Theo Elle, nghệ được xem là nguyên liệu vàng nhờ đa dạng thành phần có lợi cho làn da và sức khỏe.
Trong hàng nghìn năm, nghệ đã được sử dụng để tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện các vấn đề về đường tiêu hóa, giảm viêm khớp, cải thiện bệnh tiểu đường và thậm chí giúp chữa các vấn đề về hô hấp. Không quá ngạc nhiên khi nó là thành phần phổ biến trong nhà bếp.
Điều làm cho nghệ có lợi thế trong mảng chăm sóc da là thành phần chính của nó - curcumin. Chất này có tác dụng chữa lành vết thương nhanh chóng bằng cách làm giảm tình trạng viêm và oxy hóa.
Nghệ vốn là thành phần nổi tiếng trong các sản phẩm chăm sóc da. Ảnh: Eminence. |
Tinh bột nghệ có lợi cho da như thế nào?
Bác sĩ da liễu Marina Peredo cho biết curcumin chứa đầy chất chống oxy hóa, chống viêm và chống vi khuẩn. "Nó làm tăng lưu lượng máu, mang lại cho làn da vẻ tươi sáng tự nhiên và có thể giúp chữa các bệnh viêm da như chàm, vẩy nến và mụn trứng cá", cô nói.
Về lợi ích của nghệ đối với làn da, Koestline cho biết thêm: "Bởi vì rất nhiều chứng rối loạn da có tính chất viêm, nghệ giúp giảm sưng, bọng mắt và mẩn đỏ. Ngoài ra, chất curcumin có đặc tính làm sáng giúp mờ vết thâm".
Morgan Rabach, bác sĩ da liễu được hội đồng chứng nhận đồng ý rằng nghệ thực sự có thể giúp làm giảm mẩn đỏ, viêm cũng như làm sáng và dịu da. Tuy nhiên, cần có nhiều khoa học hơn để xác nhận liệu nó có điều trị các tình trạng da bị viêm và tăng sắc tố hay không?
Như với bất kỳ thành phần chăm sóc da nào, các lợi ích có thể khác nhau tùy thuộc vào loại da và nhiều yếu tố. Nếu bạn gặp bất kỳ kích ứng nào, hãy liên hệ với bác sĩ da liễu trước khi thử sản phẩm nào khác có thành phần này.
Nghệ có giá thành rẻ, dễ tìm mua nên được nhiều người sử dụng để trị mụn, giảm thâm. Ảnh: Zee Zest. |
Lưu ý khi sử dụng nghệ trên da
Tiến sĩ Rabach nói: "Củ nghệ phù hợp với mọi loại da mặc dù cần thận trọng với da nhạy cảm hoặc dị ứng. Trước khi thêm nghệ vào quy trình chăm sóc da của bạn, hãy thử nồng độ nhỏ hơn trên cổ hoặc cánh tay trước khi sử dụng nó trên mặt".
Koestline cho biết hãy để nó trên da trong ít nhất bốn giờ, đợi 1-2 ngày và ngừng sử dụng nếu có bất kỳ vết mẩn đỏ, sưng tấy hoặc ngứa. "Nếu bạn không bị dị ứng với nghệ, hãy kiên trì sử dụng ít nhất 1 lần/ngày", bác sĩ nói thêm.
Mặt trái của việc sử dụng nghệ đối với da
Các chuyên gia đồng ý rằng nghệ khá dễ chịu. Tuy nhiên, mặt nạ tự làm có thành phần như nghệ, sữa chua Hy Lạp và mật ong trộn với nhau có thể khiến da bị xỉn màu.
Tiến sĩ Peredo khuyên: "Nếu bạn định đắp mặt nạ tại nhà với nghệ, chỉ nên để trên mặt tối đa 15 phút".
Nếu bạn vô tình làm bẩn da của mình do màu vàng trong củ nghệ, hãy yên tâm rằng có cách khắc phục dễ dàng. Koestline nói: "Vì curcumin có nguồn gốc từ dầu nên bạn dễ dàng loại bỏ vết bẩn bằng sữa rửa mặt hoặc dầu dưỡng làm sạch da".
Hầu hết nhà sản xuất đều sử dụng chất curcumin tinh khiết không màu nên sẽ không làm da bạn bị ố. Ngoài ra, các sản phẩm chăm sóc da cũng không có mùi hương quá nồng vì nghệ được trộn với nhiều thành phần khác.
Trước khi sử dụng bất kỳ thành phần chăm sóc da mới nào, bạn cần phải thử trước trên tay để hạn chế kích ứng. Ảnh: Well Good. |