Anh N.T.T. ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết vừa qua, cậu con trai lớp 5 xin 300.000 đồng để đăng ký dự kỳ thi tìm kiếm tài năng toán học quốc tế (ITMC). Anh T. tìm hiểu thì được biết đây là kỳ thi dành cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 11 và được một công ty cổ phần giáo dục đưa về tổ chức tại Việt Nam.
Học sinh, phụ huynh đều có mong muốn được tham gia những cuộc thi Toán quốc tế bổ ích. Ảnh: Tiền Phong. |
Cuộc thi đầy tính thương mại hóa
Anh T. cho hay khoảng 3.000 học sinh của Hà Nội tham gia vòng loại để chọn ra vài trăm học sinh đi thi tại Thái Lan. Con trai anh T. nằm trong số những học sinh đủ điều kiện để tham gia vòng 2.
Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ giữa ban tổ chức với phụ huynh, anh T. mới biết để con được tham dự vòng 2, anh sẽ phải đóng 30 triệu đồng cho suất của con và 24 triệu đồng cho suất của phụ huynh đi theo con sang Thái Lan. Lúc này, anh cũng như nhiều phụ huynh khác mới té ngửa đây là kỳ thi đầy màu sắc thương mại hóa.
“Khi con về xin tiền đăng ký thi vòng 1, tôi chỉ biết là giáo viên chủ nhiệm giới thiệu kỳ thi toán quốc tế và tư vấn một số bạn trong lớp có học lực đủ điều kiện dự thi. Ngoài ra, chúng tôi không biết bất cứ thông tin gì thêm. Vì vậy, chúng tôi cứ nghĩ đây là kỳ thi do sở, bộ tổ chức. Nếu qua vòng loại, các con sẽ được sở, bộ đưa đi thi như các kỳ thi Olympic quốc tế khác”, anh T. cho hay.
Theo nhận định của anh, ban tổ chức cuộc thi từ đầu không nói rõ cho phụ huynh biết đây là kỳ thi được tổ chức như thế nào. Chỉ đến khi qua vòng 1, ban tổ chức mới thông tin cụ thể thi vòng 2. Khi phụ huynh hỏi huy chương vàng, huy chương bạc của cuộc thi có giá trị cộng điểm cho học sinh vào các kỳ thi chuyển cấp hay không, ban tổ chức chỉ trả lời vòng vo là sẽ gửi kiến nghị của phụ huynh đến Sở GD&ĐT Hà Nội.
“Phụ huynh bỏ ra hàng nghìn USD chỉ để cho con sang Thái Lan dự kỳ thi chỉ có tính chất giao lưu thì chi phí này quá đắt”, anh T. nói. Do đó, khi nhận ra bản chất của cuộc thi này, anh quyết định cho con dừng ở vòng 1.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, các cuộc thi Toán, Khoa học kỹ thuật quốc tế đang “nở rộ” và được nhiều tổ chức giáo dục đưa về Việt Nam như nấm sau mưa. PGS Lê Anh Vinh, trưởng đoàn Olympia Toán học Việt Nam, chia sẻ nhiều cuộc thi quốc tế tổ chức tại Singapore mà ông biết, học sinh Việt Nam tham gia nhiều hơn học sinh Singapore.
Còn tại Việt Nam, nhiều cuộc thi mang danh quốc tế nhưng “vỡ trận” do cách tổ chức không bài bản khiến phụ huynh bức xúc. Dù vậy, sau đó, những phụ huynh này vẫn “tặc lưỡi” tiếp tục đăng ký cho con tham gia cuộc thi kế tiếp. Không ít phụ huynh dù không biết cuộc thi do đơn vị nào cấp phép tổ chức, quản lý, vẫn cho con tham gia.
Làm đẹp hồ sơ
Nhiều gia đình có con học giỏi tham vọng khi trẻ kết thúc bậc học phổ thông, sẽ được du học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Chỉ tiếp cận với mục đích này bằng con đường thi IMO (olympic Toán quốc tế) vừa nguy hiểm (vì xác suất trở thành một trong 6 thành viên dự thi IMO vô cùng thấp), vừa chậm hoặc mất cơ hội du học.
Hiểu được những hạn chế này, một số phụ huynh Hà Nội đầu tư cho con tham dự các kỳ thi Toán quốc tế ở bậc Tiểu học hay THCS để tích tụ hồ sơ tốt, sau đó lên THPT tập trung cho các kỳ thi chuẩn đầu vào đại học Mỹ như SAT, TOEFL.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội, cho hay khá bất ngờ khi nhiều phụ huynh xin cho con nghỉ học một thời gian để đi tham gia các cuộc thi Toán quốc tế nào đó. “Tuy nhiên, vì đó là lựa chọn của phụ huynh nên nhà trường không thể cấm hay ngăn cản", vị này nói.
Thực tế cho thấy đang có sự lập lờ về các kỳ thi này. Nhiều quận của Hà Nội mang danh nghĩa đưa học sinh đi thi quốc tế có huy chương về tuyên dương lấy thành tích của phòng, của trường nhưng kinh phí do phụ huynh bỏ ra.
PGS Lê Anh Vinh cho rằng các nước mở ra các kỳ thi không nặng nề về giải thưởng mà là cơ hội cho học sinh giao lưu, học hỏi. Nhưng gần đây, quả thật có quá nhiều cuộc thi mang danh quốc tế. Có một số kỳ thi thiên về thương mại, làm mất ý nghĩa thuần túy là giao lưu khi thu phí quá cao.
“Tiếp xúc nhiều với học sinh, tôi thấy nhiều em đi thi liên tục. Có em tầm tháng 2, tháng 3 hàng năm là tuần nào cũng đi thi, rồi đến tháng 4, 5 lại đi nhận giải. Có phụ huynh cho biết con em họ đi thi chuyên nghiệp đến mức đã chuẩn bị sẵn một túi đựng các loại giấy tờ, đến ngày thi, con chỉ mang túi đó đi là xong”, PGS Lê Anh Vinh nói.
PGS Vinh cho rằng tham gia các kỳ thi cũng có những lợi ích nhất định như giúp học sinh tự tin hơn. Phụ huynh nên chọn kỳ thi có uy tín, bề dày thành tích, người tổ chức, tìm hiểu chất lượng đề thi... để cho con em mình tham gia. Theo PGS Lê Anh Vinh, vừa qua, có kỳ thi tổ chức, đề sai đến một nửa. “Tôi cho rằng không nên để trẻ thi nhiều vì xét cho cùng việc học của trẻ là vì kiến thức chứ không phải vì các kỳ thi”, PGS Lê Anh Vinh nói.
“Phụ huynh bỏ ra hàng nghìn đô la chỉ để cho con sang Thái Lan dự một kỳ thi chỉ có tính chất giao lưu thì chi phí này quá đắt”, anh T. nói. Do đó, khi nhận ra bản chất của cuộc thi này, anh T. quyết định cho con dừng ở vòng 1.