Theo Giáo sư Peter Francis, các nghiên cứu trong suốt hơn một thế kỷ cho thấy việc thường xuyên đi chân đất khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe sau này của con người. Khi đi giày nhiều từ nhỏ, chân sẽ hẹp lại và có độ cong thấp hơn, tạo áp lực lớn hơn lên gót và ức bàn chân trong quá trình di chuyển. Ngược lại, trẻ đi chân trần nhiều sẽ có bàn chân rộng hơn, giúp áp lực phân bố đều ra rìa và trên các ngón.
Phần gót chân rất nhạy cảm với cơn đau. Do đó, khi chạy bằng chân trần, con người theo bản năng sẽ tránh tiếp đất bằng gót, mà dồn áp lực về giữa và đầu bàn chân, tạo diện tích lớn hơn để hấp thụ lực va chạm.
Việc đi chân đất có lợi cho sự phát triển của trẻ. Ảnh: Shutterstock. |
Để tránh tiếp đất bằng gót, chân sẽ không vươn ra trước cơ thể quá xa, khiến bước chạy ngắn hơn. Điều này giúp người chạy chân trần có đầu gối gập sâu hơn và bàn chân hướng về phía sàn. Tư thế này cho phép các cơ quanh đầu gối kiểm soát việc tiếp đất, cho mắt cá chân hoạt động như một lò xo.
Giày dép sẽ giảm cảm giác gót tiếp nhận khi va chạm với mặt đất. Giày chạy thường có đệm gót, cho phép người chạy tiếp đất bằng gót chân và bước chân dài hơn. Kết quả là lực được hấp thụ qua gót, cấu trúc xương và khớp, với ít sự trợ giúp hơn từ cơ bắp.
Trẻ em và thiếu niên đi chân đất nhiều sẽ có khả năng chạy nhanh và qua một quãng dài khi không đi giày. Đồng thời, điều này giúp giảm nguy cơ đau chân.
Việc không đi giày dép thường vấp phải rào cản về tâm lý ở nhiều quốc gia. Do đó, người trưởng thành không quen đi chân trần có thể không có cấu trúc bàn chân và sức lực để nhanh chóng chuyển sang các hoạt động này. Điều quan trọng là bạn cần từ từ tăng thời gian đi và chạy chân trần, hoặc sử dụng các loại giày được thiết kế tối giản - chỉ có tác dụng che phủ mà không đệm đỡ.