Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loét dạ dày vì thuốc giảm đau

Nhiều người tự ý sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài khiến tình trạng viêm loét nghiêm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Phát hiện 10 ổ loét dạ dày trong bụng bệnh nhân

Ông K.W. (62 tuổi, người Hàn Quốc) nhập viện ngày 7/4 trong tình trạng đau tức ngực, khó thở. Kết quả nội soi tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec phát hiện 10 ổ loét khác nhau ở nhiều nơi trên thân vị, hang vị, bờ cong vị, tâm vị. Rất nhiều ổ loét đang chảy máu trên diện rộng.

Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện đi ngoài phân đen, nôn ra nhiều máu tươi, kèm theo tụt huyết áp. 

Theo các bác sĩ, bệnh nhân có tiền sử bị tăng huyết áp và viêm đa khớp mãn tính. Đặc biệt người này thường xuyên uống thuốc giảm đau khi nhức khớp, nhiều lần tự mua thuốc uống mà không đi khám bác sĩ.  

Trước đó, ông K. từng bị đi ngoài phân đen nên đã kết hợp về Hàn Quốc kiểm tra, soi dạ dày. Hiện tại ông đang điều trị theo đơn thuốc này.

 Có tới hơn 10 ổ loét trong dạ dày, ông K.W được Vinmec cấp cứu và điều trị kịp thời nên đã hồi phục hoàn toàn.
Có tới hơn 10 ổ loét trong dạ dày, ông K.W được Vinmec cấp cứu và điều trị kịp thời nên đã hồi phục hoàn toàn.

Tự ý dùng thuốc nguy hại khôn lường

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, nhận định các ổ loét dạ dày này chính là hậu quả của việc lạm dụng loại thuốc giảm đau.

"Các thuốc giảm đau kháng viêm trong điều trị khớp thường gây ra tác dụng phụ là gây viêm loét chảy máu dạ dày như trường hợp ông K. Vì thế, khi chỉ định sử dụng thuốc cho người bệnh điều trị khớp, các bác sĩ thường hỏi người bệnh xem có bị bệnh dạ dày hay không, và thường kê kèm với thuốc bảo vệ dạ dày. Nếu không tuân thủ điều trị chặt chẽ, viêm loét dạ dày là điều rất dễ xảy ra", bác sĩ Hương nói.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, khoa Ngoại tiêu hóa, cho biết thêm: “Theo một số nghiên cứu, khoảng 15% người bị bệnh khớp bị viêm loét dạ dày. Tỷ lệ này có xu hướng tăng do nhiều người sử dụng thuốc mà không hiểu về thuốc, hoặc tự ý dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cũng có thêm tình trạng  người bệnh đau khớp chỉ đi khám một lần. Lần sau, họ mua thuốc theo đơn thuốc cũ mà không có tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Trong khi đó, bệnh có thể diễn biến khác nhau ở từng thời điểm, cần được bác sĩ điều chỉnh thuốc uống mới đạt hiệu quả và tránh những tác dụng phụ không mong muốn".

Bác sĩ Khánh khuyến cáo các thuốc điều trị khớp nên được uống sau khi ăn cơm, tuyệt đối tránh khi đói. Ngoài ra, người bệnh cần giảm căng thẳng, tránh những tác động tiêu cực khiến bệnh nặng thêm và có thể gây ra những đợt viêm loét cấp, chảy máu dồn dập, ảnh hưởng thậm chí tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

HQ

Bạn có thể quan tâm