Tối 30/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng bắt giữ Trần Thị Hoàng Anh (SN 1993, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Du lịch Nhi Anh) để điều tra, xử lý về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhà chức trách cũng đã khám xét nơi ở của Hoàng Anh tại phường Vị Xuyên, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.
Theo cơ quan điều tra, Công ty Nhi Anh không có chức năng, không được cấp phép tổ chức đưa người nước ngoài về Việt Nam nhưng năm 2021, Trần Thị Hoàng Anh thông qua nhiều kênh trực tiếp và gián tiếp để quảng bá dịch vụ này. Hàng chục công dân đã liên hệ trực tiếp hoặc thông qua các đầu mối trung gian để liên hệ với Hoàng Anh để đăng ký về nước thông qua các chuyến bay giải cứu.
Hoàng Anh đã yêu cầu mỗi khách hàng phải nộp số tiền “trọn gói” khoảng 50-70 triệu đồng, bao gồm tiền vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, chi phí cách ly…Do nóng lòng được về nước, hàng chục người tin tưởng chuyển cho Hoàng Anh số tiền nhiều tỷ đồng.
Để trấn an nạn nhân trong thời gian chờ đợi được giải cứu, Hoàng Anh đã sử dụng code máy bay và giả mạo các công văn của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 để khách hàng tin tưởng và tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Hoàng Anh hoặc của Công ty Nhi Anh.
Công an Đà Nẵng thực hiện bắt giữ Trần Thị Hoàng Anh tại Nam Định tối 30/10. |
Trao đổi với Zing về vụ việc, luật sư Dương Lê Ước An (Công ty luật Hợp danh Đại An Phát) cho biết hành vi của Trần Thị Hoàng Anh đã có đầy đủ các dấu hiệu về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo luật sư An, về mặt khách quan, đối tượng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng và nhu cầu về nước của những người Việt Nam ở nước ngoài và thông qua nhiều kênh trực tiếp hoặc gián tiếp để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hậu quả là mỗi nạn nhân mất 50-70 triệu đồng. Tiền được chuyển vào tài khoản của Hoàng Anh hoặc công ty Nhi Anh. Do nhiều người dân tin tưởng, Hoàng Anh đã chiếm đoạt được số tiền nhiều tỷ đồng.
“Mặt chủ quan, Hoàng Anh biết mình không có chức năng, nhiệm vụ cũng như không được cấp phép đưa người nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn ra căng thẳng và nhu cầu người Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về nước, Hoàng anh đã nảy ra ý định lợi dụng tình hình lúc bấy giờ để chiếm đoạt tài sản của người khác dưới hình thức chuyến bay giải cứu. Như vậy, lỗi ở đây được xác định là cố ý trực tiếp”, luật sư An phân tích.
Đặc biệt, đối tượng có mục đích rõ ràng và đã đạt được mục đích của mình là chiếm đoạt tài sản.
Về hình phạt, theo luật sư An, Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một số trường hợp cụ thể.
Trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt; hình phạt sẽ là phạt tù 2-7 năm.
Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt 7-15 năm.
Mức phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Như vậy, nếu chứng minh được có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy tính chất mức độ, mà Trần Thị Hoàng Anh có thể đối mặt các khung hình phạt nêu trên.
Luật sư An cho rằng: "Trần Thị Hoàng Anh chịu khung hình phạt nào còn phụ thuộc vào quá trình điều tra của Cơ quan CSĐT liên quan đến số tiền chiếm đoạt của bị can, mặt khác còn phụ thuộc vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong suốt quá trình tố tụng".
Ngoài ra, vị luật sư cho biết người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.