Khi bác sĩ Nesli Basgoz, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, lần đầu tiên gặp bệnh nhân vào tháng 5, người đàn ông này đã nhập viện với các triệu chứng khá phổ biến ở nhiều bệnh truyền nhiễm - sốt, phát ban, mệt mỏi, đổ mồ hôi.
Bà Basgoz và các cộng sự xét nghiệm bệnh thủy đậu cho anh. Kết quả là âm tính. Họ tiếp tục xét nghiệm giang mai. Kết quả vẫn không đổi.
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus - phác đồ vốn được dùng với những bệnh truyền nhiễm thông thường - trong khi chờ các kết quả xét nghiệm khác. Nhưng tình trạng của người bệnh không cải thiện.
Qua nhiều ngày, TS Basgoz nhận thấy vết phát ban của bệnh nhân đã thay đổi về diện mạo. Ngay lúc đó, bà biết anh ta không mắc bệnh thông thường. Tâm trí của vị bác sĩ quay cuồng, bắt đầu sắp xếp các mảnh ghép với nhau.
“Tổn thương da, còn được gọi là mụn mủ, bắt đầu có vết lõm, đó là đặc điểm có thể thấy ở người nhiễm virus thủy đậu. Nhưng các phác đồ điều trị thông thường không cải thiện tình trạng bệnh của anh ấy. Kết quả xét nghiệm những bệnh nhiễm trùng thông thường là âm tính. Các vết phát ban thay đổi. Tất cả đều hướng tới kết luận khả dĩ nhất đây có thể là một loại virus thủy đậu”, CNN dẫn lời vị chuyên gia.
Và đây cũng chính là khoảnh khắc bất ngờ với bác sĩ Nesli Basgoz.
Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ gồm phát ban sau đó nổi thành các mụn nước chứa đầy mủ. Ảnh: VisualDx. |
Các triệu chứng xuất hiện tinh vi hơn
Bệnh nhân mà TS Basgoz mô tả là "một người đàn ông tương đối trẻ và khỏe mạnh" từng đến Canada trước khi trở thành người đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ của Mỹ trong đợt bùng phát này. Đến nay, giới chức y tế toàn cầu đã xác định được hơn 1.200 bệnh nhân ở ít nhất 31 quốc gia.
Khi virus đậu mùa khỉ lây lan, một số bác sĩ và quan chức y tế công cộng nhận thấy bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ hơn có thể bị nhầm với nhiều bệnh khác. TS Basgoz cho biết hai yếu tố có thể giúp giải thích tại sao căn bệnh này có triệu chứng tinh vi hơn.
“Lý do chính là chủng Tây Phi gây ra làn sóng này thường có biểu hiện nhẹ hơn chủng Trung Phi. Lý do thứ hai là trong số những người được báo cáo, đa số đều tương đối trẻ và khỏe mạnh. Khi họ bị nhiễm trùng, tình trạng cũng nhẹ hơn so với nhóm lớn tuổi hoặc đang mắc bệnh lý nền khác”, TS Basgoz giải thích.
Theo CDC, bệnh đậu mùa lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, vết loét trên cơ thể của người đã bị nhiễm bệnh, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các vật liệu có dính dịch tiết hoặc vết loét như ga trải giường, quần áo. Nó có thể lây qua “nước bọt hoặc giọt bắn từ đường hô hấp” khi tiếp xúc trực diện. Nhưng những giọt bắn "nhanh chóng thoát ra ngoài không khí" và phương pháp lây truyền này có vẻ không phổ biến.
CDC đánh giá nguy cơ đối với công chúng vẫn còn thấp, nhưng các chuyên gia sức khỏe khác cảnh báo nên cảnh giác với những bệnh nhân bị phát ban hoặc mắc bệnh liên quan đậu mùa khỉ.
"Trong lịch sử, những người mắc đậu mùa khỉ báo cáo các triệu chứng giống cúm, như sốt, đau nhức cơ thể và sưng hạch, trước khi phát ban lan tỏa đặc trưng xuất hiện trên nhiều vị trí của cơ thể, thường ở mặt, cánh tay và bàn tay. Nhưng trong đợt bùng phát hiện tại, một số bệnh nhân bị phát ban cục bộ, thường xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn, trước khi có triệu chứng giống cúm. Một số thậm chí chỉ bị phát ban”, Giám đốc CDC, tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết.
TS Rochelle Walensky nói thêm với một số bệnh nhân, phát ban không phải lúc nào cũng mở rộng ra khỏi vị trí ban đầu đến các bộ phận khác của cơ thể, nó có thể chỉ xuất hiện ở một vài bộ phận, vị trí. Bản thân những tổn thương này có thể bị nhầm lẫn với bệnh thủy đậu, herpes, giang mai.
Virus đậu mùa khỉ được xác nhận đang lây lan trong cộng đồng tại Mỹ với mức độ thấp. Ảnh: CDC. |
Cần tăng cường kiểm tra bệnh đậu mùa trên khỉ
45 bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được xác định ở Mỹ, thuộc 15 tiểu bang và Washington. Virus có vẻ như không lây lan ở khu vực cụ thể.
Ít nhất 75% ca bệnh ở Mỹ báo cáo họ có thể đã tiếp xúc virus trong lúc du lịch quốc tế. Một số bệnh nhân khác cho hay họ đã tiếp xúc nguồn lây đã biết, họ được xác định thông qua truy vết.
Nhưng cũng có một số bệnh nhân không rõ mắc bệnh đậu mùa khỉ như thế nào. Các chuyên gia cho rằng điều này phản ánh bệnh đang lây truyền trong cộng đồng ở mức thấp.
Ngày 5/6, CDC công bố báo cáo cho thấy 17 ca mắc ở 9 tiểu bang đều có chung triệu chứng là phát ban. Hầu hết là đồng tính nam, song tính hoặc nam giới quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Điều này phản ánh sự du nhập sớm của bệnh đậu mùa khỉ vào cộng đồng.
"Tuy nhiên, sự lây nhiễm thường không chỉ giới hạn ở một số khu vực địa lý hoặc nhóm dân cư nhất định; bởi tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh có thể lây bệnh đậu mùa khỉ, bất kỳ người nào, không phân biệt giới tính hoặc khuynh hướng tình dục, đều có thể mắc bệnh và lây lan bệnh đậu mùa khỉ", báo cáo viết.
TS Basgoz hy vọng mọi người nhận thức được các triệu chứng bệnh đậu mùa ở khỉ và hiểu rằng nguy cơ đang khá thấp, không được kỳ thị căn bệnh này. Bởi xung quanh chúng ta có hàng nghìn tỷ vi sinh vật, virus khác nhau. Hàng tỷ con còn sống trong cơ thể chúng ta mà không ai nhận ra.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).