Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo âu, kiệt sức vì 'ma trận' thông tin mùa dịch

Nhắn tin, lướt mạng, đọc báo, xem truyền hình, đâu đâu cũng ngập tràn tin tức về dịch bệnh khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng, sợ hãi.

Zing trích dịch bài viết của BBC về thực trạng người dân căng thẳng, mệt mỏi do tiếp nhận quá nhiều thông tin dịch Covid-19 cũng như biện pháp để giải quyết vấn đề này.

Tin nhắn khuyến cáo liên tục báo tới điện thoại, bản tin về dịch bệnh thay thế thời lượng cho chương trình về thể thao yêu thích, các app nhắn tin đều sắp xếp để tin về Covid-19 hiện lên đầu bảng thông báo.

Các đài truyền hình khắp thế giới ghi nhận kỷ lục người xem trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Ngay cả giới trẻ - đối tượng vốn không mấy mặn mà với các bản tin tối - nay cũng chú tâm theo dõi tin thời sự.

Nếu tin tức được đo lường bằng đơn vị calories, những tuần gần đây có lẽ chúng ta đã "ăn" quá nhiều năng lượng.

Khối tin tức khổng lồ liên quan đến dịch bệnh đó khiến nhiều người cảm thấy chán ngán, thậm chí stress. Không ít người vốn dễ lo âu trở thành kẻ "nghiện" tin tức và phải mệt mỏi tìm cách thoát khỏi "ma trận" thông tin.

tin tuc ve Covid-19 anh 1

Ngập tràn tin tức về dịch bệnh trên truyền thông khiến người dân căng thẳng, mệt mỏi.

Thành kẻ "nghiện" tin tức

Parul Ghosh (doanh nhân 32 tuổi) cho biết thời gian gần đây cô theo dõi tin tức toàn cầu và xem các bản tin thời sự nhiều hơn hẳn, đồng thời phải liên tục cập nhật những chính sách mới của chính phủ liên quan đến phòng, chống dịch.

"Trên mạng, tin tức này lại dẫn ra hàng loạt tin tức khác. Đọc quá nhiều tin khiến tôi dường như kiệt sức, phải dừng lại thôi", cô nói.

Trong khi ở quê nhà Ấn Độ đang thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, tại Thụy Điển nơi Ghosh sống, các quy định có vẻ lỏng lẻo hơn. "Tôi căng thẳng khi phải so sánh thông tin dịch bệnh tại đây với ở quê nhà. Tôi lo lắng cho cha mẹ ở quê và thắc mắc không biết bao giờ mới có thể về gặp lại họ", cô nói.

"Đầu óc tôi dường như đã quá tải", Kris Clancy (33 tuổi, sống tại Australia) có chung vấn đề.

Giữa đại dịch, anh bỗng biến thành "kẻ nghiện tin tức". Rảnh rỗi vì thất nghiệp, anh có nhiều thời gian theo dõi mọi diễn biến. Đọc hàng đống tin trên mạng xã hội khiến anh căng thẳng.

Clancy đang cố gắng thay đổi thói quen đó.

"So với khi Covid-19 mới bùng phát, giờ tôi hạn chế lại, chỉ xem mỗi tuần một bản tin và lướt qua vài cuộc họp báo, mà thực ra nội dung các cuộc họp báo cũng tương tự nhau, chúng cứ lặp đi lặp lại", anh cho hay.

tin tuc ve Covid-19 anh 2

Lướt mạng, xem truyền hình, đọc báo, đâu đâu cũng là tin về Covid-19 khiến nhiều người mệt mỏi.

Ghosh và Clancy không phải những người duy nhất đang cố tìm cách thoát khỏi cảnh stress vì xem quá nhiều tin tức mùa dịch.

Một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố vào cuối tháng 4 cho thấy cứ 10 người Mỹ được khảo sát, có 7 người nói rằng họ cần được giảm mức độ nhận tin tức về virus corona, 4 người thấy tâm trạng đi xuống khi đọc các tin về dịch.

"Trong thời kỳ khủng hoảng này, người dân hiểu được sự cần thiết của báo chí chính thống. Song họ đang quá tải khi về cơ bản mọi câu chuyện đều liên quan đến virus corona. Sự choáng ngợp thông tin đó khiến họ có xu hướng muốn trở về với những điều bình dị thường ngày như chuyện con mèo hay xem các bộ phim trên mạng", cựu biên tập viên người Đan Mạch, Ulrik Haagerup, nói.

Mất ngủ vì đọc quá nhiều tin tức

Mặc dù có rất nhiều tin tức và thông tin bùng nổ liên quan tới đại dịch, song vẫn còn sự thiếu sự rõ ràng trong các khía cạnh như biện pháp giải quyết, liệu xáo trộn xã hội có thể diễn ra trong bao lâu và cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào ở tương lai.

Theo phát ngôn viên của Hội đồng trị liệu tâm lý Vương quốc Anh, John-Paul Davies, những thông tin xấu có ảnh hưởng tiêu cực ngay cả đối với những người ở các khu vực được cho là đang ổn định.

Sự dồn dập của các thông tin xấu có thể tăng cảm giác căng thẳng, lo lắng đối với những người vốn có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Việc phóng đại các kịch bản xấu thay vì nhìn nhận thực tế xác suất chúng xảy ra khiến nhiều người rơi vào trạng thái bất an. Ví dụ, một người vốn dễ bị lo lắng đọc tin về kinh tế mùa dịch sẽ lập tức tưởng tượng, tập trung vào trường hợp tệ nhất cho thu nhập của mình.

"Họ sẽ nói 'Chà, thế là công việc của mình đang bị đe dọa, mình sẽ mất việc rồi cạn tiền và phải bán luôn cả nhà"', Davies phân tích.

Với những người mất đi người thân do đại dịch sẽ càng đau lòng hơn mỗi khi đọc tin tức. Song họ cũng không thể ngừng đọc tin tức bởi sự mất mát càng khiến họ muốn kiểm tra tình hình vì sự an toàn của các thành viên khác.

tin tuc ve Covid-19 anh 3

Nhiều người stress vì quá tải thông tin. Ảnh: The Guardian.

Do đặc thù nghề nghiệp, nhiều người khác buộc phải lao vào những "ngọn sóng" tin tức. Nhà báo, chuyên gia truyền thông, quan chức chính phủ, bác sĩ, nhà khoa học và mới đây nhất là các nhà sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch đang liên tục theo dõi thông tin, xử lý dữ liệu mới.

"Tôi là một nhà báo có 2 con nhỏ và một chú cún con. Dạo gần đây tôi gặp tình trạng mất ngủ vì những tin tức dồn dập, nhưng tôi cũng không thể thoát khỏi chúng vì đó là cái nghề rồi", Lorraine Allen Derosa - một nhà báo tự do tại Tây Ban Nha - chia sẻ. Phải làm việc lệch múi giờ để cấp thông tin về dịch bệnh cho truyền thông Mỹ khiến cô thêm mệt mỏi.

Nhà trị liệu tâm lý John-Paul Davies cho biết nhiều khách hàng gần đây của anh than thở vì đột nhiên phải tiếp cận quá nhiều thứ về dịch bệnh hay nghe người nhiễm bệnh kể chuyện.

"Khi nghe những câu chuyện đó, bạn nhất định sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn quan tâm tới người khác. Mà các nhà báo thì rõ ràng có lý do để làm điều ấy. Họ thích câu chuyện của người khác", Davies cho hay.

Tìm kiếm sự cân bằng

Davies lập luận, với hầu hết mọi người, việc đọc tin tức mỗi ngày là điều hợp lý để biết được tình hình cũng như quy định mới của chính phủ. Tuy nhiên với những người có mức lo lắng cao nên giảm bớt mức đọc tin xuống.

Điều quan trọng nhất là phải tìm kiếm thông tin tại các kênh truyền hình, trang báo chí chính thống - nơi tập trung vào sự kiện chứ không phỏng đoán hay truyền "fake news" (tin tức giả). Tránh đọc các tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội giúp giảm sự căng thẳng, nhiễu thông tin.

Liz Martin là một nhà trị liệu tại London. Cô đã làm việc với nhiều khách hàng cố gắng kiểm soát sự lo lắng trong đại dịch Covid-19, các tù nhân gặp vấn đề tâm lý khi không được người thân ghé thăm vì dịch bệnh.

Lời khuyên của Martin dành cho đối tượng dễ căng thẳng vì tin dịch bệnh là hãy kết bạn với một người ít ảnh hưởng bởi tin xấu hơn để họ giúp truyền tải thông tin một cách hợp lý, bớt tiêu cực.

Với những người có công việc liên quan trực tiếp đến dịch bệnh như nhà báo, quan chức chính phủ... việc giảm bớt thông tin tiếp nhận là điều khó khăn. John-Paul Davies khuyên các đối tượng này vẫn nên đưa ra ranh giới về mức độ tin tức cần đọc, sắp xếp cho mình thời gian thư giãn, nghỉ ngơi.

Paral Ghosh cho biết hiện cô đã có thể kiểm soát sự căng thẳng do tin tức về dịch. Cô vẫn đọc tin để biết tình hình nhưng tránh lướt mạng hay xem bản tin thời sự. Cô cũng tắt âm thanh thông báo tin nhắn chat và giải thích với bạn bè tại sao mình ngừng chia sẻ các đường link về dịch.

"Tôi cảm nhận được sự khác biệt. Giờ tôi tập trung, làm việc năng suất hơn", Ghosh nói.

Giảm đọc tin tức cũng giúp cô có thêm thời gian để thư giãn: "Tôi đọc rất nhiều tiểu thuyết và tự bình thường hóa cuộc sống từng chút một trong đầu mình".

Vì dịch bệnh, cửa hàng cơm cho học sinh nợ tiền đến khi trưởng thành

"Nhưng đến khi trưởng thành, quay lại mà cháu không thấy Chonando hoạt động nữa thì hãy dùng tiền cơm đó đi giúp đỡ những người khó khăn nhé", cửa hàng tại Nhật ghi thông báo.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm