Bayern Munich và Real Madrid chưa từng đối đầu trong trận chung kết cúp châu Âu, nhưng Liverpool đã chạm trán AS Roma ở chung kết cúp C1 châu Âu vào năm 1984.
Nhà vua gặp kẻ hối lộ
Liverpool bắt đầu hành trình chinh phục cúp C1 châu Âu năm 1984 với tư cách nhà đương kim vô địch nước Anh. Khi đó, cúp C1 châu Âu là giải đấu chỉ dành cho những đội vô địch quốc gia. Tức đại diện duy nhất của Anh là Liverpool. Tranh tài với "The Kop" là 31 nhà vô địch tới từ các quốc gia trên khắp lãnh thổ châu Âu, từ Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Italy đến cả Đan Mạch, CH Ireland.
Liverpool và AS Roma gợi cho người hâm mộ nhớ về chung kết cúp C1 châu Âu năm 1984. Ảnh: UEFA. |
Liverpool khi ấy là một trong những thế lực hùng bá châu Âu. Họ giành 3 chức vô địch vào các năm 1977, 1978 và 1981. Đội hình của Liverpool lúc đó vẫn còn hàng loạt hảo thủ như Ian Rush, Alan Hansen, Graeme Souness, và đặc biệt là huyền thoại Kenny Dalglish.
Dẫn dắt đội ngũ tinh nhuệ này là Joe Fagan, trợ lý của cả Bill Shankly lẫn Bob Paisley, những tượng đài trên băng ghế huấn luyện trước đó của đội bóng thành phố cảng. 1983/84 cũng là mùa đầu tiên Fagan dẫn dắt Liverpool sau khi Paisley giải nghệ.
Ngoài việc đưa Liverpool vào trận chung kết cúp C1 châu Âu, Fagan còn giúp Liverpool duy trì thế mạnh gần như tuyệt đối tại Anh với chức vô địch quốc gia cùng FA Cup.
Chặng đường vào chung kết của Liverpool chứng kiến những bại tướng là nhà vô địch Đan Mạch Odense, nhà vô địch Tây Ban Nha Athletic Bilbao, nhà vô địch Bồ Đào Nha Benfica, và nhà vô địch Romania Steaua Bucuresti cũng là đội loại Hamburg, nhà vô địch cúp C1 mùa trước đó.
Đáng bàn là ngoài trận chiến khó khăn với Athletic Bilbao (chỉ thắng 1-0 chung cuộc), Liverpool đều vùi dập đối thủ với cách biệt lớn. Họ thắng Odense 6-0 sau hai lượt trận, thắng Benfica 5-1, thắng Steaua Bucuresti 3-1.
Ở bên kia sân, AS Roma vào chung kết theo cách không mấy đẹp đẽ. Đội vô địch Serie A vượt qua nhà vô địch Thụy Điển IFK Goteborg, nhà vô địch Bulgaria CSKA Sofia, nhà vô địch Đông Đức Dynamo Berlin và nhà vô địch Scotland Dundee United. Trong đó, hai lượt trận bán kết với Dundee thực sự là vụ bê bối.
AS Roma với thủ lĩnh Agostino Di Bartolomei, siêu sao Bruno Conti cùng 2 trụ cột của ĐT Brazil là Falcao và Toninho Cerezo thua trên đất Scotland với tỷ số 0-2. Sau trận đấu, AS Roma còn yêu cầu UEFA kiểm tra doping toàn đội Dundee vì các cầu thủ chủ nhà quá khỏe.
Sau 34 năm, AS Roma có thêm cuộc lội ngược dòng khó tin trên sân Olimpico. Trái ngược với bán kết năm 1984 khi dính líu đến bê bối hối lộ trọng tài, lần này đội bóng có biệt danh "bầy sói" nhận được rất nhiều lời khen sau khi loại Barca nhờ chiến thuật hợp lý. AS Roma vào bán kết nhờ thành tích ghi bàn trên sân khách tốt hơn. Ảnh: BR. |
Thua 0-2 lượt đi, lội ngược dòng trong trận lượt về là nhiệm vụ rất khó khăn, song AS Roma đã tạo ra điều kỳ diệu. Họ thắng 3-0 trên sân nhà Olimpico với cú đúp của Roberto Pruzzo cùng bàn thắng trên chấm phạt đền của Di Bartolomei.
Kịch bản không tưởng này không qua mắt được ủy ban kỷ luật của UEFA. Năm 1986, UEFA ra án phạt cấm tham gia các hoạt động bóng đá với chủ tịch của AS Roma, Dino Viola vì hành vi hối lộ trọng tài bắt chính trận lượt về với Dundee năm đó, Michel Trauvot khoản tiền lên tới 50.000 bảng.
Dino Viola đã móc nối với người bạn của trọng tài Trauvot đang làm giám đốc ở Genoa. Câu chuyện diễn ra như một bộ phim mafia Italy đích thực. Giao dịch diễn ra tại nhà hàng, thông qua điện thoại, Trauvot sẽ ăn tối với con trai của chủ tịch Roma.
Khi bữa tối diễn ra, chuông điện thoại của nhà hàng reo, nhân viên nói lớn “Điện thoại của ngài Trauvot”. Đó là bước một của giao dịch. Vautrot bước tới nghe điện, quay trở lại bàn, “Anh bạn Paolo của tôi vừa gọi điện và gửi ngài những lời chúc tốt đẹp nhất”. Bước hai kết thúc. Con trai của chủ tịch Roma đứng dậy, gọi ngược điện trở lại cho bố. “Giao dịch hoàn tất”.
Vì lý do gì mà AS Roma phải dùng tới chiêu hối lộ này để quyết thắng Dundee? Trận thua 0-2 ở lượt đi chỉ là một phần nhỏ lý do. Phần lớn là năm ấy trận chung kết được tổ chức tại chính sân nhà Olimpico của AS Roma.
Chung kết và đôi chân “xoắn quẩy” của Bruce Grobbelaar
Phải chơi chung kết trên “sân khách” là câu chuyện không hề dễ dàng. Sức ép từ những khán đài của sân Olimpico là rất lớn, song với bản lĩnh của một trong những CLB thành công nhất tại châu Âu vào thời điểm đó, Liverpool biết phải làm gì.
Phil Neal đưa "The Kop" vươn lên dẫn trước ngay phút thứ 13 bằng pha tận dụng thời cơ sau tình huống hỗn loạn trong vòng cấm. Đến cuối hiệp 1, AS Roma gỡ hòa sau siêu phẩm của Roberto Pruzzo. Đón đường tạt bóng của Bruno Conti từ cánh trái, số 9 của Roma lắc đầu bóng xoáy lên cao trước khi cuộn xuống không cho thủ môn Liverpool bất kỳ cơ hội nào.
Phần còn lại của trận đấu chứng kiến thế trận giằng co của hai đội. Trận đấu buộc phải bước vào loạt sút luân lưu 11 m. Đây cũng là chung kết đầu tiên trong lịch sử cúp C1 châu Âu buộc phải giải quyết bằng loạt đấu súng. Người hùng của đêm Olimpico bắt đầu sinh ra từ đây, anh là Bruce Grobbelaar.
Trên vạch vôi, thay vì quan sát đối thủ để tìm hướng cản phá bóng, thủ thành sinh ra tại Nam Phi nhưng mang quốc tịch Zimbabwe bỗng xoắn chân như kẻ say rượu. Hành động khó hiểu, thậm chí nực cười này làm phân tâm 2 nhà vô địch thế giới trong đội hình AS Roma là Bruno Conti và Francesco Graziani. Cả hai đều sút hỏng. Liverpool lên ngôi vô địch cúp C1 châu Âu lần thứ tư ngay trên sân của chính đối thủ.
Sau này, thủ thành người Ba Lan Jerzy Dudek thừa nhận rằng anh đã học theo Grobbelaar để “diễn trò” trong trận chung kết Champions League 2005 với AC Milan. Dudek đã thành công. Những pha nhảy nhót của anh đã làm Serginho, Andrea Pirlo và Andriy Shevchenko bên phía Milan sút hỏng, qua đó hoàn tất màn lội ngược dòng kỳ vĩ của Liverpool mà tới giờ vẫn được gọi là “Điều kỳ diệu ở Istanbul”. Tất cả điều ấy đã bắt đầu từ Olimpico năm 1984 với Grobbelaar “xoắn quẩy” đôi chân trong khung gỗ.
Cầu thủ AS Roma tạo nên cuộc lội ngược dòng lịch sử trước Barca ở tứ kết Champions League. Ảnh: UEFA. |
Sau khi những lá thăm từ tay cựu tiền đạo nổi tiếng của bóng đá Ukraine là Shevchenko đưa AS Roma gặp lại Liverpool, Giám đốc thể thao Monchi của Giallorossi khẳng định “Đây là thời điểm để AS Roma gột rửa ký ức 1984”.
HLV trưởng Eusebio Di Francesco trả lời: “Tại sao AS Roma lại không thể lọt vào chung kết nhỉ?”. Người Roma đang rất khao khát tạo ra lịch sử. Liverpool cũng vậy, 13 năm đã trôi qua từ đêm Istanbul huyền diệu, 11 năm đã trôi qua từ nỗi đau Athens, Liverpool muốn hít thở không khí trận chung kết Champions League thêm lần nữa. Đây sẽ là thời cơ không thể tuyệt vời hơn để "The Kop" hiện thực hóa giấc mơ ấy.
Với tất cả những lý do cùng lịch sử đứng đằng sau ấy, cặp đấu giữa Liverpool và AS Roma xứng đáng là trận bán kết trong mơ, sánh ngang với cặp đấu duyên nợ đầy hào nhoáng giữa Bayern Munich và Real Madrid.