Đây là một dị tật bẩm sinh khá phổ biến, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng tật lỗ đái lệch thấp ảnh hưởng xấu tới tâm lý bệnh nhân, gia đình và tương lai của người bệnh.
Cách nhận biết
Lỗ đái không đổ ra ở đỉnh quy đầu mà ở mặt dưới của dương vật, bìu và đáy chậu (ở vị trí từ gốc bìu tới lỗ hậu môn). Do vậy, bệnh nhân không tiểu tiện được một cách bình thường mà có khi phải tiểu tiện ngồi như con gái, thậm chí tia nước tiểu còn vọt ra phía sau mông. Nếu lệch thấp về phía dưới, lỗ đái thường rộng; còn khi lệch về phía gần quy đầu thì lỗ đái thường hẹp và bệnh nhân đái khó, tia nhỏ.
Tuy nhiên, dựa vào vị trí của lỗ đái, phân ra 5 thể lâm sàng do biểu hiện lâm sàng và cách điều trị khác nhau. Việc phân loại lỗ đái lệch thấp dựa vào vị trí lỗ niệu đạo mở ra trên dọc chiều dài của dương vật và tầng sinh môn. Tương ứng với từng vị trí đó mà người ta chia ra các thể lệch thấp khác nhau.
Lỗ đái lệch thấp đoạn trước:
Phần thấp qui đầu, khi đó, vị trí lỗ đái nằm ở phần thấp của qui đầu. Thể này không gây ảnh hưởng nhiều cho người bệnh.
Phần thấp ở rãnh qui đầu: khi đó, vị trí lỗ đái nằm ở phần rãnh qui đầu. Thể này bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường và bệnh ít gây ảnh hưởng đến người bệnh ngoại trừ một số mặc cảm về tâm lí.
Lỗ đái lệch thấp đoạn thân dương vật:
Phần đầu của thân dương vật: Vị trí lỗ đái nằm ở phần đầu của thân dương vật, tính từ qui đầu trở xuống phía xương mu. Ở vị trí này, bệnh bắt đầu làm cho dương vật cong và ngắn gây cản trở hoạt động tình dục và sinh sản.
Phần giữa thân dương vật: Vị trí lỗ đái nằm ở giữa thân dương vật. Hầu như tất cả bệnh nhân đều không thể hoạt động được tình dục do dương vật ngắn và cong.
Phần gốc của thân dương vật: Vị trí lỗ đái nằm ở gốc dương vật. Trường hợp này, bệnh nhân không thể đứng đái được mà phải đái ngồi.
Dương vật ngắn và cong làm cho bệnh nhân không thể hoạt động tình dục được và hoàn toàn gây vô sinh nếu không điều trị phẫu thuật.
Lỗ đái lệch thấp đoạn sau: Đây là thể nặng nhất của bệnh, thể này không những gây ảnh hưởng đến đời sống sinh lý mà gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống tâm lý của người bệnh. Thể này bao gồm: Chỗ nối dương vật - bìu (ở bìu; tầng sinh môn).
Ngoài ra còn có những dị tật phối hợp với lỗ đái lệch thấp như: Tinh hoàn không xuống bìu và thoát vị bẹn; Dị tật đường tiết niệu; Rối loạn biệt hóa giới tính…
Xử trí như thế nào?
Tật lỗ đái thấp thường không gây ra triệu chứng về đường tiết niệu ngoài việc gây ra dòng nước tiểu chảy lệch xuống phía dưới, đối với lỗ đái thấp ở bìu hay tầng sinh môn, đi tiểu phải ngồi. Do đó, nhằm tránh những chấn thương tâm lý về sau cho bệnh nhi, cách xử trí tốt nhất khi có dị tật nói trên là nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu hoặc ngoại nhi để được phẫu thuật.
Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ chuyển lỗ đái về đúng vị trí, giúp dương vật thẳng khi cương cứng; đồng thời tạo thêm một ống nối từ lỗ đái bị thấp tới đỉnh quy đầu để dẫn nước tiểu và dẫn tinh sau này. Thời điểm phẫu thuật lý tưởng ở nước ta hiện nay là từ 1 - 2 tuổi. Hơn nữa, thời điểm phẫu thuật càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao. Tuy nhiên, thời điểm phẫu thuật này còn phụ thuộc các dị tật hoặc bệnh khác kèm theo… Vì vậy, khi phát hiện dị tật, gia đình đưa bệnh nhi đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn cụ thể.