Một lính cứu hỏa trong đám cháy ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhận định “biến đổi khí hậu đang nằm ngoài tầm kiểm soát”, Guardian đưa tin ngày 7/7.
Tuyên bố được đưa ra khi một phân tích dữ liệu không chính thức cho thấy nhiệt độ trung bình của thế giới trong 7 ngày, tính đến hôm 5/7, được ghi nhận là tuần nóng nhất.
“Nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn các biện pháp quan trọng cần thiết, tôi nghĩ rằng chúng ta đang rơi vào một tình huống thảm khốc, như hai kỷ lục nhiệt độ gần đây nhất chứng minh”, ông António Guterres nói.
Trước đó, kỷ lục nhiệt độ thế giới đã bị phá vỡ vào hôm 3-4/7.
Hôm 3/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C (62,62 độ F), mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận. Vào ngày 4/7, nhiệt độ trung bình thậm chí còn tăng cao hơn nữa, đạt 17,18 độ C, theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ.
Kỷ lục trước đó là 16,92 độ C được thiết lập vào tháng 8/2016.
Trong khoảng thời gian 7 ngày kết thúc vào hôm 5/7, nhiệt độ trung bình hàng ngày cao hơn so với bất cứ tuần nào trong 44 năm được ghi nhận, theo dữ liệu của Climate Reanalyzer.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) - cơ quan có số liệu được coi là tiêu chuẩn vàng trong dữ liệu khí hậu - cho biết hôm 6/7 rằng họ không thể xác thực các con số không chính thức.
Dù vậy, NOAA cảnh báo: “Chúng tôi nhận ra chúng ta đang ở trong thời kỳ ấm áp do biến đổi khí hậu, kết hợp với hiện tượng El Nino và điều kiện mùa hè nóng bức. Chúng ta đang chứng kiến nhiệt độ bề mặt ấm kỷ lục được ghi nhận tại nhiều địa điểm trên toàn cầu”.
Các nhà khoa học đồng ý rằng biến đổi khí hậu đang lan rộng tới những nơi chưa được khám phá và nhiệt độ tăng lên từ quá trình nóng lên toàn cầu do con người gây ra, kết hợp với sự quay trở lại của El Niño. Những yếu tố này có thể dẫn đến kỷ lục nhiệt độ tiếp tục bị phá vỡ.
“Rất có thể tháng 7 sẽ là tháng nóng nhất từ trước đến nay… ‘từ trước đến nay' có nghĩa là kể từ kỷ Eemian, khoảng 120.000 năm trước”, Tiến sĩ Karsten Haustein, nhà nghiên cứu về bức xạ khí quyển tại Đại học Leipzig, cho biết.
Nhiều nơi trên thế giới đã trải qua những đợt nắng nóng và vào hôm 6/7.
Miền Nam Mỹ đang phải chịu một đợt nắng nóng gay gắt trong những tuần gần đây. Ở một số vùng của Trung Quốc, đợt nắng nóng kéo dài vẫn tiếp diễn, với nhiệt độ lên tới trên 35 độ C.
Một trong những yếu tố góp phần lớn nhất vào kỷ lục nhiệt của tuần này là mùa đông đặc biệt ôn hòa ở Nam Cực.
“Nhiệt độ trên đại dương và đặc biệt quanh Nam Cực trong tuần này bất thường, bởi các luồng gió trên Nam Đại Dương đang thổi mạnh đẩy không khí ấm xuống sâu hơn về phía nam”, Raghu Murtugudde, giáo sư khoa học khí quyển, đại dương và hệ thống trái đất tại Đại học Maryland, nói.
Chari Vijayaraghavan, nhà giáo dục và thám hiểm vùng cực, thường xuyên đến thăm Bắc Cực và Nam Cực trong 10 năm qua, cho biết sự nóng lên toàn cầu là điều hiển nhiên ở cả hai cực. Nó đe dọa động vật hoang dã trong khu vực cũng như khiến băng tan, làm tăng mực nước biển.
“Khí hậu ấm lên có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh ngày càng tăng, như cúm gia cầm lan rộng ở Nam Cực. Nó sẽ gây hậu quả tàn khốc cho chim cánh cụt và các loài động vật khác trong khu vực”, Vijayaraghavan cho hay.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.