Vị trí chân được nghi ngờ là điểm tiếp xúc khiến vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei xâm nhập vào cơ thể. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. |
Whitmore không phải là bệnh hiếm gặp, đã có từ rất lâu nhưng tỷ lệ mắc bệnh rất ít. Những năm gần đây, tất cả bệnh viện trên cả nước đều gặp trường hợp bị Whitmore. Trong 8 tháng đầu năm, Đắk Lắk cũng ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh này.
Gần đây nhất là bệnh nhân N.V.T., 59 tuổi, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Ông vào viện trong tình trạng nặng, tiên lượng không qua khỏi cao do nhiễm trùng huyết, nghi nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei trên nền viêm phổi, đái tháo đường, viêm khớp ức đòn, tăng huyết áp.
May mắn, sau 21 ngày điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, người bệnh đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện vào ngày 15/8.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm,Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nguyên nhân gây bệnh Whitmore là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, sống trong đất và nước.
Đường lây nhiễm chính của bệnh là tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước có vi khuẩn thông qua các vết trầy xước trên da. Vi khuẩn gây bệnh không lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người nên không gây thành dịch.
Đi chân trần vào những vùng nước bẩn, bùn lầy hay cát có thể gặp nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm. Ảnh minh họa: Cairnspost. |
Thông thường, những người mắc bệnh thường xuyên làm nghề tiếp xúc với bùn đất, nước... Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, bao gồm sốt; sốt kéo dài; suy hô hấp; loét da; viêm phổi; áp xe ở gan, lách; nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng không triệu chứng, đau nhức các cơ khớp. Do đó, bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh khác.
“Bệnh nhân bị Whitmore phải được khẳng định chẩn đoán bằng xét nghiệm. Những người có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, kéo dài hoặc có ổ áp xe tái lại nhiều lần phải đến bệnh viện sớm để xét nghiệm, chẩn đoán", bác sĩ Lâm cho biết.
Về lâu dài, Whitmore có thể ẩn sâu trong các tạng, gây các ổ áp xe nhỏ. Trong trường hợp kháng sinh không thể diệt được vi khuẩn, bệnh có thể bùng phát trở lại. Do vậy, người bệnh vẫn cần tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ ngoại trú từ 3 đến 6 tháng sau khi điều trị thành công tại bệnh viện.
Bệnh Whitmore có tỷ lệ không qua khỏi lên đến 60%. Hiện bệnh không có vaccine đặc trị và phương pháp phòng bệnh đặc hiệu. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, dần dần sức khỏe suy kiệt và tử vong.
Bác sĩ Lâm khuyến cáo để phòng bệnh, mọi người cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
- Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/ gần nơi bị ô nhiễm.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, người bệnh cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc, cần sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh.
Khi nghi ngờ nhiễm vi khuẩn, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.