Cô Vũ Thị Mến, giáo viên trường Mầm non Hoa Ban, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), chia s, cô đứng lớp đến nay 16 năm chưa từng biết đến khoản gọi là tiền thưởng Tết. Hàng năm, để động viên nhà giáo, Công đoàn nhà trường có chuẩn bị gói quà gồm những nhu yếu phẩm như gia vị hoặc gạo nếp. Năm mới vào nghề, món quà Tết khiến cô nhớ mãi đó là 2 chai nước mắm.
Cũng theo cô Mến, không những không có thưởng Tết, dạy ở trường vùng cao, hầu hết học sinh có gia cảnh khó khăn, giáo viên còn phải tổ chức hoạt động để quyên góp tổ chức Tết cho các em.
Dịp này, nhà trường sẽ tổ chức hội chợ, gian hàng trải nghiệm, bán các sản vật của địa phương để gây quỹ lấy chi phí mua gạo nếp, thịt gói bánh chưng cho học sinh ăn và tặng bánh các em mang về nhà để tạo không khí ấm áp của Tết.
Cô giáo Mến cho biết 16 năm trong nghề chưa từng được thưởng Tết. Ảnh: NVCC. |
Cô Phan Thùy Dung, giáo viên trường THCS Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cho hay năm nay, nhà trường chưa thông báo thưởng Tết nhưng cô không hy vọng sẽ có một khoản thưởng lớn. Bởi vì cả chục năm đứng lớp, năm nào cô cũng được nhận 2-2,5 triệu đồng tiền thưởng Tết.
Một số đồng nghiệp ở trường khác được thưởng nhỉnh hơn chút ít nhưng cũng không quá nhiều. Với khoản thưởng ít ỏi đó, cô mang về biếu ông bà nội một triệu, ông bà ngoại một triệu là hết, không có tiền mua sắm quần áo cho con.
“Ban Giám hiệu nhà trường cũng thấu hiểu, tạo điều kiện để giáo viên nhận cùng lúc 2 tháng lương để chi tiêu cho dịp Tết nhưng cầm tiền xong, mình lại phải chắt chiu, co kéo để dành 'sống' những ngày tháng giáp hạt sau đó nữa”, cô Dung tâm sự.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, thời điểm này, các trường học cũng đang tính toán, cân đối mức chi để dành một khoản thu nhập tăng thêm cho nhà giáo.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nói rằng ở vị trí giáo viên đến quản lý trọn 30 năm, bà thấy nghề giáo không có khoản gọi là thưởng Tết. Ai cũng mong muốn được quan tâm, có chế độ chi cho đội ngũ để thầy cô mua sắm dịp Tết đến xuân về nhưng nhà trường không có nguồn tiền.
Nhà trường cũng đang tính toán, cân đối đủ đường để có thể trích ra khoản nhỏ dự kiến, mỗi giáo viên sẽ được thưởng cứng khoảng 2 triệu đồng và khoản thu nhập tăng thêm chừng 2 triệu đồng nữa.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết các trường học không có chế độ thưởng Tết mà thường tiết kiệm chi đến cuối năm chăm lo đời sống giáo viên.
Cũng theo ông Cương, phía Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức chương trình Tết sum vầy, trong đó quan tâm tặng quà các đối tượng là giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; giáo viên, học sinh là vợ, con cán bộ chiến sĩ công tác ở biển đảo.
Với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau, ngành giáo dục Hà Nội dự kiến hỗ trợ hơn 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường khối trực thuộc và khối các quận, huyện, thị xã nhân dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Mỗi phần quà hỗ trợ từ 500.000 đồng/người đến 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, khoảng 300 cán bộ, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn được Liên đoàn Lao động thành phố tặng phiếu mua quà Tết, tặng quà, hỗ trợ bằng tiền mặt.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.