1. Món cháo nào xuất hiện trong hình?
Sá sùng có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, ngon nhất khi được bắt đúng mùa, độ tháng 3-7. Ở TP.HCM, bạn có cơ hội thưởng thức món cháo sá sùng được chế biến theo kiểu cháo Tiều của người Hoa. Sá sùng tươi ngon phải có mình dày, không tanh và được người chế biến làm sạch cát trong ruột. Tô cháo sá sùng còn có cật, thịt heo, phèo, cá... Đồ ăn kèm gồm rau tần ô, gừng thái sợi, tiêu làm thực khách ấm bụng ngày mưa. Ảnh: Quangicungduoc. |
2. Loại chả nào nổi tiếng ở Hạ Long (Quảng Ninh)?
Chả mực dai giòn, tươi ngọt, đậm đà vị biển là thức quà dân dã ở Hạ Long. Mực được giã thủ công bằng tay. Miếng chả không quá mịn, khi ăn, bạn vẫn cảm nhận được độ giòn của miếng mực tươi, vị thơm đặc trưng của nước mắm, hạt tiêu. Chả mực ngon nhất khi được chiên vàng giòn, ăn cùng bánh cuốn. Ngoài ra, chả mực chấm tương ớt, nhồi phô mai hay ăn kèm xôi, bún cũng là gợi ý ẩm thực đáng thử. Ảnh: _hanh.fooddaily_. |
3. Sứa đỏ là món ăn đặc trưng ở địa phương nào?
Sứa đỏ là món ăn chơi hút giới trẻ ở Hà Nội, thường có vào khoảng cuối tháng Giêng đến tháng 5 năm âm lịch. Khi thưởng thức, thực khách đặt một miếng lá tía tô xuống trước, thêm chút rau kinh giới, đậu nướng, cùi dừa, lát sứa rồi cuộn lại và chấm vào phần mắm tôm đã đánh sủi bọt. Từng miếng sứa đỏ au, trong như thạch, khi ăn có vị dai nhẹ và mát lành giúp đánh bay nóng bức ngày hè. Ảnh: Myhanoii. |
4. Nha Trang nổi tiếng với món bún nào?
Bún sứa đậm hương vị biển bởi hầu hết nguyên liệu dùng để chế biến và độ mặn, ngọt của món đều nhờ các loại hải sản. Ngoài sứa giòn dai, chả cá, xương heo, hành và rau thơm góp phần làm tăng hương vị. Điểm nhấn là nước dùng được ninh từ cá, trong vắt, không mỡ, thích hợp ăn khi trời nóng. Ảnh: Lucifer.ha. |
5. Con nuốc phổ biến ở địa phương nào?
Mùa nuốc chỉ xuất hiện ngắn ở vùng đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai vào dịp hè. Khi gần ăn mới vớt nuốc ra, vắt nhẹ cho ráo nước, kẹp rau, dưa, chuối chát rồi quẹt chút ruốc pha với chanh, ớt bột, tỏi. Bún giấm nuốc cũng là hương vị mát lành, đặc trưng ở xứ Huế ngày hè. Ảnh: Khánh Vân. |
6. Lẩu cua đồng Hải Phòng thường được ăn kèm gì?
Lẩu cua đồng Hải Phòng được ăn kèm với bánh đa đỏ. Nước dùng được ninh từ xương ống, có tôm khô, riêu cua béo ngậy lẫn trong màu đỏ của cà chua, màu xanh của hành lá và được đánh chua bằng giấm bỗng thanh thanh, tỏa mùi thơm phức. Thức ăn kèm gồm thịt bò, chả cá, lòng non, đậu phụ, giò sống, tôm, ngao, mực... Lẩu thường được phục vụ kèm hoa chuối thái sợi mỏng, đĩa rau sống gồm xà lách, mùi tàu, húng... Ảnh: Thaonguyen0126. |
7. Món canh nào đặc trưng ở Phú Quốc?
Nấm tràm mọc nhiều ở Phú Quốc khi những cơn mưa đầu mùa (khoảng tháng 4-5) đổ xuống. Nấm tràm có thể được xào với mực, sò, ốc... hay kho tiêu, ăn với cơm nóng khá bắt vị. Ngoài ra, bạn không thể bỏ qua canh nấm tràm hải sản với sự kết hợp của tôm, mực, cá biển, trứng gà... thơm ngon, có chút vị đắng đầy bổ dưỡng. Ảnh: Daudokiengiang. |