Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lò luyện ngựa nòi Maranello

Ferrari, biểu tượng đầy tự hào của người Ý với những dòng xe đua lẫn dân dụng đều được chế tác thủ công.

Lò luyện ngựa nòi Maranello

Ferrari, biểu tượng đầy tự hào của người Ý với những dòng xe đua lẫn dân dụng đều được chế tác thủ công.

Với những ai không quan tâm tới xe hơi, Ferrari đơn thuần chỉ là một nhãn hiệu quen thuộc. Đối với các nhà thiết kế, chúng là những tác phẩm nghệ thuật. Với các nhà sản xuất xe thể thao, Ferrari là chuẩn mực mơ ước. Còn với các đội đua F1 thì đó là những cơn lốc kinh hoàng. Dù là xe đua hay dân dụng, tất cả những chiếc Ferrari đều được chế tạo thủ công, tại siêu nhà máy ở thị trấn Maranello, nước Ý.

Các nhà máy siêu đẳng

Lò luyện ngựa nòi Maranello
Với các nhà sản xuất xe thể thao, Ferrari là chuẩn mực mơ ước

Ferrari khác hẳn các tên tuổi xe thể thao còn lại trên thế giới vì nhãn hiệu danh tiếng này được xây dựng và chăm chút hết sức kỳ công, trên nền tảng nhận thức cao nhất về chất lượng, thiết kế, công nghệ, vật liệu và cả... kỹ nghệ đánh bóng thương hiệu. Trong lĩnh vực xe thể thao, dù mới kỷ niệm 60 năm tồn tại, Ferrari vẫn là thương hiệu nổi nhất. Những chiếc Ferrari đi ra khỏi nhà máy ở Maranello đều trở thành niềm tự hào của người sở hữu chúng và đó cũng là điều các đối thủ mơ ước.

Lò luyện ngựa nòi Maranello
Sau lần tai nạn với chiếc Ferrari 430 Scuderia cùng cậu con trai, có lẽ, thương hiệu xe thể thao Ferrari là nổi kinh hoàng của tay đua F1 số 1 thế giới Schumacher?

Một lý do làm cho cái nôi của những chiếc Ferrari không giống với hầu hết các nhà máy khác là nó thực hiện hai chức năng: thứ nhất, chế tạo những ông vua F1 và thứ hai, sản xuất ra những chiếc xe dân dụng siêu tốc. Nếu Mercedes-Benz đang phải nhờ cậy vào McLaren, BMW từng giao phó cho Williams (đều của Anh) làm xe F1, thì Ferrari tự chế tạo tất cả. Đó cũng là sự kết hợp tạo nên sức mạnh của Ferrari trong F1 cũng như trong thế giới xe siêu tốc.

Lò luyện ngựa nòi Maranello
Khu tổ hợp khổng lồ với hơn 3.000 công nhân, những con người nhiệt huyết với thương hiệu Ferrari.

Sự khác biệt còn được hình thành từ những con người Ferrari, hơn 3.000 công nhân tại khu tổ hợp khổng lồ có diện tích tương đương khoảng 50 sân bóng đá đều hiểu rằng, được làm việc tại đây là cả một giấc mơ. Giấc mơ về một môi trường công nghiệp nhưng trong lành và được tiếp với những chiếc xe mà ai cũng phải ao ước, đặc biệt là từ khi nó còn ở dạng một giọt kim loại, chứng kiến nó từng bước hình thành sau khi đi qua xưởng đúc, xưởng thân xe, động cơ, sơn và dây chuyền lắp ráp cuối cùng...

Xưởng đúc thân động cơ

Mọi thứ bắt đầu từ đây, nơi 2 chi tiết quan trọng của động cơ là thân máy và nắp qui-lát ra đời từ dòng kim loại nóng chảy và... cát. Nhiều nhà sản xuất khác cũng dùng khuôn cát nén để đúc các chi tiết nói trên, nhưng Ferrari đặc biệt hơn khi khuôn được các công nhân gọt dũa và hoàn thiện bằng tay sau khi ra khỏi máy nén. Mỗi khuôn chỉ đúc được một lần ra một phần động cơ và đối với máy V12 như của chiếc Ferrari 599 GTB, người ta mất khoảng 5 giờ để tạo ra một bộ khuôn như vậy. Khuôn gồm nhiều thành phần lắp ghép lại với nhau, sau đó được phủ một lớp các-bon trong lòng để “bôi trơn” cho dòng kim loại dễ dàng chảy vào điền đầy mọi ngóc ngách và cũng giúp cho việc tách khuôn dễ dàng hơn khi quá trình đúc hoàn thành. Công đoạn này đòi hỏi gần như tuyệt đối không có lỗi, vì độ chính xác của sản phẩm đúc ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc và hiệu suất của động cơ. Công nghệ luyện kim, khuôn đúc, sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ đều ở hạng siêu đẳng.

Song song với việc tạo khuôn, một loại hợp kim lỏng cũng được chuẩn bị. Ở 1.300 độ C, chất lỏng này trông giống như bạc ròng, nhưng thực tế đó là một loại hợp kim nhôm siêu cứng và bền. Thành phần của nó, tất nhiên, cũng là một “siêu bí mật”. Một phần nguyên liệu tạo ra thứ chất lỏng này chính là các chi tiết đúc không vượt qua được chu trình kiểm tra chất lượng của Ferrari. Ở thể lỏng, dòng hợp kim này được chuyển qua quá trình tinh lọc để loại bỏ tạp chất, rồi dẫn đến một bồn chứa, chuẩn bị rót vào khuôn đúc để tạo ra các chi tiết cơ bản của những cỗ máy linh hoạt và hiện đại nhất thế giới hiện nay. Trung bình, cứ 15 sản phẩm được đúc ra sẽ có một cái không đạt yêu cầu, được trả lại kho làm nguyên liệu cho các lần đúc tiếp theo.

Cùng lúc với quá trình đúc, tại một tòa nhà khác, hình thù của những chiếc Ferrari dần hiện ra...

Lò luyện ngựa nòi Maranello

Xưởng thân xe

Tương tự các hãng sản xuất xe thể thao tính năng cao khác trên thế giới, xưởng thân xe (bodyshop) của Ferrari cũng là một phần của Trung tâm thiết kế mỹ thuật. Tuy nhiên, đặc tính khí động học trên các sản phẩm dân dụng của họ được thừa hưởng cả một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm chuyên sâu và đồ sộ phục vụ chế tạo xe F1, tại hầm khí động hiện đại do kiến trúc sư danh tiếng Renzo Piano thiết kế.

Kiểu dáng khí động của những chiếc Ferrari như 599 GTB có cấu trúc ngược so với biên dạng của cánh máy bay, nhằm tận dụng dòng khí chuyển động bên trên và dưới gầm xe để tạo ra lực ép xuống ở tốc độ cao. Lực ép xuống (biến thiên tỷ lệ thuận với tốc độ) giúp chiếc xe bám đường hơn mà không quá phụ thuộc vào trọng lượng, giúp nó vận hành ổn định, chính xác và linh hoạt hơn. Quá trình tính toán và hiệu chỉnh này là công việc của phòng thiết kế và các chuyên gia ở hầm khí động.

Tại tòa nhà này, dưới sự hỗ trợ của máy công cụ, bộ khung hoàn toàn bằng nhôm trên những chiếc xe như 599 được chế tạo với ba yêu cầu căn bản. Thứ nhất, phải chịu được lực va đập ở tốc độ cao và bảo vệ cho người ngồi trong xe. Thứ hai, làm giá đỡ chắc chắn cho loại động cơ V12 nặng hơn 220kg. Thứ ba, đảm bảo các mối liên kết bền vững cho hệ thống treo, vốn luôn làm việc ở trạng thái dao động. Trên dây chuyền sản xuất hàng loạt, công đoạn hàn các chi tiết thuộc khung và thân xe hoàn toàn do rô-bốt đảm nhiệm, nhưng với những lô hàng có số lượng giới hạn như Ferrari 599, việc này do các công nhân thực hiện bằng tay. Một trong các lý do chính là việc thiết lập quy trình hàn tự động như vậy đòi hỏi chi phí rất cao và sẽ không kinh tế nếu chỉ sản xuất lô hàng nhỏ. Mặt khác, với đặc thù của hệ thống sản xuất Ferrari, các công nhân tay nghề cao cùng những thiết bị gá chuyên dụng sẽ đảm bảo việc chế tạo bộ khung xe với độ chính xác cao, các mô-đun thân xe phức tạp cũng được lắp ghép một cách khéo léo, vừa vặn. Quy trình hàn thủ công này cũng tạo nên tính linh hoạt khi chuyển đổi mẫu mã sản phẩm trong hệ thống sản xuất quy mô nhỏ của Ferrari. Để kiểm soát sai số trong quá trình hàn thủ công, trước khi thân xe ra khỏi công đoạn này, có một rô-bốt kiểm tra chi tiết. Nhiệm vụ của thiết bị cơ điện tử này này là dò khoảng 800 điểm trên khung. Tại mỗi điểm, đầu đo đều chạm với bề mặt kim loại nhằm xác định mức độ tương đồng của khung và thân xe với bản mẫu chi tiết trên máy tính. Nếu phát hiện lỗi, khung xe sẽ được gửi trở lại để chỉnh sửa. Cứ khoảng 100 bộ khung sẽ có 1 trường hợp như vậy. Sau công đoạn hàn, khung xe sẽ được lắp ráp các mô-đun khớp động như ca-pô, cửa, nắp khoang hành lý và lại được kiểm tra thủ công thêm một lần nữa trước khi chuyển sang một tòa nhà khác.

Dây chuyền sơn

Tại thị trấn Maranello, Ferrari sở hữu một trong những dây chuyền sơn hiện đại nhất thế giới. Ở đây, người ta rất chú trọng đến môi trường. Gần như toàn bộ dây chuyền đều được tích hợp với hệ thống nước để thu hồi bụi sơn và tái chế. Với xe đua F1 có thể không cần lo ngại về chuyện rỉ sét vì chúng luôn luôn được chăm sóc đặc biệt bởi các chuyên gia kỹ thuật. Nhưng những chiếc 612 Scaglietti, 599 GTB, F430... là xe dân dụng, nên trước khi sơn, toàn bộ khung và thân xe phải được xử lý kỹ lưỡng để chống ăn mòn trong quá trình sử dụng. Ferrari tuyên bố rằng, dây chuyền sơn của họ có quá trình xử lý chống rỉ tốt nhất trên thế giới hiện nay và thành phần hóa học của dung dịch trong chuỗi bể xử lý này cũng là một bí quyết công nghệ không thể tiết lộ. Khi đi qua hệ thống bể nhúng tĩnh điện, toàn bộ khung và thân xe được bọc bởi 1 lớp “áo giáp” mỏng, có vai trò chống lại các yếu tố gây hại. Sau công đoạn nhúng tĩnh điện, thân xe được rửa sạch và sấy khô, bây giờ quá trình sơn mới thật sự bắt đầu.

Dây chuyền sơn nằm trong chuỗi phòng kính cô lập với bên ngoài, có thiết bị hút lọc không khí để xử lý bụi bẩn và các hạt sơn lơ lửng, được kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm tự động. Việc sơn xe được thực hiện gần như hoàn toàn bởi các rô-bốt. Công nhân Ferrari, trong trang phục bảo hộ kín mít, chỉ đứng bên ngoài điều khiển dây chuyền sơn thông qua máy tính. Lớp đầu tiên chỉ là sơn phủ, lớp thứ hai mới là lớp sơn chính tạo nên màu sắc của xe và cuối cùng là một lớp ceramic có tác dụng bảo vệ.

Sau quá trình sơn, sấy hoàn chỉnh, thân xe được kiểm tra thủ công cẩn thận và như thường lệ, nó sẽ bị trả lại để chỉnh sửa nếu không đạt yêu cầu.

Quay trở lại xưởng đúc các chi tiết thân máy. Khi khuôn đúc nguội, người ta bắt đầu tách rã lớp khuôn cát bằng một máy rung. Chi tiết đúc đã làm sạch sẽ được chuyển vào phòng kiểm tra chất lượng. Ở đây, tia X được dùng để xác định các lỗi dù bé nhất trên thân máy và nắp quy-lát. Nếu vượt qua các công đoạn kiểm tra phức tạp này, thân và nắp máy sẽ đi tới trung tâm gia công cơ khí chính xác và lắp ghép với hàng trăm chi tiết khác trong một tòa nhà ở phía bên kia của khu tổ hợp.

Lò luyện ngựa nòi Maranello

Xưởng động cơ

Tại đây, thân và nắp máy, pít-tông, thanh truyền, trục khuỷu… được gia công tinh và lắp ghép với nhau. Trong phân xưởng này, Ferrari trồng cây nhằm bảo đảm môi trường trong lành cho công nhân, cũng như duy trì độ ẩm cần thiết. Không có nhiều nhà sản xuất ôtô trên thế giới có ý tưởng này. Cũng vì lý do đó mà nhà máy Ferrari được bình chọn là một trong những nơi làm việc tốt nhất châu Âu.

Bên cạnh những chi tiết mà con người có thể làm bằng tay còn có những rô-bốt thực hiện các tác vụ đặc biệt. “Lãng mạn” nhất là cặp rô-bốt được đặt tên Romeo và Juliet. Đây là 2 rô-bốt chỉ có nhiệm vụ duy nhất: “trao nhẫn cho nhau”. Romeo cầm một chiếc “nhẫn” (đế lót xu-páp) nhúng vào ni-tơ lỏng ở nhiệt độ âm 300 độ C, sau đó đặt vào nắp máy do Juliet giữ. Ở nhiệt độ thấp, đế lót xu-páp co lại, khi đặt vào nắp máy, nhiệt độ cao sẽ làm nó nở ra và nằm “chết” ở đó. Đây là công đoạn rất quan trọng vì sau một thời gian sử dụng, nấm và đế xu-páp có thể sẽ không còn kín do quá trình đóng/mở liên tục với tần suất hàng nghìn lần/phút, để cải thiện, người ta chỉ việc lắp mới xu-páp và đế lót thay vì nắp máy.

Nhóm rô-bốt quan trọng thứ hai có nhiệm vụ phát hiện lỗi của trục khuỷu. Ở tốc độ khoảng 8.000v/ph, nếu các chi tiết quay không được cân bằng động hoàn hảo, động cơ sẽ mất cân bằng và tạo ra sự rung xé mạnh. Rô-bốt này có nhiệm vụ gọt dũa trục khuỷu nhằm đảm bảo sự trơn nhẵn và cân bằng tối ưu ở tốc độ cao. Hơn 800 chi tiết động cơ đều được gia công chính xác trong phân xưởng động cơ trước khi kết hợp lại thành một cỗ máy hoàn chỉnh. Việc lắp ráp mỗi động cơ do một công nhân phụ trách. Tất nhiên, quá trình này được thực hiện bằng tay. Đây là một trong những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất tại nhà máy Ferrari.

Lò luyện ngựa nòi Maranello

Dây chuyền lắp ráp

Dây chuyền lắp ráp là công đoạn gần cuối trong quá trình sản xuất một chiếc ôtô, nơi mà động cơ và thân xe được kết hợp thành một thể thống nhất. Trong toàn bộ dây chuyền, những chú ngựa nòi sẽ phải dừng lại khoảng 32 lần cho các công nhân thực hiện tác vụ. Tại đầu dây chuyền này, động cơ sẽ được gắn chặt vào khung xe. Sau đó, đến lượt hệ thống truyền lực bao gồm cả hộp số, trục các-đăng và vi sai cầu sau (Ferrari 599 sử dụng hệ thống dẫn động bánh sau, động cơ đặt trước). Tiếp đến là hệ thống treo. Với 599, các công nhân của Ferrari mất khoảng 1 giờ để lắp các hệ thống cơ bản nhất trên xe. Tới đây, chiếc Ferrari đã hình thành với sức mạnh, khả năng vận hành ưu việt và vẻ đẹp đặc thù. Còn một giá trị cuối cùng cần phải hoàn thiện, đó là sự sang trọng - phẩm chất tạo nên danh tiếng của Ferrari và cả giá bán hàng trăm ngàn đô-la cho mỗi chiếc xe nhãn hiệu này.

Xưởng nội thất

Nội thất da ôtô thực sự là đặc sản của người Ý. Tại Ferrari, tất cả những tấm da đều được làm thủ công thông qua bàn tay của những người phụ nữ. Riêng công đoạn cắt được thực hiện bằng máy tính và tia laser để đảm bảo độ chính xác. Đó chính là tiêu chí của Ferrari – hoàn hảo từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. Để hoàn chỉnh toàn bộ các chi tiết da trên mỗi chiếc Ferrari, hãng xe Ý cần tới 30 giờ công. Và khi các chi tiết này đã là một phần của chiếc xe, bảng đồng hồ, kính… sẽ xuất hiện. Cuối cùng, chiếc xe được gắn biểu tượng của sự dũng mãnh – một chú ngựa tung vó.

Đường đua và đường phố

Mặc dù có vẻ quá trình này diễn ra một cách suôn sẻ, nhưng mỗi chú ngựa nòi Ferrari đều buộc phải chứng minh năng lực của mình trong những điều kiện vận hành khắc nghiệt. Theo định nghĩa bất thành văn của hãng, một chiếc xe sẵn sàng cho đường phố tức là nó đã sẵn sàng với đường đua - đó chính là thách thức sau cùng. Các sản phẩm thương mại cũng phải được test trên đường đua mà Ferrari thử nghiệm với xe F1 của họ. Không có chiếc Ferrari nào được đặc cách bỏ qua giai đoạn này. Sau nhiều giờ trên đường đua, dưới sự điều khiển của những tay lái thiện nghệ, chú ngựa nào không chứng tỏ được năng cần thiết sẽ phải bị trả về để “đào tạo” lại. Đó là nghiêm luật của lò Ferrari, áp dụng trong toàn bộ hệ thống sản xuất, ngay từ đầu.

Theo Tạp chí Ôtô & Xe máy Việt Nam

Theo Tạp chí Ôtô & Xe máy Việt Nam

Bạn có thể quan tâm