Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời khai của Hoàng Văn Hưng tại phiên xử phúc thẩm

Ngày 25/12, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét kháng cáo của 21 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

Sau hơn 1 giờ công bố lại bản án sơ thẩm, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét hỏi bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an).

Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 25/12, bị cáo Hoàng Văn Hưng khai: "Ngày 7/8, bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án. Tuy nhiên, ngày 28/11, sau khi suy nghĩ, bị cáo đã thay đổi lại nội dung kháng cáo. Hôm nay, bị cáo mong muốn HĐXX, đại diện viện kiểm sát (VKS) xem xét cho bị cáo được hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo sớm về làm nghĩa vụ với gia đình”.

Sau lời khai này của Hưng, HĐXX hỏi: "Theo nội dung đơn kháng cáo, bị cáo đã thừa nhận mọi hành vi phạm tội, tác động gia đình khắc phục xong hậu quả đúng không?". Bị cáo Hưng "gật đầu" đồng ý.

Tự trình bày thêm, Hưng cho biết suốt thời gian tạm giam, bị cáo mắc rối loạn tâm lý do suy nghĩ nhiều, sức khỏe không được tốt. Bị cáo đã xin HĐXX cho phép được vắng mặt xuyên suốt thời gian phúc thẩm còn lại, đồng thời dành phần bào chữa cho luật sư và tôn trọng mọi phán quyết của tòa án.

Trả lời thêm câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát, Hưng bày tỏ nỗi ân hận, hối tiếc về hành vi phạm tội của mình. "Bị cáo đã tác động gia đình khắc phục hậu quả rồi", Hưng nói.

Bi cao Hoang Van Hung anh 1

Bị cáo Hoàng Văn Hưng khai tại tòa. Ảnh: CTV.

Trong cáo trạng, VKSND Tối cao cáo buộc sau khi vụ án “chuyến bay giải cứu” được khởi tố, các bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (đều là Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) đã liên hệ nhờ cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) “tìm cửa” chạy án.

Để thực hiện ý đồ, Hằng và Sơn đưa 2,8 triệu USD cho ông Tuấn, song tài liệu điều tra thể hiện, ông Tuấn chỉ nhận hơn 2,65 triệu USD. Tài liệu điều tra cũng xác định sau khi nhận tiền, ông Tuấn khai đưa hết cho Hoàng Văn Hưng, để Hưng “lo lót” điều tra viên, Viện kiểm sát…Song chỉ chứng minh được Hưng mới nhận khoản tiền 800.000 USD và chiếm đoạt.

Diễn biến xét xử tại phiên sơ thẩm cho thấy bị cáo Hưng đã phản bác mọi cáo buộc và khẳng định bản thân không phạm tội. Ngoài ra, Hưng đề nghị VKS làm rõ mâu thuẫn “về số tiền ông Tuấn đưa cho Hưng là hơn 2,65 triệu USD, trong khi Viện kiểm sát chỉ cáo buộc Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD (hơn 18,8 tỷ đồng). Vậy hơn 1,8 triệu USD còn lại đang ở đâu?”. "Tôi đề nghị VKS phải chứng minh số tiền 1,8 triệu USD đã đi đâu về đâu, liệu có phải ông Tuấn cũng lừa đảo không?", bị cáo Hưng nói tại phiên sơ thẩm và đặt dấu hỏi rằng "nếu ông Tuấn đã nộp lại 1,8 triệu USD thì có phải cũng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?".

Đối với số tiền 800.000 USD bị cáo buộc lừa đảo, Hưng liên tục đề nghị Viện kiểm sát phải chứng minh cụ thể từng lần “đưa nhận tiền như thế nào, ở đâu, đưa vào ngày, giờ nào..." Khi tuyên án, HĐXX sơ thẩm nhận định, thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo là điều tra viên chính, được bị cáo Nguyễn Anh Tuấn thu xếp cho gặp mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hưng đã đồng ý.

Theo tòa, bị cáo là người biết rõ quy định "điều tra viên không được tiếp xúc với bị can, bị cáo bên ngoài trụ sở cơ quan điều tra" nhưng vẫn gặp mặt Nguyễn Thị Thanh Hằng trao đổi mà không báo cáo cấp trên. Quá trình gặp, Hưng đã hướng dẫn Hằng viết các bản tường trình... Sau khi bị điều chuyển công tác khỏi Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, bị cáo Hoàng Văn Hưng không còn nhiệm vụ điều tra nhưng vẫn đưa ra các thông tin gian dối với bị cáo Hằng, Sơn, Tuấn, để từ đó tạo lòng tin khiến nhóm Hằng phải đưa tiền.

Sau khi nhận tiền, Hưng không "chạy án" như cam kết mà chiếm đoạt 800.000 USD. Từ phân tích trên, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt Hoàng Văn Hưng tù chung thân.

Bi cao Hoang Van Hung anh 2

Bị cáo Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị dẫn giải tới tòa.

Tính đến khi phiên tòa khai mạc, trong số 21 bị cáo kháng cáo chỉ có duy nhất bị cáo Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thái Hòa kháng cáo kêu oan cả về 2 tội danh. Số còn lại đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Trần Minh Tuấn bị phạt 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Trần Minh Tuấn là 18 năm tù.

Nhiều bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt như: bị cáo Phạm Bích Hằng, Phạm Thị Kim Ngân, Hoàng Diệu Mơ, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng. Một số bị cáo xin được hưởng án treo như: Lê Văn Nghĩa, Đặng Minh Phương, Trần Thị Mai Xa, Nguyễn Hoàng Linh. Bị cáo Võ Thị Hồng kháng cáo xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo bản án sơ thẩm, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước. Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các Bộ trong Tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay.

Bốn Bộ còn lại gồm: Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng, chống dịch cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao, UBND một số tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ cho chủ trương cách ly tại địa phương.

Quy trình cấp phép các chuyến bay combo được thực hiện như sau: Doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự). Trên cơ sở hồ sơ này, Cục Lãnh sự lấy ý kiến Tổ công tác của các Bộ, ngành và trình Chính phủ duyệt, sau đó thông báo cho doanh nghiệp được tổ chức thực hiện chuyến bay.

Thực hiện chủ trương trên, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết công việc, từ tháng 9-2020 đến tháng 12/2022, một số cá nhân thuộc các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trong đó, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.

Xin xử vắng mặt, bị cáo Hoàng Văn Hưng vẫn phải ra tòa

Hôm nay (25/12), Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa thúc phẩm để xem xét kháng cáo của 21 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”.

Đức Mạnh

Bạn có thể quan tâm