Ngày 19/10, một lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình cho biết cơ quan điều tra phối hợp lực lượng thuộc Bộ Công an tiếp tục truy bắt Lý Đình Vũ (37 tuổi) để làm rõ vụ đổ trộm dầu thải ra đầu nguồn gây ô nhiễm nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà.
Trước đó, cảnh sát đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại (25 tuổi) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi).
Những kẻ gây án khai chúng đã đi đường vòng hàng trăm km, thay vì đi thẳng với quãng đường chỉ hơn 70 km để đổ trộm chất thải. Nhiều độc giả, luật sư nghi ngờ về lời khai này.
Đổ trộm 10 m3 chất thải
Sáng 9/10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) phát hiện vệt chất lỏng nghi dầu thải xả xuống mặt đường dài khoảng 200 m, chảy xuống suối Trầm thuộc xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước hồ Đầm Bài (nơi cung cấp nước cho nhà máy này).
Hoàng Văn Thám (trái) và Nguyễn Chương Đại. Ảnh: T.B. |
Nhận tin báo, Công an tỉnh Hòa Bình cùng chính quyền địa phương thu gom được 100 lít dung dịch dạng nhớt màu đen và 7 bao tải chứa chất thải.
Ngày 11/10, Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Hòa Bình vào cuộc điều tra hành vi đổ trộm chất thải gây ô nhiễm nguồn nước. Cơ quan chức năng sau đó khởi tố vụ án để làm rõ hành vi Gây ô nhiễm môi trường.
Thu thập dấu vết, cảnh sát phát hiện 2 phương tiện nghi vấn, gồm xe tải biển 99C-08783 của Công ty Minh Phương (địa chỉ tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và ôtô 4 chỗ biển 89A-13766, chủ xe tên Quyết ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Tiếp tục truy xét, cơ quan chức năng xác định và triệu tập 3 nghi phạm đã trực tiếp xả chất thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Lý Đình Vũ đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Tại cơ quan công an, Đại và Thám khai ngày 6/10, Vũ thuê họ lái xe tải 99C-08783 vượt hơn 100 km, từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) để lấy chất thải bơm vào 10 thùng chứa với tổng dung tích khoảng 10m3.
Sau đó, 2 tên này di chuyển tiếp quãng đường hơn 110 km về Công ty cơ khí cao su K90 (ở xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để gửi xe.
Ngày 8/10, Vũ và 2 đồng phạm sử dụng 2 phương tiện trên chở chất thải từ nơi gửi đến xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (cách nhau gần 90 km) rồi xả chất thải, sau đó chúng bỏ trốn.
Động cơ xả chất thải là gì?
Trước lời khai ban đầu của 2 nghi phạm bị tạm giữ, nhiều độc giả cảm thấy khó hiểu với quãng đường đi lòng vòng của nhóm xả chất thải.
Độc giả Nguyễn Xuân Sách thắc mắc vì sao nhóm này đi xe tải từ Bắc Ninh đi Phú Thọ để lấy chất thải. Sau đó họ xuống Văn Lâm, Hưng Yên gửi xe rồi hôm sau chở lên xóm Phúc Tiến để đổ xuống suối nước nguồn của Nhà máy nước Sông Đà.
"Tính vội đường đi khoảng vài trăm cây số mới đổ được số chất thải", người này bày tỏ sự khó hiểu.
2 phương tiện nghi phạm tham gia vụ đổ trộm chất thải. Ảnh: T.B. |
Bạn đọc Mạnh Nguyễn thì cho rằng động cơ của những kẻ xả thải đã rõ. Họ lấy chất bẩn chở từ tỉnh này sang một địa phương khác rồi chọn đúng nguồn nước lớn để cấp nước cho rất nhiều người dân để xả.
Một độc giả khác đánh giá 2 nghi phạm bị tạm giữ chỉ là người làm thuê. Cơ quan chức năng cần làm rõ công ty, tổ chức nào đã thuê các đối tượng này đổ dầu thải ra môi trường.
Tài khoản tên Đinh Công Tắc lại cho rằng 3 kẻ xả thải với mục đích phá hoại, không chỉ là đổ trộm chất thải bình thường. Chúng chọn đi đường vòng để không để lại dấu vết.
Nhìn nhận vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định cơ quan điều tra cần làm rõ rất nhiều yếu tố như: Hành trình đổ chất thải của nhóm nghi phạm, mục đích xả thải ra nguồn nước để xác định nguyên nhân.
Ông Cường phân tích thông thường, chất thải nguy hại bị đổ trộm ra môi trường là của doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải, hoặc hệ thống xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn, không tuân thủ quy định về thu gom chất thải nên phải đổ chất thải ra môi trường.
Những doanh nghiệp này thường chọn nơi xả thải gần với trụ sở nơi họ đặt để thuận tiện.
Tuy nhiên, Lý Đình Vũ và 2 nghi phạm lại mang chất thải theo cung đường Phú Thọ mang về Hưng Yên rồi lại ngược lên Hòa Bình để đổ trộm vào đầu nguồn nước.
"Họ vận chuyển chất bẩn hàng trăm km rồi xả ra khu vực suối đầu nguồn dẫn vào sông Đà, là nguồn cấp nước sạch cho hàng triệu người dân, đó là điều hết sức bất ngờ và khó giải thích", luật sư Cường nêu thắc mắc.