Giun lươn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tại đường tiêu hóa. Ảnh: Dreamtime. |
Giun lươn (Strongyloides stercoralis) là bệnh nhiễm sán thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đất. TS.BS Bùi Tiến Sỹ, khoa Vi sinh vật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết giun lươn được xếp loại nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa.
Chúng có thể tồn tại lâu trong cơ thể người và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, cho đến nay, giun lươn vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các ấu trùng giun lươn lây nhiễm di chuyển qua hệ tuần hoàn máu vào phổi, tim, từ phế nang vào khí quản. Tiếp đó, những ấu trùng này sẽ nuốt vào đường tiêu hóa cư trú tại thực quản, dạ dày và ruột non và chủ yếu là ở tá tràng.
Bệnh giun lươn phân bố rộng rãi toàn cầu. Theo ước tính, số người nhiễm giun lươn lên đến 613,9 triệu dân, tương đương 8,1% dân số toàn cầu. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực có mức độ lây nhiễm cao nhất. Myanmar là quốc gia có tỷ lệ mắc nhiều nhất khu vực.
Tại Việt Nam, thống kê kết quả soi phân trực tiếp cho thấy tỷ lệ mắc bệnh giun lươn trong cộng đồng là 0,2% - 2,5%. Nghiên cứu trên 2000 mẫu huyết thanh của người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong năm 2016 và 2017 phát hiện tỷ lệ mắc bệnh giun lươn là 20%.
Bệnh có thể gây viêm da tại vị trí xâm nhập, tổn thương phổi và viêm phế quản trong giai đoạn ấu trùng di chuyển.
Những tổn thương chính của bệnh giun lươn thường thấy ở đường tiêu hóa, đặc biệt là tá tràng và phần trên của hỗng tràng. Trong một số trường hợp hiếm hơn, tổn thương bệnh cũng có thể xảy ra trong đường mật và ống tụy.
Bệnh giun lươn có thể gây ra các triệu chứng không liên tục, chủ yếu ảnh hưởng đến tiêu hóa (đau bụng và tiêu chảy không liên tục hoặc kéo dài), phổi (ho, thở gấp, viêm phế quản mạn tính), da (ngứa, ban đỏ).
Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến loét hoặc thủng ruột. Người bệnh sẽ có cảm giác đau bụng ở vùng trên bên phải, tiêu chảy, sốt không đều và ho, tình trạng nặng hơn là tiêu chảy có nhầy, có máu, thiếu máu, phù và cổ chướng.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn