Bé trai 2 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm virus hợp bào hô hấp, được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Việt Linh. |
Bước vào giai đoạn chuyển mùa, các bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận gia tăng về số lượng bệnh nhi vào cấp cứu do mắc virus hợp bào hô hấp (RSV). Thậm chí, nhiều trẻ gặp biến chứng suy hô hấp nặng.
Trước tình hình này, trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: "Tương tự các loại virus hô hấp khác, RSV lây lan rất nhanh. Nhưng nó có phần nguy hiểm hơn do nguy cơ gây ra biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi và dưới 6 tháng tuổi".
Nhiều bệnh viện kín giường
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội tiếp tục phát đi thông báo phòng ngừa lây nhiễm virus hợp bào hô hấp ở trẻ em. Suốt một tháng qua, bệnh viện ghi nhận gia tăng số ca nhập viện do virus này.
Theo bệnh viện, thời điểm giao mùa xuân - hè kèm theo thời tiết nồm ẩm là điều kiện giúp RSV phát triển mạnh.
Sở Y tế Hà Nội hôm 12/4 cũng thông báo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận đợt gia tăng trẻ nhỏ mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là trẻ sơ sinh nhiễm RSV chuyển sang viêm phổi và suy hô hấp nhanh.
Được biết, đa số trẻ nhập viện trong tình trạng khò khè, một số ca suy hô hấp nặng phải thở bằng oxy. Nhìn chung, phần lớn là trẻ nhỏ, dưới 6 tháng và trẻ sơ sinh.
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần 15 (cập nhật đến ngày 14/4), tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ, bao gồm Covid-19, thủy đậu, sốt xuất huyết, rubella, cúm, sởi, adeno... có thể gia tăng.
Ghi nhận của Zing hồi đầu tháng 4, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng ghi nhận sự gia tăng về số lượng bệnh nhi vào cấp cứu, các phòng bệnh đều kín giường. Trong đó, đã có trẻ gặp biến chứng suy hô hấp, viêm phổi phải thở oxy.
RSV khó kiểm soát hơn các loại virus hô hấp khác
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, virus hợp bào hô hấp là một trong những virus gây bệnh viêm đường hô hấp. Mặc dù cũng lây lan nhanh như nhiều loại virus khác, điều đáng quan tâm nhất ở RSV là khó kiểm soát.
"Các nguyên nhân chính là chúng chưa có vaccine phòng bệnh cũng như nguy cơ gây biến chứng nặng ở trẻ nhỏ. Đa số trẻ em đều có khả năng mắc RSV. Tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ cao hơn do các bé chưa có miễn dịch và dễ dẫn đến biến chứng", PGS Dũng thông tin.
Một trẻ 2 tháng tuổi nhiễm virus RSV biến chứng suy hô hấp, viêm phổi phải thở oxy tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: Việt Linh. |
Đối với trường hợp trẻ lớn, nếu từng mắc RSV, các bé có khả năng không tái nhiễm hoặc nếu nhiễm sẽ ít khi gặp biến chứng nặng.
Trái lại, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi, một khi mắc RSV sẽ rất nguy hiểm do khả năng gặp các biến chứng nặng như viêm phổi hay viêm tiểu phế quản. Trẻ có thể gặp một số triệu chứng nặng như thở rít, hen suyễn, thở khò khè hay khó thở.
Theo PGS Dũng, giống như các bệnh hô hấp thông thường, RSV gây ra nhiều triệu chứng như sốt, chảy nước mũi, ho, viêm phế quản, khó thở, trẻ kén ăn…
Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu khó nhận biết hơn nhưng phụ huynh có thể lưu ý qua biểu hiện như trẻ ăn uống kém, ít hoạt động, khó chịu hay bứt rứt.
Theo các chuyên gia y tế, đa số trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp có thể được chăm sóc, điều trị tại nhà.
Nhưng một số trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh và có khả năng diễn tiến nặng nên cần được khám cũng như tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa Nhi. Cụ thể là trẻ sinh non, bị suy giảm miễn dịch, trẻ bị bệnh tim, bệnh phổi, rối loạn thần kinh cơ, rối loạn nuốt hoặc trẻ dưới 6 tháng.
Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ khám ngay nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường (như da tái, không đáp ứng, đờ đần) hoặc có sốt cao, mất nước (giảm số lượng nước tiểu) hoặc khó thở.
Để phòng ngừa mắc các bệnh lây lan qua đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa, PGS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo:
- Không chỉ trẻ, người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Cả người lớn và trẻ đều nên tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.
- Che mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Khử khuẩn các bề mặt trong nhà, đặc biệt các vật dụng trẻ thường tiếp xúc.
- Hạn chế đến nơi đông người.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.