Hiện trên các một số vùng ở Lào Cai, nấm ngọc cẩu được bán tràn lan với giá khá rẻ, chỉ vài chục nghìn hoặc chưa đến 100.000 đồng/kg. Theo chị T. một người đang bán nấm ngọc cẩu ở Hà Nội, nấm bán lẻ chỉ 150.000 đồng/kg. Nếu khách mua buôn với số lượng lớn, người bán sẽ giảm giá sâu hơn nữa.
Chị T. kể, chị biết đến nấm ngọc cẩu rất tình cờ. Có một lần về thăm quê ngoại ở Lào Cai, chị thấy ngoại ngâm rượu uống và giới thiệu đây là một loại dược liệu quý, hiếm và rất đắt đỏ trên thị trường ở Hà Nội. Trong khi đó, tại Lào Cai, một số người bản địa đi rừng hái nấm, bán giá rất rẻ. Chị T. quyết định thu mua lại và bán giá rẻ cho những người có nhu cầu ở thành phố.
Nấm ngọc cẩu tương đang loạn giá trên thị trường. Ảnh: NVCC. |
Nấm ngọc cẩu được bán giá rẻ, chưa bằng 1/10 so với giá bán tại các công ty dược liệu hay nhà hàng đông y, do đó, khách đặt mua khá đông. Chị T. chia sẻ, khách đặt mua thường là nấm tươi nên phải đặt trước 1 - 2 ngày mới có.
Ban đầu nhiều khách hàng cũng thắc mắc giá rẻ bất ngờ so với các nơi khác, tuy nhiên, chị khẳng định 100% là nấm được dân bản địa đi hái tận trong rừng sâu chứ không phải nấm trồng công nghiệp. Chưa từng đi bán thuốc, hay cũng không có kiến thức chuyên ngành về y học, tuy nhiên, người thân và gia đình, bạn bè chị T. sử dụng rất nhiều nấm ngọc cẩu, thấy có tác dụng nên đem bán. Có người thân cũng là người bản địa hái nấm, nên chị T. cho biết, sẽ đảm bảo hoàn toàn về chất lượng.
Người bệnh phải dùng nấm ở đúng độ cao, đúng loại mới có tác dụng. Ảnh: VTC News. |
Tại một cửa hàng chuyên cung cấp nấm ngọc cẩu tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), giá bán loại tươi là 600.000 đồng/kg, loại khô là 3 triệu đồng/kg. Nhân viên cửa hàng cho biết, đây là giá khuyến mại do nấm đang vào vụ hái. Anh này nói thêm, vào thời điểm giữa năm, trời nắng, nấm ít hơn giá có thể lên đến 800.000 thậm chí 1 triệu đồng/kg tươi.
"Đây là loại nấm quý hiếm, cửa hàng phải mua của những người vào tận rừng sâu hái. Sau khi thu mua, phải qua khâu thầy thuốc thẩm định về chất lượng sản phẩm nên giá bán tương đối cao", anh lý giải cho mức giá đắt đỏ của sản phẩm.
Anh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) từng dùng nấm ngọc cẩu được hơn 2 năm nay cho biết, thường mua tại các cửa hàng đông y tại Hà Nội với giá 750.000 đồng/kg. Hiện tại thấy nhiều người rao bán trà lan với giá rẻ, nhưng anh không dám mua.
"Chất lượng cây thuốc chỉ được đảm bảo khi qua tay các bác sĩ, hơn nữa là thuốc chữa bệnh nên không thể mua không rõ nguồn gốc được. Nấm ngọc cẩu rất đắt, tuy nhiên cũng xứng đáng đồng tiền. Sau 2 năm sử dụng loại thuốc này, bệnh tình mình ngày càng có nhiều biến chuyển tốt", anh Hùng nói.
Nếu không dùng đúng loại nấm ngọc cẩu có thể bị ngộ độc. Ảnh: VTC News. |
Lương y Phạm Văn Thanh (Hàm Nghi, TP. Lào Cai) cho biết, nghiên cứu trên thị trường có khoảng hơn 20 loại nấm ngọc cẩu, trong đó đã tìm ra được 11 loại nấm và chỉ có 3 loại có tác dụng tốt. Và đặc biệt, nấm ngọc cẩu có giá trị dược liệu cao khi sinh trưởng ở độ cao trên 1.500 m, và dưới những tán cây đặc biệt. Hơn nữa, loại nấm này đặc biệt quý khi thu hái tự nhiên ở độ cao trên 2.000 m như đỉnh Tây Côn Lĩnh và Hoàng Liên Sơn, nơi quanh năm lạnh giá, mùa đông có tuyết phủ.
“Nấm ngọc cẩu là loại thảo dược nửa dạng cây nửa dạng nấm, không có lá. Thân có màu đỏ nâu sẫm, được cấu tạo bởi cánh hoa lớn, mang hoa dày đặc, có bao bọc bằng mo màu tím.
Nấm có mùi hôi đặc trưng. Hoa nấm nạc và mềm, không có lá. Hoa đực và hoa cái phân biệt rõ ràng. Cụm hoa đực hình trụ, dài 10 - 15 cm. Cụm hoa cái hình đầu, dài 2 - 3 cm. Ruột hoa nấm giống như ruột quả thanh long, chứa tinh bột.
Nấm ngọc cẩu được sử dụng trong các bài thuốc làm bổ máu, bổ thận, kích thích đường tiêu hóa, thông tiểu, chữa nhức mỏi tay chân, đau lưng, di tinh, liệt dương, đặc biệt tốt cho phụ nữ phục hồi sức khỏe sau khi sinh...”
Lương y Phạm Văn Thanh
Vị lương y này cũng tiết lộ, người bệnh phải dùng nấm ở đúng độ cao, đúng loại mới có tác dụng. Bệnh cạnh đó, cách bào chế phải có phương pháp đặc biệt, thường gọi là “phơi âm can” thì mới bảo toàn được cái tính dược của nó, vì nó sinh trưởng phát triển ở bóng râm, không dưới ánh nắng mặt trời.
Ông bổ sung, ngọc cẩu là một loại nấm quý, có giá trị dược liệu và kinh tế cao, do đó, không nên khai thác bừa bãi. “Thông thường một cây mọc ra khoảng 5 cái nấm, thì người dùng nên lấy khoảng 3 nấm đã phát triển hết, số nấm non còn lại để chúng sinh trưởng phát triển và hái vào vụ sau, không được nhổ tận gốc”, ông nói.
Hiện nay nhân dân và một số đồng bào, khách du lịch đi mua nấm giá rẻ, không rõ nguồn gốc. Theo ông, để hái được nấm ngọc cẩu ở độ cao trên 1.500 m là khá vất vả, cộng thêm tính dược liệu quý hiếm khiến giá bán của nó cao lên. Hiện giá nấm ngọc cẩu tươi trên thị trường dao động 600.000 - 800.000 đồng/kg.
"Người bệnh nên rất cảnh giác với những loại nấm giá rẻ, không rõ nguồn gốc. Nếu không mua đúng loại nấm, người bệnh sẽ khó chữa trị, thậm chí còn dẫn đến tình trạng ngộ độc", ông nói.