Mới đây, Insider đăng tải bài viết về câu chuyện nhiều người bắt đầu quay về xu hướng sử dụng trang phục cũ để tạo thói quen bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí mua sắm hàng năm.
Trang này cũng liên hệ với các blogger, chuyên gia trong lĩnh vực thời trang để chia sẻ kinh nghiệm và sai lầm phổ biến khi mua đồ vintage và thay vào đó họ nên làm gì.
Hạn chế mua sắm vào cuối tuần
Jillian Owens - người sáng lập trang blog Refashionista - cho biết những người săn hàng vintage thường có thói quen mua sắm vào cuối tuần. Bởi đây là thời điểm rảnh rỗi sau một tuần làm việc vất vả.
Người tiêu dùng sẽ gặp trường hợp cạnh tranh với người khác để sở hữu món đồ có giới hạn trong cửa hàng. Nếu chỉ có thời gian vào cuối tuần, Jillian khuyên nên đến vào buổi sáng hay lựa chọn ngày thứ ba để mua sắm sản phẩm. Vì thời điểm này, nhiều mặt hàng mới sẽ được các thương hiệu trưng bày trên kệ theo chu kỳ từng tuần.
Các tín đồ thời trang nên lựa chọn thời điểm thích hợp để mua sắm hàng vintage. Ảnh: Insider. |
Suy nghĩ kỹ trước khi mua "thời trang nhanh"
Caitlin Trantham - tín đồ thời trang có kinh nghiệm mua hàng vintage trong 12 năm - chia sẻ với Insider về sự biến đổi của chất liệu quần áo.
Khi đến cửa hàng, cô hiếm khi lựa chọn các sản phẩm đến từ thương hiệu bình dân như Forever 21, H&M, Zara, Fashion Nova... Bởi đa phần thiết kế của các nhãn hàng này thường có tuổi thọ nhất định và chất liệu vải dễ dàng xuống cấp nếu không biết cách chăm sóc với sản phẩm đã qua sử dụng.
"Nếu chỉ có một lựa chọn duy nhất để mua món đồ này, các bạn hãy trả xuống thấp hơn so với mức giá gốc được niêm yết trong cửa hàng và nên suy nghĩ thêm việc tìm kiếm món đồ khác có phom dáng tương tự, chất lượng tốt hơn", Caitlin nói thêm.
Caitlin Trantham thường chi trả hơn 10 USD cho mỗi sản phẩm. Ảnh: Insider. |
Ngoài ra, Caitlin cũng cho biết điều quan trọng các tín đồ chuộng hàng vintage cần nhớ chính là việc suy nghĩ mua sắm những món đồ cơ bản thay vì sản phẩm chỉ mặc được một lần.
Thông thường, các cửa hàng thường có ưu đãi đặc biệt dành cho dòng đồ cơ bản với mức giá thấp hơn nhiều so với mặt hàng khác. Đây chính là thời điểm phù hợp để người tiêu dùng tích trữ sản phẩm có thể mặc hàng ngày.
Không nên mua sản phẩm lỗi
Caitlin đưa ra quan điểm khi chọn một món đồ, điều quan trọng nhất chính là xem qua lớp vải trên bề mặt để chắc chắn không bị hư hại hay những lỗ thủng không đáng có.
"Hãy chú ý đến trên tay áo, ống quần, phần cổ và mặt bên trong của sản phẩm. Một vài món đồ có thể chỉnh sửa nhưng nhiều thiết kế khó khăn trong việc khắc phục", cô nói thêm.
Ngoài ra, với những vết ố vàng trên quần áo, Trantham không khuyến khích mua bởi sau thời gian, vết bẩn sẽ ngày càng nặng và khó tẩy rửa khiến hình ảnh người mặc thiếu sự chỉn chu.
Không nên mua sắm các sản phẩm bị hư hại hay có nhiều vết ố vàng. Ảnh: Insider. |
Không mua quần áo quá nhỏ
Nhiều người thường có thói quen mua sản phẩm có kích thước nhỏ hơn so với vóc dáng thật. Điều này giúp họ tạo động lực tập thể dục, ăn kiêng giảm cân nhằm đạt được hình thể chuẩn.
Hannah Rupp - stylist, chủ blog The Outfit Repeater - cho biết người mua sắm thường lãng phí tiền vào những bộ quần áo quá nhỏ.
"Nên mua món đồ có thể mặc được ngay và tránh xa những thứ chỉ xếp vào tủ. Bởi điều này không mang tính thiết thực và đôi khi khiến người mua quên đi việc từng sắm sản phẩm này lúc nào, cũng như không còn sự yêu thích với chúng nữa", Hannah bày tỏ.
Các tín đồ nên tránh mua những loại quần áo không thể mặc được. Ảnh: Insider. |
Trò chuyện cùng nhân viên
Chủ blog Refashionista - Jillian Owens - nhận định việc trò chuyện cùng nhân viên là điều quan trọng khi đến cửa hàng. Bởi họ sẽ là người nắm rõ nhất về mức giá giảm của từng sản phẩm hay thời gian nào hàng mới được trưng bày trên kệ.
"Các nhân viên sẽ cho bạn biết tình trạng sản phẩm cũng như món đồ nào phù hợp với phong cách của bạn. Không chỉ thế, đôi lúc họ sẽ giữ giùm bạn những bộ quần áo yêu thích nếu chưa thể sắp xếp thời gian ghé cửa hàng. Hỏi thăm nhân viên thời điểm nào hàng giảm nhiều nhất cũng là bí quyết hữu hiệu trong việc mua sắm", cô nói thêm.
Jillian đề xuất việc thường xuyên theo dõi các thương hiệu thông qua mạng xã hội để tiện cập nhật tình trạng sản phẩm ở cửa hàng hay những món đồ hiếm, chưa được người khác sở hữu.
Trò chuyện cùng nhân viên trong cửa hàng để hiểu hơn về sản phẩm cần mua. Ảnh: Insider. |