Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lợi hại giữa sinh thường và mổ

Nhiều mẹ bầu, đặc biệt là mang thai lần một, ở tuần cuối của thai kỳ đều lo lắng không biết nên đẻ mổ hay đẻ thường.

Chị Lê Khánh Hà (28 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) mang thai lần đầu. Trong khi nhiều chị em đồng nghiệp nói về việc đi đẻ và giữa đẻ thường và đẻ mổ, chị Hà định chọn đẻ mổ cho "nhàn". Tuy nhiên, mẹ đẻ và mẹ chồng chị Hà đều gạt đi, cho rằng phải đẻ thường mới tốt. Đẻ mổ chỉ dành cho người không biết đẻ, thai nhi to quá.

Đẻ thường tốt hơn?

Gần đẻ, chồng chị Hà đưa về quê sinh cho tiện chăm sóc. 39 tuần, chị Hà vỡ ối nên được gia đình đưa vào bệnh viện sinh. Đau bụng đẻ dữ dội, chị Hà chỉ muốn được mổ nhưng mẹ chồng đi bên cạnh vẫn động viên đẻ thường cho bé khoẻ, mẹ mau bình phục.

Sau khi tiêm cả mũi tiêm gây tê để đẻ không đau, chị Hà vẫn không thể đẻ thường được nên đành sinh mổ. Dù mẹ tròn, con vuông nhưng mỗi lần có người tới thăm, mẹ chồng chị đều thất vọng vì cháu được sinh mổ. Trong khi các chị dâu, chị gái của chồng đều sinh thường, cháu nội út phải dùng dao mới ra đời.

Bà nội thường xuyên lo lắng cháu sẽ hay ốm hơn những đứa trẻ sinh thường. Vì mẹ chồng luôn ca thán, bản thân chị Hà cũng stress theo.

Còn trường hợp của chị Nguyễn Thị An (27 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) thì khác. Chị An từ khi mang bầu đã nghĩ sẽ sinh thường cho thuận tự nhiên. Tuy nhiên, đến tuần thứ 35 của thai kỳ, chị An đi siêu âm, bác sĩ cho biết em bé nhau thai quấn cổ 2 vòng.

Cầm kết quả trên về nhà, ai cũng khuyên chị An đẻ mổ cho nhanh vì nhau quấn cổ. Chị An lên hội các mẹ mang thai tham khảo ý kiến thì đa phần đều cho rằng đẻ mổ cho nhàn.

Vì suy nghĩ đẻ mổ hay đẻ thường, chị An mất ngủ, lo lắng, tâm trạng lúc nào cũng sợ “ăn dao” vì sợ.

uu nhuoc diem giua sinh thuong va sinh mo anh 1
Ưu điểm của đẻ thường đó là bà mẹ phục hồi sau sinh nhanh.

Đến ngày gần sinh, chị vào bệnh viện bác sĩ động viên đẻ thường vì em bé chỉ 3 kg. Chị An nghe theo bác sĩ. Trước đó, chị An cũng học cách thở, rặn khi sinh thường, học các lớp tiền sản để có kinh nghiệm hơn trong cuộc đẻ. Nhờ chuẩn bị kỹ, cuộc sinh thường của chị An rất thuận lợi.

Khi sinh, chồng chị cũng được vào cùng với vợ để tăng thêm tinh thần cho vợ vượt cạn.

Bác sĩ nói gì?

Theo thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đẻ thường hay đẻ mổ đều được chỉ định cho từng người. Không phải đẻ thường là tốt hoàn toàn, cũng không phải đẻ mổ là xấu. Ví dụ, những trường hợp bắt buộc đẻ mổ như ngôi thai ngược, ngôi thai ngang, mẹ thấp bé, nhẹ cân nhưng thai to…

Nhiều bà mẹ có thai ở mức có thể đẻ thường, bác sĩ khuyến khích sinh thường. Ưu điểm của đẻ thường đó là bà mẹ phục hồi sau sinh nhanh, thường chỉ 6 giờ là đã có thể ngồi dậy tự đi lại, tự phục vụ. Đẻ thường xuất phát từ việc có những thay đổi của đồng thời cổ tử cung, cơn co âm đạo, nên có sự đồng bộ trong sự thay đổi của cơ thể để từ việc mang thai sang nuôi con bú. Bà mẹ có thể mang thai lại trong khoảng thời gian sớm.

uu nhuoc diem giua sinh thuong va sinh mo anh 2

Bác sĩ Cường cho rằng tiêu chí đầu tiên là cuộc đẻ phải an toàn.

Ưu điểm của đẻ mổ là có thể sinh theo giờ, theo ngày mình mong muốn. Người mẹ không phải trải qua quãng thời gian đau đẻ nhiều giờ, rặn đẻ vất vả, mệt mỏi và lo lắng. Sau sinh, bà mẹ không bị, hay rất ít bị són tiểu, sa sinh dục, tổn thương vùng kín do em bé đi ra ngoài qua đường này làm ảnh hưởng sinh hoạt vợ chồng.

Nhược điểm của đẻ thường là bị giãn rộng âm đạo, rách phức tạp tầng sinh môn làm thay đổi giải phẫu và dễ bị viêm nhiễm về sau. Đẻ thường cũng làm giảm ham muốn, giảm cảm giác khi quan hệ vợ chồng, vùng kín xấu hơn. Một số chị em bị sa sinh dục, sa tử cung, thành trực tràng, son tiểu sau sinh.

Còn nguy cơ của đẻ mổ, Thạc sĩ Cường cho biết phụ nữ sẽ có vết mổ ở thành bụng và trong tử cung làm có thể dính các tạng trong bụng do mổ đẻ, không thể mang thai và sinh quá nhiều lần. Những bệnh lý sản phụ khoa liên quan vết mổ đẻ ở trên tử cung như: Tụ dịch vết mổ đẻ cũ làm rong kinh, khó mang thai lần sau, chửa trên vết mổ đẻ cũ, rau bám vào vết mổ tạo thành rau cài răng lược rất nguy hiểm. Nguy cơ vỡ tử cung do vết mổ đẻ cũ, nếu mang thai quá to, hoặc đa thai ở những lần mang thai sau.

Để xử lý những ảnh hưởng sau sinh cho chị em, thạc sĩ Cường cho rằng tùy từng trường hợp. Một số trường hợp tổn thương do đẻ thường gây ra rất khó xử trí như rò bàng quang âm đạo, són tiểu, tổn thương rách cơ vòng hậu môn… Chúng luôn rất khó khăn để phục hồi được chất lượng cuộc sống tốt nhất cho chị em.

Những trường hợp liên quan mổ đẻ như rau cài răng lược cũng rất khó khăn. Về việc đẻ thường hay đẻ mổ tốt hơn, bác sĩ Cường cho rằng tiêu chí đầu tiên là cuộc đẻ phải an toàn. Đây là tiêu chí hàng đầu, tiêu chí số một.

Thai phụ nên biết lượng sức mình, nghe tư vấn của bác sĩ hoặc nữ hộ sinh, tiên lượng khả năng về việc sinh thường hay sinh mổ để lựa chọn phương pháp sinh phù hợp với mình nhất.

Nguy cơ vô sinh khi kinh nguyệt không đều

Lập gia đình đã lâu nhưng cô gái trẻ 2-3 tháng mới có kinh một lần. Khi cô đi khám, bác sĩ chẩn đoán cô khó có con vì hiếm muộn.

https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/sinh-mo-chi-danh-cho-nguoi-khong-biet-de-416062.html

Khánh Chi / Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm