Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo ngại dùng sách giáo khoa địa phương

Nếu không có khung chương trình chuẩn và việc đánh giá không khách quan, công bằng, giáo viên không được tự chủ, dễ nảy sinh địa phương nào dùng sách của địa phương đó.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM cho biết, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được nhiều ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, không ít người lo ngại về chuyện mỗi địa phương sẽ tự biên soạn sách cho địa phương mình.

Theo cơ chế kiểm soát, sẽ không giáo viên (GV) và học sinh nào dám dùng sách của địa phương khác. Việc kiểm tra, thi cử cũng sẽ nảy sinh tiêu cực nếu căn cứ vào SGK.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có chương trình khung chi tiết trước khi xuất bản nhiều bộ sách giáo khoa. Ảnh

: Người Lao Động.

Phải có chương trình khung chuẩn

Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng THPT Quốc tế Việt - Úc, cho rằng, trên lý thuyết, việc GV được tự lựa chọn sách nào phù hợp để giảng dạy trong nhiều bộ SGK là rất hay. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện chủ trương giáo dục này, điển hình như Singapore, mục đích là phát huy sự sáng tạo, tính chủ động của người dạy.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó thì nhất định phải có một chương trình khung cụ thể, chi tiết. Chương trình này phải do Bộ GD&ĐT triển khai. Cá nhân, tổ chức nào biên soạn sách thì dựa trên chương trình khung đó. Để làm hiệu quả, chương trình khung phải được công bố rộng rãi đến từng GV và việc kiểm tra, thi cử phải theo khung chương trình chứ không theo SGK nhằm tránh tiêu cực. Việc này cũng đòi hỏi GV phải có kiến thức, bản lĩnh để dạy khi SGK không còn là pháp lệnh nữa.

Theo một chuyên gia giáo dục, trước năm 2000, khi biên soạn SGK tiếng Anh cho chương trình phân ban, Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi và cuối cùng lựa chọn hai nhóm tác giả của Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, thay vì để GV và học sinh tự lựa chọn, Bộ lại phân chia hết sức phi lý: Sách của nhóm Hà Nội được chọn cho ban cơ bản và khoa học tự nhiên, sách của nhóm TP HCM thì chọn cho ban khoa học xã hội. Ban khoa học xã hội rất ít người học tiếng Anh, kết quả cuối cùng là không bán được sách dù chất lượng của 2 bộ sách lúc này được thẩm định không thua kém gì nhau.

“Từ đó mới thấy việc viết sách, chọn sách phải hết sức công bằng. Có thông tin NXB Giáo dục Việt Nam cũng biên soạn sách, mà lâu nay, sách của NXB trực thuộc Bộ GD&ĐT thì người ta sẽ vì tâm lý mà mua. Như thế không thu hút được các nhóm tác giả khác tham gia và cuộc chơi lại không bình đẳng.  Hãy xem NXB Giáo dục  Việt Nam như mọi NXB khác theo cơ chế cạnh tranh” - vị chuyên gia này bày tỏ.

Không nên chia vùng - miền

Ông Ngô Tương Đại, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ, cho biết trước năm 1975, mỗi GV được phát 40 cuốn sách của 40 NXB khác nhau, ai muốn lựa chọn sách nào để dạy và học cũng được. Tức là chỉ có một chương trình khung chi tiết, người thầy đóng vai trò dạy cho học sinh phương pháp, cách thức phân tích, chứng minh.

Trong khi đó, hiện nay, chúng ta làm ngược lại: cứ soạn sẵn, chứng minh trước rồi học sinh học theo. Vì thế, cho GV lựa chọn sách để sử dụng là ý tưởng tốt nhưng song song với đó, việc thi cử, đánh giá phải thoáng, công bằng, giao quyền chủ động cho người thầy, chứ không thể theo kiểu học sinh miền Bắc nói “ngô”, học sinh miền Nam nói “bắp”….

“Bộ GD&ĐT đừng lo các địa phương làm sai vì nếu căn cứ vào chuẩn chương trình để đánh giá thì sẽ có kết quả khách quan và trung thực nhất. Lâu nay, việc ra đề thi của bộ có vẻ như chạy theo dư luận. Dư luận kêu đề dễ thì năm sau ra khó và ngược lại, không căn cứ vào một cơ sở khoa học nào cả” - một vị chuyên gia nhận xét.

TS Hồ Văn Hải, Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sài Gòn, cho rằng, chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc biên soạn sách nên do các nhóm chuyên gia, tác giả thực hiện; không nên để mỗi địa phương mỗi bộ sách khác nhau và cũng không nên chia vùng, miền để biên soạn. Chẳng hạn, TP HCM không thể biên soạn thay Vĩnh Long, Bạc Liêu; Hà Nội không thể biên soạn thay Lào Cai, Bắc Kạn.

TS Hải nhận định, nếu mỗi tỉnh, thành tự biên soạn sách, tự bỏ tiền ra thì dĩ nhiên GV, học sinh địa phương nào sẽ dùng sách địa phương đó. Để tránh tiêu cực, ngoài chương trình khung chuẩn và chi tiết, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng còn phải thật sự độc lập, khách quan. Ngoài những tiêu chuẩn chung của SGK còn cần những tiêu chí như hướng đến việc tiếp cận năng lực, tư duy, phương pháp học tập...

Nên chọn sách theo từng trường hoặc tổ bộ môn

Theo TS Hồ Văn Hải, việc GV được chọn SGK phù hợp để giảng dạy là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, mỗi trường hoặc từng tổ bộ môn cần thống nhất, thảo luận chọn một bộ sách để dạy.

“Giáo dục của chúng ta đang phát triển theo hướng tương tác giữa thầy với thầy, trò với trò, thầy với trò... nên nếu mỗi GV cùng một bộ môn mà chọn các loại sách khác nhau thì rất rối” - ông nhìn nhận.


'Viết sách giáo khoa cho từng vùng miền là điều không tưởng'

"Chúng ta không nên hiểu sai lầm và máy móc rằng, cần có nhiều bộ sách giáo khoa cho vùng, miền", Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Kanazawa, Nhật Bản, viết.


http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lo-ngai-dung-sgk-dia-phuong-20160217223947767.htm

Theo Đặng Trinh/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm