Sau mỗi mùa Olympic, nhiều địa điểm bị quên lãng, bỏ hoang
Khi đến những địa điểm từng diễn ra Olympic, khu vực từng tấp nập, nhộn nhịp bởi du khách, những người hâm mộ thể thao ghé thăm, có thể bạn sẽ bắt gặp khung cảnh tiêu điều, xơ xác, dường như bị rơi vào quên lãng. Nơi diễn ra khai mạc Thế vận hội năm 1984 tại thành phố Sarajevo, quốc gia Bosna và Hercegovina ngày nay gần như không dùng đến, chỉ thi thoảng sử dụng cho các cuộc đua BMX. Ở điểm trượt tuyết ở núi Igman, chỗ ngồi tràn ngập cỏ dại. Một tòa tháp lớn từng là đấu trường trượt băng nghệ thuật cũng đã trở thành điểm bỏ hoang, đáng sợ. Sân vận động Hạt Atlanta-Fulton, Mỹ được sử dụng để thi đấu bóng chày năm 1996 bị phá hủy ngay sau đó một năm, biến thành chỗ cho 4.000 chiếc xe. Sau 10 năm, sân vận động Tổ Chim tại Bắc Kinh, niềm tự hào của người Trung Quốc giờ đây chỉ còn sót lại những tấm áp phích bám chặt bụi. Hồ nước chứa đầy nước mặn, bẩn thỉu và hoàn toàn bị ô nhiễm, trở thành nơi trú ngụ của ếch, nhái...
Sự lãng phí về cả mặt không gian lẫn tài chính
Các thành phố của nhiều nước trên khắp thế giới bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu việc tổ chức Thế vận hội có đáng không? Hầu hết địa điểm này không có cơ sở hạ tầng cần thiết để diễn ra các hoạt động Olympic. Số tiền xây dựng các công trình thể thao hiện đại phải tiêu tốn hàng tỷ USD cho một sự kiện hai tuần. Trong trường hợp xấu nhất, đối với nước chủ nhà, các địa điểm Olympic không được sử dụng sau này và trở thành điểm bỏ hoang, gây lãng phí không gian và tiền bạc. Điều này chỉ xảy ra ở một số quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, những bức ảnh được sưu tầm từ Reuters, Getty Images... đã trở thành biểu tượng cho nhược điểm của việc tổ chức Thế vận hội. Thủ đô Athens đã chi 15 tỷ USD ngân sách để chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè 2004 và Hy Lạp phải gánh vác chi phí vượt mức, nhiều cơ sở rơi vào tình trạng không sử dụng được và bị bỏ hoang...