Cầu Forth ở Edinburgh, Scotland là một biểu tượng mang đậm tính lịch sử, đang có nguy cơ bị đe dọa bởi thiên tai. Ảnh: @welcomtofife. |
Trong một phân tích do Climate X, tổ chức phân tích dữ liệu rủi ro khí hậu toàn cầu, thực hiện, các chuyên gia phát hiện rằng có tới 4 trong số 35 di sản UNESCO của Anh có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2050.
Sử dụng thuật toán trên nền tảng Spectra của Climate X để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với 500 di sản thiên nhiên và nhân tạo, các nhà phân tích mô phỏng tác động của 8 kịch bản nóng lên toàn cầu khác nhau, theo Independent.
Kết quả cho thấy di sản có nguy cơ cao nhất tại vương quốc Anh, đứng thứ 3 trong danh sách toàn cầu, là cầu Forth ở Edinburgh, Scotland. Đây là một công trình đại diện cho một cột mốc quan trọng trong thiết kế và xây dựng cầu trong thời kỳ Victoria.
Tuy nhiên, cây cầu đường sắt này đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt ven biển. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn công trình kiến trúc độc đáo này.
Quần đảo núi lửa St Kilda, cũng thuộc Scotland và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng toàn cầu, được dự báo sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Nguy cơ nước biển dâng có thể làm ảnh hưởng đến những vách đá cao, nơi các loài chim quý hiếm như chim hải âu và chim cốc biển đang làm tổ.
Di sản thứ ba ở Scotland xuất hiện trong danh sách này là New Lanark, một ngôi làng nhỏ từ thế kỷ 18. Nơi này được biết đến là một cộng đồng công nghiệp kiểu mẫu do nhà tư tưởng Robert Owen xây dựng.
Ngôi làng New Lanak ở Scotland đứng thứ 7 trong số 50 di sản có nguy cơ bị tàn phá. Ảnh: @what_did_we_see. |
Xếp thứ 7 trong top 50 trên toàn thế giới, ngôi làng đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất do biến đổi khí hậu gây ra.
Di sản cuối cùng của Anh có tên trong danh sách là công viên Hoàng gia Studley của Yorkshire, đứng ở vị trí thứ 27, với nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các cơn bão làm đe dọa quá trình bảo tồn nơi này.
Công viên này bao gồm tàn tích Tu viện Fountains từ thế kỷ 12 và các công trình kiến trúc khác từ nhiều thời kỳ trong lịch sử Anh. Tất cả được đặt trong một khung cảnh mà UNESCO miêu tả là "thật đẹp đẽ", được thiết kế vào thế kỷ 18.
Ngoài ra, danh sách này còn ghi nhận nhiều di sản nổi tiếng khác như Nhà hát Opera Sydney của Australia, Công viên Quốc gia Olympic ở bang Washington (Mỹ) và Vịnh hẹp Tây Na Uy.
Đứng ở vị trí đầu bảng có nguy cơ bị phá hủy do biến đổi khí hậu là các Tu viện Phật giáo Sansa ở Hàn Quốc. Ảnh: @history. |
Dẫn đầu danh sách các di sản thế giới UNESCO có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất là các Tu viện Phật giáo Sansa ở Hàn Quốc. Đây là những ngôi chùa linh thiêng được xây dựng thế kỷ thứ 7-9. Dữ liệu cho thấy chúng có thể bị đe dọa bởi lũ sông và lũ lụt dưới lòng đất.
Lukky Ahmed, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Climate X, cho biết những phát hiện này là một lời cảnh báo cho các chính phủ và nhiều tổ chức toàn cầu về tác động của biến đổi khí hậu đối với di sản văn hóa trên toàn thế giới.
“Tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu lên những di sản này là rất sâu sắc. Việc mất đi những báu vật văn hóa này chắc chắn sẽ là một thảm kịch”, Lukky nhấn mạnh.
Các di sản thế giới được công nhận bởi giá trị vượt trội đối với nhân loại, đồng thời thể hiện những di sản văn hóa, lịch sử phong phú và kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Danh hiệu UNESCO được trao nhằm khuyến khích việc bảo vệ và bảo tồn những địa điểm này, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chúng đối với con người.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.