Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Lời đáp trả của cô gái bại não trước câu nói 'cho nó đi học làm gì?'

“Mình luôn nghĩ mình giống mọi người, mình không khác biệt, mình chỉ yếu hơn về mặt sức khỏe. Mọi người làm được gì thì mình cũng có thể làm được", Thúy Vy chia sẻ.

6h hàng ngày, Đinh Thúy Vy (25 tuổi, TP.HCM) thức dậy, vệ sinh cá nhân, sắm sửa quần áo và chuẩn bị cơm trưa. Đúng 7h, cô lên xe và đi làm. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, ai cũng nghĩ Vy là cô nàng công sở bình thường như bao người khác. Thế nhưng, thực tế, Vy lại là một người bại não.

“Mình là người khuyết tật! Nhưng mình lại yêu cái sự khuyết tật của bản thân vô cùng và tự hào về những khiếm khuyết đó", Thúy Vy chia sẻ với ZNews.

nu sinh bai nao anh 1

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, ai cũng nghĩ Vy là cô nàng công sở bình thường như bao người khác. Ảnh: Nhi Ngờ.

“Mình được đi học"

Thúy Vy lớn lên trong gia đình có mẹ làm giáo viên, ba làm công việc tự do. Ngày cô chào đời, mẹ bị tăng huyết áp đột ngột, buộc các bác sĩ phải sử dụng dụng cụ y tế để đưa em bé ra ngoài.

Không may mắn, dụng cụ y tế chạm vào vùng đầu, dây thần kinh vận động bị ảnh hưởng, Vy trở thành người bại não, yếu nửa người.

Hơn một tuổi, Vy bắt đầu tập đi. Thế nhưng, căn bệnh khiến Vy suy giảm khả năng vận động. Cả tuổi thơ của cô gắn liền với phòng vật lý trị liệu. Phải mất 5-6 năm, Vy mới có thể đi đứng được. Và đến tận năm 8 tuổi, Vy mới được học lớp 1. Một phần vì cơ thể yếu, một phần vì không trường nào nhận.

“Mình khao khát được học! Suốt 3 tháng hè năm 2006, mẹ chở mình trên chiếc xe máy, rong ruổi đi khắp quận 2 để xin học, nhưng không một trường nào nhận với đủ lý do”, Vy nhớ lại.

Mẹ của Vy gần như tuyệt vọng, bởi bà hiểu con mình - một đứa trẻ có trí tuệ hoàn toàn bình thường, đã biết đọc, biết viết từ khi 6 tuổi. Bà không muốn con học ở ngôi trường chuyện biệt, dành riêng cho người khuyết tật. Vy hoàn toàn có thể theo học ở ngôi trường bình thường như các bạn cùng trang lứa.

“Mình không nhớ 2 mẹ con đã đi bao nhiêu trường nữa, nhưng mình nhớ khoảnh khắc được mua bút, vở mới, được thử chiếc váy đồng phục đầu tiên. Cứ ngỡ là mẹ chỉ mua để mình vui, để con gái không tủi thân, nhưng không, cô hiệu trưởng tại một trường tiểu học gần nhà đã nhận mình. Mình được đi học”, Vy chia sẻ.

“Cho nó đi học làm gì?”

Ngày đầu tiên đến trường, Vy khóc, phần vì xa ba mẹ, phần vì nhận thức được mình khác các bạn. Cô phải đi chậm, bước nhỏ. Bàn tay phải yếu, Vy phải viết bằng tay trái, chậm hơn, lâu hơn các bạn khác. Việc nói chuyện, giao tiếp cũng gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng, thật may mắn, suốt những năm tháng phổ thông, Vy chưa từng bị bạn học xa lánh, kỳ thị. Đương nhiên, hành trình đó cũng không ngọt ngào khi cô vẫn chịu sự phân biệt đối xử từ một vài người lớn.

Vy chẳng thể quên những câu nói kiểu “Nó có biết cái gì đâu, cho nó đi học làm cái gì?”, “Nó như thế thì học lên cấp 3 cũng chẳng làm gì được".

Hay lần thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn Tiếng Anh, dù rất có năng khiếu ở môn này, một giáo viên đã mặc định Vy không thi được, không viết kịp đâu, không thể chọn vào đội tuyển.

Đáp lại tất cả, Vy không ngừng mạnh mẽ và nỗ lực. Cô hoàn thành tiểu học, THCS, tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào ngành Bảo hiểm, Đại học Lao động Xã hội (cơ sở 2).

“Mình luôn nghĩ mình giống mọi người, mình không khác biệt, mình chỉ yếu hơn về mặt sức khỏe. Mọi người làm được gì thì mình cũng có thể làm được", Vy khẳng định.

Tháng 6/2022, Vy tốt nghiệp đại học, điểm tổng kết đạt loại khá. Đó là thành quả của 4 năm nỗ lực không ngừng nghỉ. Nữ sinh phải tập sống tự lập, ở tại ký túc xá của trường và học gấp 3 lần người khác.

nu sinh bai nao anh 2

Thúy Vy trong lễ tốt nghiệp đại học hồi tháng 10/2022. Ảnh: NVCC.

“Một cơ thể không hoàn hảo không hẳn là sự bất hạnh”

Tốt nghiệp đại học, Vy bắt đầu đi làm. Thế nhưng, như nhiều cử nhân tốt nghiệp năm 2022, Vy gặp làn sóng sa thải. Càng khó khăn hơn khi nhiều doanh nghiệp ngại ứng viên là người khuyết tật, Vy lại liều lĩnh khi chọn công việc trái ngành.

“Bốn năm đại học, mình nhận ra bản thân phù hợp với công việc viết lách, truyền thông và quyết định theo đuổi nó”, Vy cho biết cô rất thích môn Văn, nhưng tự ti vì viết chậm nên đã không dám đăng ký các ngành liên quan khi thi đại học.

Năm thứ 4, Vy chủ động tham gia các khóa học ngắn hạn về Content Marketing, làm cộng tác viên, freelancer và thực tập sinh để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức. Thế nhưng, dù rải CV đến nhiều nơi, Vy vẫn bị từ chối.

“Một số nơi liên hệ phỏng vấn ngay khi mình gửi CV. Nhưng sau đó, họ đều có lý do là không phù hợp, hoặc không phản hồi lại. Phải mất gần một năm sau khi tốt nghiệp, mình mới tìm được công việc chính thức đầu tiên, cũng là công ty hiện tại", Vy chia sẻ.

Đến nay, Vy gắn bó với công việc này 8 tháng. Mọi công việc được giao, cô đều cố gắng làm chỉn chu nhất. Cô đã có thu nhập, có thể đi đến những nơi mình thích, phụ giúp gia đình phần nào đó. Vy dự định một thời gian nữa, khi tích lũy đủ kinh tế, cô sẽ học thêm văn bằng 2 ngành Báo chí - Truyền thông và dự kiến học lên cao học.

“Đã có lúc, mình tưởng như không thể vượt qua được. Nhưng thật may, mình đã không bỏ cuộc, mọi cố gắng đã được đền đáp”, Vy xúc động.

Ngoài công việc hiện tại, Vy cùng một người bạn lập diễn đàn chia sẻ việc làm và khoá học cho các bạn khuyết tật. Cô cũng tham gia một số dự án với mục đích lan tỏa năng lượng tích cực của người khuyết tật đến cộng đồng.

“Một cơ thể không hoàn hảo không hẳn là sự bất hạnh. Người khuyết tật vẫn có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Họ có ước mơ, có đam mê và tài năng riêng, và họ rất tự tin theo đuổi những điều mình muốn”, Vy chia sẻ.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Giành học bổng thạc sĩ châu Âu khi chưa tốt nghiệp đại học

Tháng 9 tới, với học bổng danh giá nhất châu Âu - Erasmus Mundus - Ngân Hà (sinh viên năm 4, Đại học Khoa học Tự nhiên) sẽ sang Pháp du học thạc sĩ tại Đại học Paris Saclay.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm