Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loay hoay với cách ly, Hà Nội sẽ khó chăm sóc tốt F0 diễn biến nặng

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, việc Hà Nội tập trung cách ly và theo dõi trường hợp diễn biến nhẹ, không triệu chứng sẽ gây lãng phí nguồn lực, khó chăm sóc tốt người bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 17/12, thành phố ghi nhận 1.440 trường hợp nhiễm nCoV. Thành phố tiếp tục vượt kỷ lục về số ca nhiễm mới được ghi nhận trước đó vào ngày 15/12 (1.357 ca).

Trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận đã lên tới 24.237 ca. Ở thời điểm hiện tại, thành phố có 11.719 F0 được điều trị, trong đó, 8.944 ca ở bệnh viện, cơ sở y tế và 2.775 người cách ly, điều trị tại nhà.

giai phap giam ty le tu vong tai ha noi anh 1

Số ca nhiễm nCoV tại Hà Nội liên tục tạo kỷ lục mới. Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng tỷ lệ F0 được cách ly, điều trị tại nhà của thành phố chỉ khoảng 20% như hiện nay là khá thấp. Tình trạng này phần nào sẽ ảnh hưởng tới quá trình kiểm soát dịch cũng như tỷ lệ tử vong của Hà Nội.

Số ca nhiễm tại Hà Nội có thể tiếp tục tăng

Dự báo về tình hình dịch Covid-19 của Hà Nội trong thời gian tới, PGS Nguyễn Việt Hùng cho rằng số ca nhiễm nCoV trên địa bàn thành phố có thể sẽ tiếp tục tăng.

“Nguyên nhân là khi chúng ta mở cửa, mọi người có điều kiện giao lưu, đi lại, làm việc gần như bình thường. Việc tuân thủ các quy định về phòng dịch của người dân cũng không thực sự tốt khi một bộ phận bắt đầu có tâm lý chủ quan. Qua quan sát, tôi vẫn thấy nhiều người ở các nhà hàng, quán cà phê không đeo khẩu trang”, vị chuyên gia cho biết.

Ở bối cảnh đó cùng đặc tính của SARS-CoV-2, khả năng virus xuất hiện và lây lan trong cộng đồng là rất lớn. Theo ông Hùng, hàng nghìn ca nhiễm mới được Sở Y tế Hà Nội ghi nhận mỗi ngày vừa qua có thể vẫn chỉ là bề nổi.

giai phap giam ty le tu vong tai ha noi anh 2

Người dân tại Hà Nội nói chuyện, gặp gỡ sau khi thành phố mở cửa. Ảnh: Phạm Thắng.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho rằng tình trạng số ca nhiễm tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian qua là dễ hiểu sau khi thành phố thực hiện nới lỏng, sống chung an toàn với nCoV.

“Với Covid-19, nhiều người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Do đó, trong quá trình tiếp xúc, giao tiếp, chúng ta cũng rất khó nắm bắt được liệu người đối diện hay bản thân mình có đang mang mầm bệnh hay không”, vị chuyên gia nói thêm.

Theo PGS Hùng, khi số ca nhiễm tăng cao, tình trạng nhiều người mắc Covid-19 diễn biến nặng và tử vong cũng có thể xảy ra. Dù Hà Nội có tốc độ tiêm vaccine khá nhanh, vẫn có tỷ lệ nhỏ trường hợp sau khi nhiễm virus xuất hiện các triệu chứng nặng, nguy kịch.

Vấn đề trong cách tiếp cận dịch của Hà Nội

Mới đây, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đã đánh giá trong năm 2021, công tác chống dịch của thành phố còn bộc lộ nhiều lúng túng, bất cập.

PGS Hùng nhận định: “Vấn đề của Hà Nội hiện nay là việc tổ chức tiếp nhận, điều trị trong tình huống dịch Covid-19 bùng phát còn chưa phù hợp. Khi số ca nhiễm còn ít, chúng ta có thể tổ chức cách ly tập trung. Tuy nhiên, ở thời điểm số ca tăng nhanh, thậm chí hàng nghìn người như hiện nay, thành phố không thể cách ly tập trung hết được. Nhất là khi hầu hết người nhiễm ở thể nhẹ và không triệu chứng”.

Theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, việc tiếp tục cách ly tập trung có thể sẽ gây quá tải cho các trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến… Thành phố không thể mở rộng cơ sở cách ly kịp với tốc độ lây lan của virus.

giai phap giam ty le tu vong tai ha noi anh 3

Cán bộ tại một trạm y tế phường trên địa bàn Hà Nội bận rộn trong công tác đưa đón F1, F0 tới điểm cách ly tập trung. Ảnh: Hải Nam.

Bên cạnh đó là vấn đề con người. Với tình hình dịch hiện nay, số lượng nhân viên y tế của thành phố đôi khi không thể đảm bảo việc sử dụng phương tiện phòng hộ, công tác tư vấn hay thuần thục kỹ thuật.

“Mặt khác, chúng ta lại phải tập trung nhân lực cho những trường hợp có thể tự chăm sóc bản thân. Đây là một nghịch lý. Chỉ khoảng 20% F0 được cách ly tại nhà là con số quá thấp. Việc thí điểm cũng quá lâu trong khi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí thế giới đã áp dụng hiệu quả từ lâu”, PGS Hùng nói.

Theo vị chuyên gia này, khi làm tốt công tác cách ly tại nhà, tình trạng quá tải trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến sẽ không còn. Khi đó, ngành y tế mới có thể tập trung phát hiện, chăm sóc, điều trị các trường hợp diễn biến nặng, từ đây đáp ứng tình hình dịch.

“Nếu cứ loay hoay với cách ly, theo dõi F0 thể nhẹ, không triệu chứng, chúng ta sẽ làm lãng phí nguồn lực. Nếu rơi vào tình trạng quá tải, thành phố sẽ rất khó chăm sóc người bệnh an toàn”, ông nhấn mạnh.

Giải pháp giảm tỷ lệ tử vong

Theo PGS Nguyễn Việt Hùng, vấn đề về chuyên môn kỹ thuật, hồi sức cấp cứu không phải điều quá sức với ngành y tế. Tuy nhiên, vấn đề chính là các trường hợp diễn biến nặng phải được phát hiện kịp thời.

“Nếu bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện tầng 2, 3 quá muộn, tình trạng nặng có thể thành rất nặng, rất nặng thành nguy kịch, từ đó dẫn đến nguy cơ tử vong”, ông cho hay.

giai phap giam ty le tu vong tai ha noi anh 4

Bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu và khuyến cáo từ Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người nhiễm SARS-CoV-2 nên được sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir sớm.

Ông Hùng nói: “Hiện nay, việc tiếp cận thuốc kháng virus của Hà Nội còn khá chậm. Nhiều F0 chưa được cấp thuốc dẫn đến tình trạng bày bán thuốc trôi nổi tại chợ đen cùng mức giá ‘cắt cổ’, không đảm bảo chất lượng điều trị”.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng còn một tỷ lệ nhất định người trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19.

“Những trường hợp này thường ở nhóm cao tuổi hoặc có bệnh lý nền nặng. Họ có thể bị chỉ định trì hoãn tiêm trong chiến dịch tiêm chủng vừa qua. Thực tế, đây là những người có nguy cơ diễn biến nặng và tử vong cao nếu không may nhiễm nCoV”, PGS Hùng nói.

Do đó, ông cho rằng Hà Nội cần thống kê lại và tiếp tục tổ chức, tạo điều kiện cho nhóm này được tiêm đủ liều vaccine.


557 ca cộng đồng được phát hiện tại Hà Nội

Quận Hai Bà Trưng là địa phương dẫn đầu thành phố về số ca nhiễm mới với 287 trường hợp.

Thêm 15.215 người mắc nCoV, Việt Nam vượt mốc 1,5 triệu ca

Bến Tre (1.246), Cà Mau (1.071) vượt qua TP.HCM (1.040) dẫn đầu cả nước. Hà Nội hôm nay ghi nhận 535 ca mắc mới.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm