Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loại chấn thương vùng kín hiếm gặp khiến đàn ông sợ hãi

Chấn thương tinh hoàn khiến nam giới rất lo sợ bởi có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản hoặc phải cắt bỏ.

Nếu không may gặp chấn thương nặng dẫn đến rách dập toàn phần, các bác sĩ buộc lòng phải cắt bỏ tinh hoàn người bệnh. Ảnh: iStock.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Huỳnh Tuấn, Trung tâm Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ, chấn thương tinh hoàn là một cấp cứu niệu khoa nguy hiểm.

Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, tại nạn có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này.

Mới đây, bệnh viện này tiếp nhận trường hợp một thanh niên 27 tuổi chấn thương tinh hoàn do bị bò đá. Anh nhập viện với bìu phải sưng to, tím, sờ đau, cơn đau tăng dần không đỡ. Trong quá trình phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ phát hiện thấy tinh hoàn bệnh nhân tím đen, có máu tụ xung quanh nên quyết định cắt bỏ.

Chấn thương tinh hoàn thường hiếm gặp, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các chấn thương niệu dục do tinh hoàn di động và được bảo vệ giữa 2 đùi. Chấn thương này xảy ra khi tinh hoàn bị ép giữa tác nhân đùi hay khớp mu.

Đa phần, chấn thương này thường xảy ra ở một bên tinh hoàn. Chấn thương hai bên chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1,5%.

Chấn thương tinh hoàn cần được phát hiện và xử lý sớm để tránh những hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phái mạnh trong tương lai.

Nguyên nhân gây chấn thương tinh hoàn 85% bắt nguồn từ các tai nạn trong thể thao (đặc biệt là các môn thể thao đối kháng), tai nạn giao thông (xe đạp, xe máy), tự bóp tinh hoàn ở bệnh nhân tâm thần…

15% còn lại bắt nguồn từ vết thương do đạn, súc vật cắn, tự cắt tinh hoàn ở bệnh nhân tâm thần hoặc bị thương do vật liệu nổ.

Chấn thương tinh hoàn được chia làm 3 loại gồm:

- Tổn thương nhẹ: Xây xát bìu, ít khi đau, có thể bị hoặc không bị rách ở ngoài da.

- Tổn thương mức trung bình: Bị tụ máu ở bìu sau đó tăng dần về kích thước của vùng xuất huyết.

- Tổn thương nặng: Dập nát tinh hoàn, da bìu có thể bị rách, hoại tử và xuất huyết trên phạm vi rộng gây ra cảm giác đau đớn dữ dội.

Chấn thương tinh hoàn được phân thành 5 độ. Ở mức độ I là tụ máu, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp bảo tồn bao gồm băng cố định bìu lên cao; sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm nonsteroid, kháng sinh; chườm đá; nghỉ ngơi tại giường.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng được siêu âm kiểm tra trong vòng 48 giờ.

Các mức độ còn lại của chấn thương tinh hoàn trải dài từ độ II đến độ V. Ở mức độ này, bệnh nhân có thể bị rách bao trắng, mất nhu mô hoặc vỡ tinh hoàn và phải điều trị bằng phẫu thuật cấp cứu. Tùy vào mức độ, tinh hoàn có thể được bảo tồn hoặc tệ nhất là cắt bỏ.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Làm sao để con bớt bệnh vặt?

Để trẻ bớt mắc bệnh vặt như ho sốt, sổ mũi, tiêu chảy..., phụ huynh cần ghi nhớ 2 điều: Tăng cường miễn dịch cho trẻ và tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm