Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lính cứu hỏa và những lần sinh tử với nghề

Khi đứng giữa sự sống và cái chết, nhiều người lính cứu hỏa bất chấp nguy hiểm để bảo toàn tính mạng của người dân.

Đối mặt thần chết

Nguyễn Trung Thủy (sinh năm 1991) đang công tác tại Phòng cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) Hà Nội, có 5 năm gắn bó với nghề. Anh đã giải cứu hơn 30 người và dập tắt hơn trăm vụ cháy nổ lớn nhỏ.

Trong trận chiến với lửa tại tòa nhà M3-M4 (91 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Hà Nội), Trung Thủy và đồng đội được giao nhiệm vụ tiếp cận tòa nhà, đưa người dân mắc kẹt thoát khỏi "biển lửa".

9X nhớ lại, khói dày đặc đến mức không thể định hình quãng đường di chuyển để cứu nạn nhân mắc kẹt phía trên. Những chàng trai dũng cảm lấy vạt áo che miệng, mũi và lần men theo bờ tường, cầu thang để lên các tầng phía trên.

"Lên đến tầng 17 không thở được nữa, mình cố gắng tìm cửa sổ. Toàn bộ khu chiếu nghỉ của tòa nhà đều làm bằng kính, mình dùng hết sức đấm vỡ kính mới không bị chết ngạt”, Trung Thủy kể.

Chiến sĩ Trung Thủy nhiều lần lập chiến công
Chiến sĩ Trung Thủy gắn bó với nghề cứu hỏa suốt 5 năm. Ảnh: NVCC

'Người hùng' đào giếng cứu bé 7 tuổi lay động dân mạng

"Họ vừa đào vừa thay phiên trò chuyện để bé đỡ hoảng sợ. Có thể bé buông ống thở sẽ nguy hiểm đến tính mạng" - chị Quỳnh Hương viết về người thợ cứu bé 7 tuổi bị rơi xuống giếng.

Sau khi trấn tĩnh lại, Thủy và đồng đội rà soát tất cả các ngõ ngách trong tòa nhà tìm người bị nạn. Họ đã giải cứu thành công một em bé và hướng dẫn rất nhiều người rời đám cháy an toàn.

Trong vụ cháy ở số 81 phố Hàng Bồ, Hà Nội đầu năm 2015,  Trung Thành đã lao vào biển lửa cõng cụ già từ tầng 3 ra tận hiệu thuốc đầu ngõ rồi tiếp tục vào cứu hỏa.

“Khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, con người có thể làm được những điều không tưởng. Sau lần đó, tôi bị thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên tôi không bận tâm về điều này. Tôi tự hào khi mình được đứng trong hàng ngũ của lực lượng cảnh sát PCCC”.

Nhường bình thở cho người dân

Minh Tuấn (sinh năm 1993, thuộc đội PCCC số 2, Hà Nội ) đã có 2 năm gắn bó với nghề, cho biết, bất kỳ chiến sĩ cảnh sát PCCC nào cũng sẵn sàng nhường bình thở cho nạn nhân lúc nguy kịch.

Minh Tuấn (ngoài cùng bên trái) cùng những đồng đội của mình.
Minh Tuấn (ngoài cùng bên trái) cùng những đồng đội của mình. Ảnh: NVCC

Khoảnh khắc đẹp của chàng cứu hỏa trẻ lay động dân mạng

Dù khuôn mặt xạm đen vì khói, lửa, chàng cảnh sát trẻ Đức Anh vẫn nở nụ cười mãn nguyện khi thấy hàng trăm người dân được đưa ra khỏi tòa nhà an toàn.

Khi tiếp cận đám cháy tại số nhà 36 (ngõ 35 đường Nguyễn Như Đổ, Đống Đa, Hà Nội), Minh Tuấn và đồng đội phát hiện còn hai cháu nhỏ và hai cụ già bị mắc kẹt. Trước tình thế cấp bách, các chiến sĩ PCCC vừa trấn tĩnh người dân, vừa dập lửa cứu người.

“Sau khi hai cháu nhỏ được cứu thoát lên sân thượng, mình và đồng đội quay lại đưa ống thở cho hai cụ già, rồi nhanh chóng cõng họ tìm lối thoát. Trong lúc di chuyển, mình và đồng đội đưa nhau ống thở tránh bị kiệt sức” – Tuấn chia sẻ.

Dù đã nỗ lực hết sức nhưng ở trận chiến đó, Minh Tuấn cùng đội của mình chỉ cứu được 3 người. Cụ ông sức khỏe quá yếu và bị bệnh tim, đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Sống trong dằn vặt khi không cứu được người

Hầu hết chiến sĩ PCCC đều thừa nhận, công việc họ đang làm rất nguy hiểm. Việc chữa cháy trong những công trình sắp sập, tầng hầm, có chất nổ hoặc mạng lưới dây điện không an toàn… cũng giống như đối mặt cái chết. Thế nhưng, họ không lo điều đó mà chỉ sợ nỗi dằn vặt khi không cứu được người.

Theo chiến sĩ Nguyễn Tiến Khải (sinh năm 1995, đội PCCC số 2), khi làm nhiệm vụ ngày 3/5 tại số 43 Giảng Võ, Hà Nội, anh phải chứng kiến 5 người thiệt mạng vì hỏa hoạn.

“Địa điểm khu bị cháy khá gần đơn vị nơi chúng mình tập kết. Từ khi nhận được lệnh báo, đội  mất khoảng 1 phút 30 giây để đến địa điểm và 15 phút để dập tắt ngọn lửa. Tuy nhiên, người dân báo cháy muộn quá nên khi ứng cứu đội mình không thể cứu được nạn nhân” – 9X chia sẻ.

Khải tâm sự, sau trận chiến hôm ấy, anh em trong đội buồn lắm. Sau đó, họ cùng nhau đi chùa cầu siêu cho những nạn nhân xấu số.

Để chuẩn bị cho những trận chiến tiếp theo, Khải và các đồng đội lại tự an ủi nhau rằng: “Chúng ta đã cố gắng hết sức, cuộc sống còn rất nhiều mảnh đời khác cần giúp đỡ”.

An Viên

Bạn có thể quan tâm