Ngày 3/1, nhóm nhạc nữ GOT the beat chính thức phát hành đĩa đơn Step Back. GOT the beat là nhóm nhỏ đầu tiên được ra mắt từ dự án Girls On Top (GOT) của SM Entertainment. Thông qua dự án, thành viên trong nhiều nhóm nhạc nữ khác nhau do SM Entertainment quản lý có cơ hội hợp tác để phát hành sản phẩm âm nhạc.
Sự kết hợp của 7 ngôi sao nữ được đánh giá như "thần tượng chủ chốt" tại SM - ca sĩ solo BoA, Tae Yeon và Hyo Yeon (SNSD), Seul Gi và Wendy (Red Velvet), Karina và Winter (aespa) - càng làm gia tăng kỳ vọng của người hâm mộ dành cho nhóm. GOT the beat được khán giả mệnh danh là "một trong những nhóm nhạc nữ tài năng và đặc biệt nhất Kpop".
GOT the beat quy tụ những thần tượng nữ nổi tiếng và tài năng tại SM Entertainment. Ảnh: @GOT_archive. |
Ngày 1/1, GOT the beat có màn trình diễn đầu tiên trong buổi concert chào năm mới SMTOWN Live 2022: SMCU Express @ Kwangya do SM tổ chức. Tuy âm nhạc, màn trình diễn và kỹ năng thanh nhạc của GOT the beat nhận vô số lời khen ngợi, lời bài hát Step Back lại trở thành chủ đề gây tranh cãi gay gắt.
Lời ca lạc hậu, hạ thấp phụ nữ
Ca khúc Step Back được viết dưới góc nhìn của người phụ nữ, với lời ca cáo buộc một cô gái đang cố gắng tán tỉnh bạn trai của cô ấy, cảnh cáo tất cả phụ nữ khác "hãy lùi lại".
"Tôi chắc chắn bạn đã cố tình tán tỉnh một chút", lời bài hát giải thích lý do người bạn trai từng phải lòng cô gái khác trong quá khứ. Một số lời ca gây tranh cãi khác trong Step Back gồm "người đàn ông của tôi ở một đẳng cấp khác", "bạn tựa như liều thuốc độc đối với các chàng trai ngoan", "con trai ai cũng giống nhau, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía tôi khi tôi xuất hiện".
Lời hát của Step Back khiến không ít người hâm mộ cảm thấy bối rối, đặc biệt khi ca khúc vốn được giới thiệu như "bài hát ca ngợi người phụ nữ luôn kiêu hãnh và tràn đầy niềm tự tin".
"Trong ca khúc hát về hình ảnh người phụ nữ tự tin, tôi lại không thể đếm nổi số lần họ đề cập tới đàn ông từ đầu đến cuối bài hát", Korea JoongAng Daily trích dẫn bình luận nhận nhiều sự ủng hộ trên một diễn đàn trực tuyến.
Thực tế, giai điệu của Step Back thu về vô số đánh giá tích cực, các thành viên lần lượt thể hiện những nốt cao đầy ấn tượng xuyên suốt ca khúc. Một số người hâm mộ than thở rằng "mọi thứ về Step Back đều hoàn hảo, ngoại trừ lời bài hát".
"Tôi không hiểu tại sao Step Back được quảng bá như sản phẩm âm nhạc tôn vinh sức mạnh phụ nữ", khán giả nhận xét.
Chung, người hâm mộ lâu năm của các thần tượng tại SM Entertainment, chia sẻ cùng Korea JoongAng Daily: "Với đội hình ca sĩ chất lượng và âm nhạc hoành tráng như này, không lẽ 'tránh xa khỏi người đàn ông của tôi' là lời bài hát hay nhất mà họ có thể nghĩ ra?".
Chung cho biết trong tưởng tượng ban đầu, cô nghĩ Step Back là ca khúc nói về việc phô diễn, thể hiện tài năng và vẻ đẹp của các thành viên. Tuy nhiên, xuyên suốt bài hát, họ liên tục đề cập tới việc thu hút chú ý từ nam giới để chứng minh lòng tự tin của họ.
Khán giả cho rằng lời bài hát ca khúc Step Back quá lỗi thời. Ảnh: SM Entertainment. |
"Cách phụ nữ trong ca khúc thể hiện quan điểm đem lại cảm giác thực chất cô ấy thiếu tự tin với mối quan hệ tình cảm, và lời bài hát thật lạc hậu", Chung nhận xét.
Bước tiến lùi của SM
"Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều ca khúc có lời bài hát tương tự, chủ yếu trong khoảng thời gian đầu những năm 2000", nhà phê bình văn hóa nhạc pop Kim Heon Sik chỉ ra.
Theo nhà phê bình Kim, việc một cô gái kiên quyết bảo những người phụ nữ khác "đừng chạm vào người đàn ông của tôi" từng là xu hướng tại thời điểm đó. Tuy nhiên, quan điểm của nữ giới tại thời điểm hiện tại đã thay đổi, phát triển thành phụ nữ công khai bày tỏ mong muốn và ý kiến của họ. Thay vì hai người phụ nữ cùng công kích nhau để tranh giành một người đàn ông, không ít cô gái cho rằng họ nên đề cao giá trị bản thân, không hạ thấp phụ nữ khác.
"Tôi không chắc liệu Step Back có diễn tả hình tượng người phụ nữ tự tin mà mọi người muốn thấy trong thời đại ngày nay không", nhà phê bình Kim bày tỏ.
Một lý do khác khiến công chúng thất vọng với phần lời của Step Back là từ trước đến nay, nghệ sĩ nữ của SM thường nhận nhiều lời khen ngợi khi trình diễn những ca khúc nói về người phụ nữ tự tin và độc lập.
Bản hit năm 2005 Girls On Top của BoA - ca khúc truyền cảm hứng cho tiêu đề của dự án Girls On Top - thể hiện hình ảnh người phụ nữ trẻ không chịu bó buộc trong những gì người khác mong đợi ở mình. Hiện Girls On Top vẫn là một trong số ca khúc ca ngợi sức mạnh phụ nữ nổi tiếng nhất tại Kpop.
Next Level và Savage của aespa hát về việc không bỏ cuộc dù đối mặt với nghịch cảnh, trong khi ca khúc Weekend do Tae Yeon thể hiện miêu tả việc không ngần ngại làm những điều bản thân yêu thích. Xem xét loạt ca khúc của nghệ sĩ nữ tại SM, công chúng nhận xét Step Back "thậm chí còn lỗi thời hơn bản hit ra mắt năm 2005".
Ca sĩ nữ của SM Entertainment từng thể hiện nhiều ca khúc tôn vinh sức mạnh người phụ nữ. Ảnh: Naver. |
Đánh giá sai lầm về phụ nữ
Không chỉ bày tỏ sự thất vọng, khán giả thậm chí cáo buộc ca khúc đang thể hiện tâm lý phân biệt giới tính xuất phát từ định kiến giới vốn ăn quá sâu vào xã hội, văn hóa, môi trường sống, cách con người được nuôi dạy và trưởng thành. Một ví dụ điển hình là phần lời ca công kích phụ nữ khác, buộc tội cô ấy là người cố tình tán tỉnh trước, xen vào giữa mối quan hệ trong Step Back.
Những người phản đối ca khúc cho rằng câu nói cổ hủ "phụ nữ là kẻ thù tồi tệ nhất của phụ nữ" mà Step Back sử dụng vốn được đem ra để khẳng định nữ giới không có khả năng tạo dựng mối quan hệ chân thành với nhau trong xã hội, hoặc thực sự hỗ trợ lẫn nhau.
Nhà phê bình Kim phân tích: "Đôi khi, phong cách một nhóm nhạc thần tượng theo đuổi và cách họ thể hiện điều ấy trong thực tế lại không trùng khớp với nhau. Họ (GOT the beat) muốn miêu tả hình tượng nữ giới độc lập và tự tin - chủ đề phổ biến trong ngày nay".
Tuy nhiên, theo Kim, người hâm mộ nữ sẽ không yêu thích Step Back, cho rằng đây là bài hát thể hiện sự tự tin chỉ vì ca khúc "bao gồm hình ảnh một phụ nữ cảnh báo một cách tự tin rằng người phụ nữ khác cần phải lùi bước".
Khi câu chuyện xoay quanh nữ giới đã trở thành xu hướng ở nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc trong những năm gần đây, nhà phê bình Kim hy vọng các cuộc tranh cãi, bàn luận quy mô nhỏ với chủ đề tương tự có thể tiếp tục diễn ra.
"Sẽ có những bài hát, tác phẩm điện ảnh và series phim cố gắng bắt kịp xu hướng, nhưng lại không hoàn toàn thấu hiểu góc nhìn thực sự của nữ giới. Những điểm khác biệt nhỏ nhặt và bối cảnh rất quan trọng. Nếu nhà sản xuất nội dung không hiểu đúng về sự phát triển trong quan điểm của phụ nữ, họ sẽ đưa ra đánh giá sai lầm như này", Kim chia sẻ.
Công chúng cần tiếp tục chỉ ra những cách hiểu sai lệch về phụ nữ trong truyền thông. Ảnh: SM Entertainment. |