đứa con đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Điều đó cũng buộc cô Yukari (Yōko Maki), vợ ông phải đi làm kiếm tiền, thay vì ở nhà với công việc nội trợ và chăm sóc con cái như Midori.

Tin dữ sau 6 năm

Một giàu có, một chật vật mưu sinh, một tràn đầy ý chí tiến thủ trong công việc, một an phận với cuộc sống tuềnh toàng nhưng nhàn nhã, nhưng hai người đàn ông xa lạ Ryota và Yudai dường như đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống, nhất là khi họ được chứng kiến hai đứa con trai cùng lên 6 tuổi Keita và Ryusei (Shôgen Hwang) lớn lên từng ngày trong tình yêu thương.

Chẳng ai trong số hai người, hay kể cả hai cô vợ Midori và Yukari, ngờ rằng số phận rất mực bình yên của Keita và Ryusei lại không phải do tạo hoá ban tặng.

Nó xuất phát từ một sai lầm không thể tha thứ của bệnh viện nơi hai cậu bé ra đời: Keita bị trao nhầm cho Ryota và Midori mặc dù cậu do Yukari sinh ra; còn Ryusei thực chất là đứa con đầu lòng và duy nhất của chính Midori, chứ không phải cậu anh cả trong số ba anh em nhà Saiki.

Mãi tới 6 năm sau khi hai cậu bé trở thành những đứa con “nhầm chỗ”, bệnh viện mới phát hiện ra lỗi lầm trớ trêu của họ để thông báo cho hai gia đình Nonomiya và Saiki, để rồi khiến cuộc sống của tất cả trở nên hoàn toàn đảo lộn.

phim Nhat trao nham con anh 2
Hai gia đình Nonomiya và Saiki chỉ nhận ra sự thật phũ phàng sau khi đã nuôi nấng hai đứa trẻ suốt 6 năm trời.

Tin dữ từ bệnh viện không chỉ gợi lại trong hai ông bố, nhất là Ryota - người khá cứng nhắc trong quan niệm về huyết thống - những thắc mắc tưởng chừng rất nhỏ về việc hai cậu con trai có vẻ không “cha nào con nấy” về cả ngoại hình lẫn tính cách.

Nó còn đặt ra cho hai gia đình Nonomiya và Saiki câu hỏi về pháp lý và tình cảm hết sức hóc búa về chuyện có nên tiếp tục với cuộc sống bình yên trước đây, hay phải đưa Keita và Ryusei trở về với đúng cuộc đời của mỗi đứa.

Bài toán hóc búa không dễ tìm ra lời giải khiến Ryota - Midori và Yudai - Yukari quyết định phải dành thời gian để tìm hiểu lẫn nhau, cũng như cho Keita và Ryusei “sống thử” một thời gian với bố mẹ đẻ của chúng.

Chỉ vài tháng “tìm hiểu”, vài ngày cuối tuần “sống thử” tất nhiên chẳng thể đủ thay thế tình cha con, tình mẹ con được ươm mầm suốt từ lúc hai đứa trẻ mới chào đời. Khoảng thời gian ấy chỉ đủ để Keita và Ryusei nhận ra rằng sự sung túc của nhà Nonomiya không phải là tất cả, cũng như sự eo hẹp về vật chất của nhà Saiki chưa hẳn là rào cản đối với hạnh phúc gia đình.

Liệu mối quan hệ huyết thống thiêng liêng hay tình cảm gia đình được gây dựng qua những năm tháng sống bên nhau như ruột thịt sẽ là yếu tố quyết định số phận của Keita và Ryusei? Câu hỏi ấy chỉ có thể tìm thấy lời giải đáp khi cả hai cậu bé, và những ông bố, bà mẹ tìm thấy tiếng nói chung từ sâu thẳm tâm hồn của mỗi cá nhân.

Góc nhìn mới mẻ về câu chuyện “nhầm con”

Bắt đầu làm phim từ năm 1991, đạo diễn Hirokazu Kore-eda là đại diện tiêu biểu nhất của điện ảnh đương đại Nhật Bản với những bộ phim về con người và xã hội của xứ sở hoa anh đào thời hiện đại.

Phong cách làm phim nhẹ nhàng, chân thực, và những kịch bản đậm chất triết lý, nhân văn do chính ông chấp bút giúp Kore-eda nhanh chóng được làng điện ảnh thế giới biết tới qua các tác phẩm xuất sắc như After Life (1998), Nobody Knows (2004) hay Still Walking (2008).

Nhưng tại liên hoan phim Cannes - một trong những ngày hội quan trọng bậc nhất của làng điện ảnh quốc tế, Hirokazu Kore-eda phải đợi tới Like Father, Like Son (Cha nào, con nấy) mới có thể giành vinh quang với Giải thưởng của Ban giám khảo tại lễ trao giải năm 2013.

phim Nhat trao nham con anh 3
Hirokazu Kore-eda là một trong những nhà làm phim Nhật Bản đương đại nổi tiếng với phong cách làm phim nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng.

Like Father, Like Son thực tế không phải là tác phẩm đầu tiên khai thác câu chuyện về số phận của những đứa trẻ bị tráo đổi gia đình ngay khi sinh ra - một sự cố vốn xảy ra ngoài thực tế ở nhiều nơi trên thế giới.

Có thể kể tới cuốn tiểu thuyết xuất sắc Midnight's Children (1981) của nhà văn nổi tiếng Salman Rushdie, loạt phim truyền hình Mỹ Switched at Birth (2011-2017) của kênh ABC, hay tác phẩm truyền hình Hàn Quốc từng gây nhiều ấn tượng tốt đẹp Trái tim mùa thu (2000).

Nhưng với Like Father, Like Son, Hirokazu Kore-eda đem tới cho khán giả một góc nhìn mới mẻ về mô-típ giàu kịch tính nhưng không còn quá xa lạ ấy. Thay vì tập trung khai thác những ngả rẽ đường đời của Keita và Ryusei sau khi bị tráo đổi, Kore-eda đi sâu khắc hoạ tình cảm cha con, mẹ con của hai gia đình trong bi kịch, đặc biệt là diễn biến tình cảm của hai cha con Ryota và Keita kể từ thời điểm bệnh viện thông báo về sự thật trớ trêu và nghiệt ngã ấy.

Tiếp nối các bậc thầy của điện ảnh Nhật như Yasujiro Ozu với phong cách làm phim nhẹ nhàng, đầy nhân văn, giàu chất Thiền, và tránh xa những xung đột tâm lý, tình cảm không cần thiết, Hirokazu Kore-eda giới thiệu cho khán giả rất nhiều góc khuất trong tâm hồn và suy nghĩ của Ryota khi phải đối diện với câu hỏi lớn về mặt đạo lý và tình cảm.

Thuật lại một câu chuyện khó, giàu kịch tính bằng giọng kể an nhiên, đi vào lòng người là thứ nghệ thuật không phải người làm điện ảnh nào cũng có thể làm được. Nhưng đó chính là một thế mạnh trong suốt sự nghiệp của Hirokazu Kore-eda.

Câu hỏi dành cho những người cha, người mẹ

Xuyên suốt Like Father, Like Son, cao trào lớn nhất có lẽ chỉ là cái đập nhẹ của Yudai lên đầu Ryota vì dám cả gan đề nghị cho nhà Nonomiya nuôi cả Keita lẫn Ryusei vì gia đình anh “có điều kiện”.

Nhưng người xem vẫn được trải qua từ hết cung bậc cảm xúc này tới cung bậc cảm xúc khác bằng những cảnh quay bình dị, đời thường, nhưng tràn đầy sự trân trọng đối với tình phụ tử, tình mẫu tử, và đặc biệt là thứ tình cảm trong trắng, hồn nhiên hết mực của trẻ con dành cho người mà chúng tin tưởng, yêu quý.

Với những người đã làm cha, làm mẹ, chắc chắn Like Father, Like Son còn mang lại cho họ nhiều cảm xúc và suy nghĩ hơn nữa, bởi khó có cha mẹ nào lại không cảm thấy bất an khi nghĩ tới chuyện họ phải chia lìa con cái chỉ vì sai sót nơi bệnh viện.

phim Nhat trao nham con anh 4
Like Father, Like Son có lối kể chậm rãi và khiến câu chuyện đi vào lòng người lúc nào không hay.

Và cũng khó ai có thể cầm lòng khi chứng kiến tình yêu vô điều kiện mà Keita và Ryusei dành cho bố mẹ. Bởi đã sinh con ra, đã vất vả nuôi con khôn lớn, thì cha mẹ nào cũng đều muốn từ trong sâu thẳm tâm hồn rằng những đứa con của mình có thể cảm nhận, và đáp lại tình yêu thương đó.

Có thể một số khán giả sẽ không cảm thấy thích cách tiếp cận có phần thiếu kịch tính và nhịp phim tương đối chậm rãi mà Hirokazu Kore-eda dành cho một đề tài màu mỡ cao trào điện ảnh như ở Like Father, Like Son.

Có thể một số khác cũng không hoàn toàn hài lòng với phần diễn xuất còn cứng nhắc của một số diễn viên trong phim, đặc biệt là của ca sĩ kiêm diễn viên điển trai Masaharu Fukuyama - người thủ vai Ryota.

Nhưng với Like Father, Like Son, có lẽ khó ai có thể không hài lòng với câu chuyện tuyệt vời về tình cảm gia đình, về cách con người chúng ta nên sống, nên xích lại gần nhau trong xã hội hiện đại mà Hirokazu Kore-eda đã đem lại thông qua một kịch bản rất sâu sắc và phần diễn xuất giàu cảm xúc của hai cậu bé Keita Ninomiya và Shôgen Hwang.

phim Nhat trao nham con anh 5
Những người làm cha, làm mẹ sẽ đối diện với không ít câu hỏi sau khi theo dõi bộ phim.

Hẳn không ai cảm thấy xa lạ với câu thành ngữ “cha nào, con nấy”. Nhưng với Like Father, Like Son, chắc chắn nhiều ông bố sẽ chợt nhận ra rằng đằng sau câu nói tưởng chừng đơn giản ấy là vô số những câu hỏi mà người làm cha nên đặt ra cho bản thân khi nuôi dạy con cái.

Liệu chúng ta muốn những đứa trẻ sẽ lớn lên giống với chúng ta của hiện tại? Hay chúng có thể lựa chọn con đường cho riêng mình, miễn là được sống với mơ ước của bản thân, miễn là được bố mẹ yêu thương, miễn là được trao cơ hội để bày tỏ tình cảm với bố mẹ?

Và dĩ nhiên, sau khi theo dõi xong Like Father, Like Son, hãy cùng ước nguyện rằng sẽ không còn bệnh viện nào để xảy ra tình trạng nhầm lẫn không thể tha thứ như hoàn cảnh “ngồi nhầm chỗ” của Keita và Ryusei.

Đó là thứ sai lầm hoàn toàn có thể phá huỷ hạnh phúc của nhiều gia đình nếu các ông bố, bà mẹ không đủ khả năng giữ mầm tình cảm gia đình trước áp lực của những lời đàm tiếu, của quan niệm cứng nhắc về huyết thống máu mủ.

Bệnh viện trao nhầm con, gia đình phát hiện sự thật sau 6 năm

Khi được giao con, vợ chồng anh nghi ngờ nhầm tã lót của cháu nên có hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ. Tuy nhiên, bác sĩ này khẳng định đây là tã lót của cháu chứ không nhầm.

Người mẹ bị trao nhầm con: Cần thời điểm thích hợp để đổi trả

Chị Vũ Thị Hương - một trong hai bà mẹ bị trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) - cho rằng việc đổi lại con tại thời điểm này chưa thích hợp.

Việt Phương

Ảnh: Fuji Television Network

Bạn có thể quan tâm