![]() |
TP.HCM liên tục có mưa trái mùa trong những ngày qua. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tại hội nghị Báo cáo viên do Ban Tuyên giáo và Dân vận tổ chức ngày 13/2, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng rất cao từ đầu năm. Điều đáng lo ngại là khoảng 2 ngày gần đây, TP.HCM đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa với lượng rất lớn.
Mưa trái mùa sớm, muỗi sẽ xuất hiện nhiều hơn. Các chuyên gia y tế dự đoán số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM và các tỉnh phía nam năm nay sẽ tăng sớm hơn so với những năm trước.
Theo bác sĩ Châu, sau đại dịch Covid-19 năm 2021, TP.HCM đã đối mặt với tình trạng số ca sốt xuất huyết tăng nhanh và nhiều vào năm 2022. Đến năm 2023 và 2024, tình hình sốt xuất huyết tương đối ổn định. Như vậy, theo chu kỳ lập đỉnh 4-5 năm một lần của sốt xuất huyết, năm nay có khả năng số ca sẽ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay ở các tỉnh Nam Bộ đang có hiện tượng xâm nhập mặn rất dữ dội, người dân phải trữ nước ngọt để sử dụng. Lúc này, nước đựng trong các lu, chậu... không đậy nắp kỹ, không có biện pháp ngăn ngừa sẽ trở thành nơi lý tưởng để muỗi đẻ lăng quăng.
Lăng quăng sẽ phát triển thành muỗi, muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết đến cho con người.
"Năm nay, ngành y tế của TP.HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung cần chủ động ứng phó với bệnh sốt xuất huyết", bác sĩ Châu nói.
Ngoài ra, bác sĩ Châu cũng nhấn mạnh người mắc sốt xuất huyết đa số là nhẹ, phác đồ điều trị bệnh này ở Việt Nam cũng được thế giới đánh giá cao, thậm chí có chuyên gia nước ngoài đến nước ta học tập. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị có ca tử vong là điều không thể tránh khỏi. Cứ 100 ca bệnh nặng, sẽ có vài ca tử vong. Do đó, bác sĩ Châu khuyến cáo người dân cần thận trọng trong phòng bệnh sốt xuất huyết, việc chống muỗi đốt phải thực hiện quyết liệt.
Trong tháng 1 năm nay, TP.HCM ghi nhận có 2.159 ca sốt xuất huyết, cao hơn 85% so với cùng kỳ năm 2024. Thông thường, tỷ lệ tử vong của bệnh này sẽ khoảng 1%.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 3/2 đến ngày 9/2 (tuần 6), TP.HCM ghi nhận 475 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, quận 7 và TP Thủ Đức.
Trong tuần 6, TP.HCM cũng ghi nhận 79 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 38,2% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến tuần 6 là 729 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, quận 8 và quận 6.
Về bệnh sởi, trong tuần ghi nhận 361 ca sởi có địa chỉ tại thành phố, giảm 7,9% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu dịch đến tuần 6 là 6.430 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.
Về bệnh cúm, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm TP.HCM ghi nhận có khoảng 2900 ca được chẩn đoán cúm trên lâm sàng trong năm 2024, trong đó có 11 ca bệnh nặng và không có trường hợp tử vong, hiện tại có 20 trường hợp cúm đang điều trị nội trú tại các bệnh viện. Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.
Bệnh của thời thức ăn tiện lợi
Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm.
Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.