Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loài rắn trên cạn có nọc độc nhất tại Việt Nam

Tổn thương thường gặp khi bị rắn hổ chúa cắn là hoại tử và sưng nề. Một số người có thể tử vong do liệt cơ gây suy hô hấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết hổ chúa là loài rắn trên cạn có nọc độc nhất tại Việt Nam.

Khi bị rắn hổ chúa cắn, vị trí vết thương trên da có thể sưng nề, sau đó tiến triển nặng dần sang bọng nước. Vết cắn của rắn hổ chúa thường rất đau, vùng da xung quanh thâm lại, thường có màu tím đen. Lúc này, các mô dần chết dẫn đến hiện tượng hoại tử. Tổn thương này có thể lan rộng trong vài ngày và hình thành đường viền quanh vết cắn.

Nạn nhân có thể bị sưng và đau hạch trên hệ bạch huyết (như hạch nách, bẹn khoeo, khuỷu) ở vùng bị cắn.

Tình trạng liệt thường xuất hiện sau khi bị rắn cắn từ 3-20 giờ. Biểu hiện này bắt đầu từ sụp mí, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế, ứ đọng đờm rãi, liệt cơ hô hấp và các chi, tụt huyết áp, buồn nôn, đau bụng, suy thận cấp...

Loai ran co noc doc nhat tren can anh 1

Nọc rắn hổ chúa khiến nạn nhân bị liệt cơ hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ảnh: Pinterest.

Việt Nam đang cạn nguồn huyết thanh

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh nhân bị rắn cắn là họ chủ động bắt hoặc tai nạn bất ngờ khi con vật ẩn nấp ở các vị trí kín đáo như khe kẽ, hang, hốc, đống gạch..., ở khu dân cư hay cánh đồng hoặc hay đi tìm thức ăn.

Kho dự trữ thuốc giải của Bệnh viện Chợ Rẫy đang dần khan hiếm nguồn huyết thanh kháng độc tố rắn hổ chúa. Tuy nhiên, gần đây, số trường hợp bị rắn hổ chúa cắn được ghi nhận tăng khá nhiều.

Mới đây, nữ bệnh nhân 34 tuổi, quê Đắk Nông, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch do bị rắn hổ chúa cắn vào lưng. Tuy nhiên, bệnh nhân nhập viện ngay trong thời điểm Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa.

Người phụ nữ này may mắn vượt qua cửa tử nhờ được sử dụng nhiều phương pháp hồi sức hiện đại như thở máy, dịch truyền, vận mạch và hỗ trợ nhịp tim. Đến ngày thứ 2 nhập viện, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tìm được nguồn truyền huyết thanh từ Bệnh viện Nhi đồng 1 để truyền cho bệnh nhân.

Loai ran co noc doc nhat tren can anh 2

Nữ bệnh nhân ở Đắk Nông được cứu sống tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi bị rắn hổ chúa cắn. Ảnh: Nguyên Hạnh.

"Kể từ năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng các phương pháp điều trị mới như hỗ trợ nhịp tim, lọc máu để loại trừ độc chất và cứu được 3 người bị rắn hổ chúa cắn. Trước đó, nhiều người bị biến chứng rối loạn nhịp và có tỷ lệ tử vong rất cao. Hiện tại, số lượng huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa tại phía Nam gần như cạn kiệt", tiến sĩ Hùng cho biết.

Theo Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa rất khó sản xuất. Hiện tại, Việt Nam phải nhập từ các nhà cung cấp ở Thái Lan. Hàng năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đều nhập huyết thanh này về để sử dụng và chuyển đến các cơ sở y tế khác khi nhận được yêu cầu hỗ trợ.

Tuy nhiên, do diễn biến của dịch Covid-19 từ năm 2020, việc nhập huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa về Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Đơn vị sản xuất huyết thanh hiện tại cũng ngừng sản xuất vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Phần lớn các trường hợp bị rắn cắn là chủ động bắt hoặc trêu chúng. Điều này vô tình hoặc cố ý làm cho con vật này cảm thấy bị đe doạ, từ đó tấn công con người.

Biện pháp giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn

Trong khi lượng huyết thanh giải độc tại Việt Nam còn hạn chế, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tự ý bắt rắn. Bởi hầu hết trường hợp bị rắn độc cắn đều gặp biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, loài rắn này đang bị đe dọa do mất môi trường sống và là loài sắp nguy cấp cần được bảo vệ trong Sách đỏ Việt Nam.

Các biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

Biết về các loài rắn trong vùng, khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp; Biết về thời gian trong năm, trong ngày và kiểu thời tiết nào rắn thường hoạt động nhất như mùa hè, mưa, trời tối.

Cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm.

Tránh rắn càng xa càng tốt, không biểu diễn rắn, không cầm, không đe doạ rắn; Không bẫy rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.

Không cầm, trêu rắn chết hoặc giống như đã chết.

Thận trọng khi ở gần nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đổ nát, đống rác, tổ mối, chuồng gà, ổ gà, chuồng nuôi động vật của gia đình.

Thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không, tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở như nhà mái tranh, tuờng xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt, nền nhà nhiều vết nứt...

Truyền 23 lọ huyết thanh cứu bệnh nhân bị rắn lục cắn

Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng sưng phù bàn chân trái, xuất huyết nặng vùng mông, đùi trái.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm