Chiều 8/8, HĐXX TAND huyện Mỹ Đức tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan đến việc cấp, giao, bán đất trái thẩm quyền ở xã Đồng Tâm để làm rõ tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trả lại đất vì bị tố cáo?
Cũng như các bị cáo đã bị thẩm vấn trong buổi sáng, trong phiên xét hỏi chiều nay, nhiều bị cáo thừa nhận sai phạm và mong HĐXX xem xét.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Văn Bột (62 tuổi), cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết khoảng năm 2003 - 2004 ông có mua lại một suất đất ở xã Đồng Tâm. Xong việc, ông chuyển lên UBND huyện Mỹ Đức để công tác và không quan tâm tới tài sản mình đã mua.
Đầu năm 2011, ông có photo chứng minh, hộ khẩu đưa cho Nguyễn Xuân Trường (58 tuổi), cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm làm sổ đỏ. Đến năm 2012, Trường đưa giấy chứng nhận sử dụng đất cho ông Bột với diện tích 177 m2 (dư 77 m2). Thời điểm đó, bị cáo Bột vẫn chưa phải nộp khoản tiền nào.
Thẩm phán xét hỏi bị cáo tại phiên toà chiều 8/8. Ảnh: Bá Chiêm. |
Một năm sau, khi có đơn tố cáo, ông Bột tự nguyện làm đơn trả lại mảnh đất trên cho Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện với lý do không thấy xã không thu tiền.
“Tôi nghĩ là đơn tố cáo liên quan đến 77 m2 đất kia nên làm đơn trả thôi", bị cáo nói và cho biết đến thời điểm này vẫn phân vân với cáo trạng truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
“Cáo trạng truy tố chủ yếu ở 77 m2, đề nghị chủ tọa xem xét cho tôi. Giai đoạn đó tôi đã chuyển công tác khỏi xã 9 năm rồi, chẳng còn chức vụ gì, chỉ là khách thể mua đất trong bối cảnh ế thừa. Tôi cũng không có quyền gì bắt cán bộ xã làm theo lời mình”, ông Bột phân trần.
Bị cáo nói, thời điểm ông nhận chức vụ Chủ tịch xã Đồng Tâm, các cán bộ nơi đây trình độ chỉ lớp 6 và 7, không có bằng cấp chuyên môn nên hiểu biết pháp luật còn hạn chế.
Thời điểm nhận đất, ông Bột là Phó chủ tịch HĐND huyện Mỹ Đức. Trước câu hỏi của chủ toạ, nếu thời điểm đó bị cáo là người dân bình thường có được Nguyễn Xuân Trường gợi ý mảnh đất 77 m2 hay không, bị cáo Bột nói: "Cái này khó trả lời".
Cùng ở vị trí cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, bị cáo Nguyễn Văn Sơn (59 tuổi) khẳng định vợ ông cũng ... được hưởng một mảnh đất chưa nộp tiền.
Nói về những sai phạm của mình, bị cáo Sơn cho rằng vì lúc đó địa phương khó khăn, số tiền bán đất thu được đều nộp ngân sách, sau đó rút ra sử dụng vào việc điện, đường, trường, trạm... bản thân không có tư lợi gì.
Tại phiên toà, cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm khẳng định lời khai của bản thân là hoàn toàn trung thực.
Trong khi đó, Nguyễn Xuân Trường (58 tuổi), cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm thừa nhận sai phạm như cáo trạng truy tố là do nể nang toàn con em cán bộ, anh em quen biết. Bị cáo này cũng như nhiều người khác có liên quan đến vụ án thừa nhận năng lực còn hạn chế, làm việc theo cảm tính.
“Bị cáo chỉ mong muốn cho địa phương đi lên", Nguyễn Xuân Trường nói.
Trước lời vặn hỏi của chủ toạ phiên toà về việc hợp thức hoá các giấy tờ sử dụng đất trước tháng 10/1993, bị cáo 58 tuổi thừa nhận việc đó để dễ dàng hợp thức hoá, không phải nộp lệ phí. Việc làm này, chủ toạ khẳng định Trường là người đã kéo theo một loạt cán bộ khác sai phạm.
Đổ lỗi cho các cựu cán bộ xã Đồng Tâm
Chiều 8/8, sau khi hỏi xong 10 bị cáo từng công tác tại xã Đồng Tâm, HĐXX chuyển sang xét hỏi 4 bị cáo bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 4 bị cáo này nguyên là cán bộ văn phòng đăng ký đất đai và Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mỹ Đức.
Bị cáo Trần Trung Tấn trả lời câu hỏi của HĐXX. Ảnh: Bá Chiêm. |
Tại tòa, bị cáo Trần Trung Tấn (42 tuổi), nguyên cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức cho biết cáo trạng nêu đúng hành vi phạm tội của mình.
Tuy nhiên, theo lời Tấn, ông ta đã thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ lãnh đạo giao, nếu không sẽ bị kỷ luật.
Bị cáo nói từ năm 2011 - 2013 đã thẩm định 9 hồ sơ xin cấp sổ đỏ từ UBND xã Đồng Tâm chuyển lên. "Bị cáo không đi thực địa mà dựa vào hồ sơ của xã gửi lên. Ngoài ra bị cáo còn dựa vào việc sau 15 ngày công bố không có cá nhân nào khiếu kiện nên chủ quan", nguyên cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức nói và cho rằng việc xác định nguồn gốc đất không phải trách nhiệm của văn phòng đăng ký đất đai.
Trong khi đó, cựu Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức - Đinh Văn Dũng - lại đổ lỗi hậu quả ngày hôm nay là do cán bộ xã Đồng Tâm. "Chúng tôi cấp trên 22.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp đổi lại trên 12.000. Việc xác lập ở xã Đồng Tâm không đúng nên tôi mới ký sai những hồ sơ này. Về thủ tục chúng tôi không sai, UBND xã Đồng Tâm đã lợi dụng quy định tại khoản 4, điều 50 của luật đất đai… để đưa những trường hợp không đủ điều kiện vào để được cấp sổ đỏ, không phải nộp tiền sử dụng đất”, bị cáo 58 tuổi nói dõng dạc.
Nghe vậy, vị chủ tọa chất vấn, hỏi ông Dũng đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa, bởi theo quy đinh, phải lấy ý kiến của khu dân cư, người cùng cư trú tại thời điểm sử dụng đất, nguồn gốc đất phải ghi rõ các thông tin: tự khai phá… thì trong phiếu lấy ý kiến có không? Ông Dũng đáp ứng đầy đủ, nhưng khi xác định nguồn gốc thì lại ghi chung chung.
Trước lời khẳng định của chủ toạ việc đó chưa đảm bảo, bị cáo Dũng bao biện: "Về thủ tục chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm".
Tiếp lời, bị cáo này thừa nhận bản thân thiếu trách nhiệm vì không kiểm tra kỹ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Dũng, cái sai đầu tiên là từ hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận của xã Đồng Tâm, sau đó đến phòng đăng đất đai tài nguyên môi trường huyện.
Cùng chung suy nghĩ của Dũng, bị cáo Bạch Văn Đông (43 tuổi), nguyên Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức cũng cho rằng sai phạm của bản thân bắt nguồn từ sai phạm công tác kê khai phía dân và thiếu ý kiến của hội đồng xét cấp giấy chứng nhận của xã. Sai vì xã xác định nguồn gốc đất không đúng. Cán bộ văn phòng đăng ký không sai.
Nói về việc sai phạm, bị cáo Phạm Hữu Sách, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mỹ Đức cho rằng nguồn gốc xuất phát từ việc kể khai nguồn gốc sử dụng đất.
“Không phải bây giờ bị cáo mới nhận ra. Năm 2014, ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của dân, bị cáo đã tích cực rà soát", Sách nói.
Biện minh cho sai phạm, bị cáo cho biết đến thời điểm xảy ra vụ việc, UBND xã Đồng Tâm có 2 bản đồ (năm 2003 và 2009) đều thể hiện tên tuổi của của người sử dụng đất. "Việc này, có thể UBND xã Đồng Tâm đã có tính toán trước đó để hợp thức hoá. Nếu chỉ dựa vào đây để xét duyệt thì không thể phát hiện ra sai phạm", bị cáo nhấn mạnh.
Theo cáo buộc, từ năm 2002 đến năm 2013, do buông lỏng công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), 3 cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm là Nguyễn Văn Sơn (59 tuổi), Lê Đình Thuần (52 tuổi), Nguyễn Văn Bột (62 tuổi) và nhiều cán bộ xã đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền…
Cơ quan chức năng xác định, họ đã giao trái thẩm quyền hơn 6.000 m2 đất.
Liên quan đến các sai phạm trên là do quá trình thực hiện nhiệm vụ, 4 cựu cán bộ Phòng tài nguyên và môi trường, văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Cơ quan chức năng xác định họ thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất, dẫn đến ký xác nhận không có căn cứ.
Cụ thể, Phạm Hữu Sách (52 tuổi, Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Mỹ Đức) không thẩm định hồ sơ, song vẫn ký tờ trình để UBND huyện ra quyết định cấp “sổ đỏ” cho 12 hộ dân ở xã Đồng Tâm, gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng…