Cải thảo được người ở xứ tỷ dân treo trong nhà, hàm ý thịnh vượng, may mắn và phú quý. Ảnh: Yin Jiawei/HK01. |
Theo HK01, cải thảo là loại rau thường gặp trong gia đình Trung Quốc, đặc biệt là Hong Kong vào dịp Tết Nguyên đán.
Người Trung Quốc quan niệm rằng "trăm rau không bằng cải thảo". Cải thảo có giá trị dinh dưỡng cao, dễ bảo quản cả vào mùa đông và dễ chế biến. Ngoài ra, người Trung Quốc còn cho rằng cải thảo khô khi mang đi nấu sẽ giúp nước súp ngon ngọt hơn.
Trước Tết Nguyên đán, người Trung Quốc sẽ đi chợ mua cải thảo tươi về nhà. Sau khi rửa sạch, họ sẽ móc chúng vào dây đỏ, dán giấy đỏ ghi những lời chúc may mắn đại cát đại lợi lên thân cải thảo và mang đi treo lên ở cửa sổ.
Cải thảo khô được xem là biểu tượng của sự may mắn, lâu dài, giàu có và thịnh vượng. Vì vậy, chúng rất được được ưa chuộng vào ngày Tết ở Trung Quốc.
Nhiều người lý giải cách phát âm của cải thảo trong tiếng Trung là "shao cai" gần giống với "zhao cai", nghĩa là chiêu tài và may mắn. Vì vậy, cải thảo đại diện cho tài lộc, khởi đầu tốt lành từ ngày đầu năm đến cuối năm.
Bên cạnh đó, do cải thảo khô thường được sử dụng nhiều lần và ăn từng miếng từng miếng cho đến hết, đối với người Trung Quốc, chúng còn là biểu tượng của sự trường thọ và sống lâu.
Theo Sina, cải thảo có hàm lượng calo thấp và giàu chất xơ, giúp thúc đẩy nhu động ruột, có hàm lượng vitamin C cao ngang với cam, quýt. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, cải thảo có tác dụng tốt cho dạ dày, thúc đẩy sản sinh chất lỏng, thanh nhiệt và giúp tiểu tiện dễ dàng. Tuy nhiên, những người bị lạnh bụng, hệ tiêu hóa gặp vấn đề không nên ăn cải thảo quá nhiều vì dễ gây tiêu chảy.
HK01 cho biết ngoài cải thảo, người Trung Quốc còn treo xà lách, cần tây, hành lá bên cửa sổ trong nhà vào dịp Tết. Xà lách đại diện cho sự phú quý, cần tây mang ý nghĩa siêng năng, hành lá biểu tượng cho sự thông minh.