Loạt chi tiết thú vị được ẩn giấu trong bom tấn ‘Venom’
Thứ năm, 11/10/2018 08:05 (GMT+7)
08:05 11/10/2018
Mang nhiệm vụ mở ra một vũ trụ điện ảnh mới cho Sony, bộ phim “Venom” cài cắm nhiều chi tiết thú vị xuyên suốt thời lượng tác phẩm.
*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Cái tên quen thuộc: Đầu phim, phi thuyền mang các Symbiote từ ngoài không gian của Life Foundation phát nổ khi trở về Trái đất. Một phi hành gia may mắn sống sót có tên là Jameson. Đây chính là John Jameson - con trai của ông chủ tòa soạn báo J. Jonah Jameson từng gây ấn tượng với người xem ở bộ ba phim Spider-Man của đạo diễn Sam Raimi. John Jameson xuất hiện rất sớm trong loạt truyện tranh TheAmazing Spider-Man và được Spider-Man cứu giúp. Anh là một phi hành gia bị nhiễm phải sức mạnh từ Moon Gem, rồi trở thành Man-Wolf. Tuy nhiên, trong các loạt phim hoạt hình Spider-Man của thập niên 1990, John trở thành người mang các Symbiote về Trái đất giống như ở Venom.
Tội lỗi trong quá khứ: Trong phim, Eddie Brock (Tom Hardy) nói rằng anh buộc phải chuyển tới San Francisco sau vụ bê bối tại New York. Chi tiết liên hệ tới một sự kiện ở nguyên tác khi nhân vật thực hiện bài phỏng vấn một kẻ tự xưng là tên sát nhân tâm thần Sin-Eater. Tuy nhiên, gã hóa ra chỉ là tên mạo danh khi Người Nhện hạ gục Sin-Eater thực sự. Điều đó khiến Eddie Brock đánh mất thanh danh và công việc ở tờ Daily Globe, rồi phải chuyển tới San Francisco. Sau khi mất việc, anh thường xuyên tập tạ để giết thời gian. Đạo diễn Ruben Fleischer khá tinh ý khi chọn một diễn viên cơ bắp như Tom Hardy vào vai chính, cũng như xếp nhiều quả tạ tay rải rác trong căn hộ của nhân vật.
Tri ân các tác giả: Venom ra mắt độc giả lần đầu trong Amazing Spider-Man #299 (1988) do cây bút David Michelinie và họa sĩ Todd McFarlane sáng tạo. Trong phim Anne Weying (Michelle Williams) làm việc cho công ty luật có tên Michelinie & McFarlane. Song, chất liệu tạo ra Symbiote đã xuất hiện từ vài năm trước. Đó là khi Người Nhện mặc bộ trang phục màu đen trong Marvel Super Heroes Secret Wars (1984). Ý tưởng được Marvel mua lại từ một người hâm mộ tên Randy Schueller với giá 220 USD. Trong phim, khu trọ của Eddie Brock có tên là Schueller Building. Khi Venom có loạt truyện riêng vào năm 1993, Ron Lim là người đầu tiên vẽ ra các Symbiote khác. Trong một cảnh phim, Eddie Brock đi bộ trên phố và bước qua cửa tiệm thảo mộc có tên giống như vị họa sĩ.
Đồng loại của Venom: Ngoài Venom và Riot (Riz Ahmed), bộ phim còn có sự xuất hiện của hai Symbiote khác nhưng chưa được đặt tên. Chi tiết gợi nhắc loạt truyện đầu tiên của Venom khi con quái vật bị tổ chức Life Foundation bắt phải chiến đấu với năm đồng loại khác. Những Symbiote khi ấy cũng không được đặt tên, mãi cho tới khi các mẫu đồ chơi ăn theo xuất hiện sau đó nhiều năm. Trong đó, Symbiote màu vàng từng kết hợp với chú thỏ có tên là Scream, còn Symbiote màu xanh giết chết tiến sĩ Dora Skirth (Jenny Slate) là Lasher.
Món ăn khoái khẩu: Trong buổi đầu xuất hiện, Venom chỉ hù dọa cho vui, chứ chẳng bao giờ thực sự ăn não người. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi 180 độ trong đầu truyện Venom: The Hunger (1996). Hóa ra, Symbiote “nghiện” một loại chất hóa học tồn tại trong bộ não. Sau đó, Venom chuyển sang ăn… chocolate sau khi phát hiện ra loại hợp chất tương tự. Chi tiết xuất hiện ở cuối phim khi sinh vật bắt Eddie Brock phải mua thật nhiều chocolate.
Ký hiệu trên ngực: Một điểm khác biệt lớn giữa bộ phim với nguyên tác truyện tranh chính là mối quan hệ giữa Venom và Người Nhện. Vì vấn đề bản quyền nên Tom Holland và Tom Hardy khó lòng có thể xuất hiện trong cùng một tác phẩm. Do đó, ký hiệu giữa ngực Venom không còn là con nhện màu trắng vì mối thù với Người Nhện nữa.
Câu thoại quen thuộc: Trong một cảnh phim, Venom đe dọa kẻ thù khi nói rằng: “Mắt, phổi, tuyến tụy. Quá nhiều món ngon, nhưng quá ít thời gian!” Đây là chi tiết quen thuộc trong loạt truyện riêng về nhân vật vào năm 1996. Khi đó, gã dùng câu thoại kể trên để nói với Người Nhện khi cả hai quyết định đình chiến.
Cảnh chiến đấu quen thuộc: Đạo diễn Ruben Fleischer quả là người biết chiều lòng fan khi chuyển thể rất nhiều hình ảnh quen thuộc trong nguyên tác truyện tranh lên màn ảnh rộng. Một trong số đó là trận chiến giữa Venom với Riot, khi cả hai xé toạc Symbiote ra khỏi vật chủ. Đây cũng chính là trang bìa của tập Venom: Carnage Unleashed #3 (1995) khi Venom đối đầu với kẻ thù truyền kiếp Carnage.
Đoạn mid-credits hứa hẹn: Trong đoạn mid-credits của bộ phim, Eddie Brock xin vào phỏng vấn tay sát nhân hàng loạt Cletus Kasady (Woody Harrelson). Gã dùng máu của mình viết lên tường dòng chữ “Chào mừng Eddie”. Trong nguyên tác, Kasady chính là vật chủ của Carnage - kẻ thù tàn bạo nhất dành cho Venom. Ở lần đầu xuất hiện, Symbiote này cũng dùng máu để viết thông điệp lên tường cho Người Nhện. Một chi tiết thú vị khác là nhân vật cai ngục do Wade Williams thủ vai. Anh được biết đến qua vai diễn tương tự trong loạt phim truyền hình ăn khách Prison Break. Điều đó khiến người hâm mộ nghĩ ngay tới việc Kasady / Carnage sẽ dễ dàng “vượt ngục” trong các bộ phim sau.
Chỉ sau ba ngày trình chiếu, “Venom” đã mang về cho Sony hơn 205 triệu USD, bất chấp đủ lời chê bai từ giới phê bình và nhiều fan ruột của nhân vật dựa trên truyện tranh Marvel.
Bất chấp phần kịch bản nhiều lỗ hổng cùng khâu dựng phim lộn xộn, tác phẩm hành động về Venom vẫn hấp dẫn nhờ màn tung hứng đầy ăn ý giữa Tom Hardy và thực thể cộng sinh kỳ quái.