Câu 1: Loài cá nào khi chết được an táng cẩn thận, ngư dân để tang 3 năm?
Theo tín ngưỡng của nhiều vùng ở nước ta, cá voi là loài rất được ngư dân tôn trọng. Theo đó, người đầu tiên phát hiện cá chết sẽ tổ chức lễ táng cẩn thận, sau đó để tang tới 3 năm. |
Câu 2: Vì sao ngư dân rất tôn thờ loài cá này?
Theo tín ngưỡng của ngư dân, cá voi thường che chở cho ghe thuyền hành nghề trên biển nên rất được ngư dân tôn thờ. Mỗi khi gặp sóng to, gió lớn, cá voi sẽ lấy thân mình nâng đỡ cho thuyền. Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho rằng khi giông bão nổi lên, cá voi thường bị sóng biển đẩy vào bờ và dễ mắc cạn. Cá theo thuyền để ép thân khỏi bị đánh dạt bởi sóng biển. Từ hiện tượng song hành này, ngư dân cho là cá giúp dân chài. |
Câu 3: Ngư dân vùng biển thường gọi cá voi là…?
Để tỏ lòng kính trọng, ngư dân vùng biển miền Trung và miền Nam thường gọi cá voi là cá Ông. Cá chết được gọi là “Ông lụy”. Ai phát hiện cá voi mắc cạn chết có bổn phận chôn cất và để tang. Xác cá được đem tắm bằng rượu, liệm bằng vải đỏ trước khi chôn. |
Câu 4: Triều đại nào miễn sưu dịch 3 năm cho người phát hiện cá voi chết?
Sau khi làm xong các thủ tục, xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện cá voi mắc cạn được nhân dân tôn sùng. Theo sách "Đại Nam thực lục", triều Nguyễn quy định miễn sưu dịch 3 năm cho người thấy “Ông lụy”. |
Câu 5: Theo quan niệm, cá voi chết dạt vào vùng nào thì vùng đó...?
Ngư dân tin rằng cá voi chết dạt vào vùng nào thì vùng đó sẽ may mắn: "Thấy ông vào làng như vàng vào tủ". Theo đó, người dân quan niệm cá Ông lụy vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Hàng năm, dân làng chọn ngày "Ông lụy" làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. |
Câu 6. Sau 3 năm để tang cá, ngư dân sẽ...?
Sau khi hết thời gian để tang, dân làng sẽ làm lễ cải táng cho cá voi, đem cốt nhập lăng để thờ. Khi tế cá, dân làng sẽ cúng các vong hồn ngư dân chết ngoài biển, sau đó tổ chức "chèo ghe", đua thuyền, kéo co... |
Câu 7. Ngư dân miền Trung tổ chức lễ hội gì để tế cá voi?
Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là lễ hội cá Ông) tế cá voi, cầu cho ngư dân thuận buồn xuôi gió trong năm. Lễ này thường tiến hành vào mùa xuân. Đây là nét đẹp văn hoá của ngư dân các làng chài ven biển miền Trung. Hiện nay, lễ hội Cầu Ngư ở thành phố Đà Nẵng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Câu 8. Vua nào phong cá voi làm “Nam Hải Đại tướng quân”?
Theo "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức, dưới thời Gia Long nhà Nguyễn, vua ban sắc phong cho cá voi làm "Nam Hải Đại tướng quân", xếp vào hàng Thượng đẳng thần, ngư dân lập đền thờ tôn vinh và thờ phụng lâu dài. |