Ông Phạm Hồng Danh, Giám đốc Trung tâm Luyện thi ĐH Vĩnh Viễn (TP HCM), cho biết kết quả của 2 đợt chiêu sinh tháng 10/2015 và tháng 3 vừa qua, trung tâm chỉ tuyển được khoảng 400 học viên. Nếu so với những năm trước, con số này giảm mạnh.
Cảnh chợ chiều
Ông Danh cho biết học viên đang luyện thi tại trung tâm chủ yếu là những em đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước để nhắm vào những trường xét tuyển từ trên 20 điểm. Trung tâm vẫn đang tổ chức ôn thi đủ 8 môn nhưng môn sử và địa chỉ có vài chục học viên, đa số các em luyện thi khối A truyền thống toán, lý, hóa.
Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa và Luyện thi ĐH của ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM đang chiêu sinh khóa luyện thi cấp tốc dự kiến được tổ chức từ ngày 23/5 đến 27/6. Một đại diện của trung tâm cho biết học phí môn toán là 1,5 triệu đồng, các môn khác cùng mức 1,2 triệu đồng/khóa.
Học viên học suốt các ngày trong tuần. Vị đại diện này cho biết khóa chiêu sinh tháng 3 cũng có vài chục học viên đăng ký luyện thi.
Ở Trung tâm Luyện thi của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tính đến thời điểm này cũng chỉ có vài chục học viên đăng ký. Ông Bùi Văn Học, Giám đốc trung tâm luyện thi, cho biết trường chỉ tổ chức luyện thi 4 môn: toán, lý, hóa và tiếng Anh.
Ở kỳ chiêu sinh tháng 3 vừa qua, số lượng học viên đăng ký chưa đủ một lớp (mỗi lớp chừng 50 học viên) nhưng trường vẫn cố gắng tổ chức vì các em đã đăng ký.
Trước mắt, còn kỳ chiêu sinh lớp luyện thi cấp tốc nhưng trường không đặt hy vọng vì năm ngoái không có học viên nào đăng ký đợt này.
Tình hình cũng tương tự tại ĐH Sư phạm TP HCM. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết số lượng học viên đến ghi danh luyện thi hầu như không đáng kể.
Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa và Luyện thi của ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM vắng bóng học viên . Ảnh: Người Lao Động. |
Học sinh muốn luyện thi với giáo viên của mình
Đại diện các trung tâm luyện thi ĐH lý giải về thực trạng đìu hiu trên là do con đường vào ĐH hiện nay đã quá dễ dàng. Ngoài ra, học sinh có xu hướng luyện thi với chính giáo viên của mình thay vì đến trung tâm như trước đây.
Ông Bùi Văn Học cho rằng cứ 10 thí sinh đi thi thì 8 em đã trúng tuyển. Thí sinh có thể không trúng tuyển bằng cách xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì vẫn có thể trúng tuyển bằng việc xét kết quả học bạ.
Ông Học cũng cho rằng với việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, học sinh muốn thi vào một trường ĐH ở TP HCM không cần phải lên tận TP HCM để thi mà dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vì thế số lượng học viên luyện thi giảm mạnh.
Giám đốc trung tâm luyện thi của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng tới đây, trường sẽ xem xét có nên cho tồn tại trung tâm luyện thi hay đóng cửa.
Trong thực tế, nhu cầu học thêm, luyện thi để vào những trường ĐH tốp cao vẫn còn nhưng thay vì tìm đến các trung tâm luyện thi như trước đây, đa phần học sinh tìm đến các thầy cô giáo của mình để học thêm.
Bà Phạm Thị Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP HCM), cho rằng học sinh đang có xu hướng luyện thi, học nâng cao với giáo viên của mình hoặc những giáo viên có tiếng tăm theo hình thức từng nhóm học sinh học chung với nhau.
Ông Nguyễn Phạm Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết trường sẽ vận động phụ huynh đăng ký cho học sinh ôn tập tại trường, đặc biệt là học sinh yếu. Bởi lẽ, học ở trường thì mức học phí thấp hơn bên ngoài và nhà trường quản lý về giờ giấc...
Với những học sinh khá, giỏi vẫn có thể học bên ngoài nhưng thường thì các em không đến học ở các trung tâm luyện thi mà sẽ học ở nhà thầy cô của mình cho đến tận ngày thi.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Quản lý trường ngoài công lập Sở GD&ĐT TP HCM, cho biết trong một năm trở lại đây, số lượng các trung tâm luyện thi ĐH nộp đơn xin giải thể rất nhiều bởi không có học viên ghi danh luyện thi.
“Nguyên nhân của tình trạng này là do Bộ GD&ĐT đổi mới thi cử, ghép 2 kỳ thi làm một và học sinh học thêm ở nhà thầy cô hoặc tự học là đủ đậu ĐH” - ông Khoa nhận định.
Không luyện thi theo kiểu học tủ
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không giới hạn nội dung chương trình, luyện thi theo kiểu học tủ, học lệch.
Bộ cũng nhấn mạnh đến việc nghiêm cấm các đơn vị tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kỳ thi THPT quốc gia nói riêng.
Việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định, đặc biệt là bảo đảm tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học.
Bộ đề nghị các trường, tùy theo điều kiện thực tế, cho phép các thí sinh tự do (đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp) được tham dự ôn tập.